Vẹn nguyên ký ức một thời hoa lửa
Chiến tranh đã lùi xa nhưng đối với những người lính từng một thời “vào sinh ra tử”, vẫn luôn vẹn nguyên ký ức về những năm tháng kháng chiến chống Mỹ hết sức gian khổ và cũng rất đỗi hào hùng, nhất là thời khắc lịch sử vào tháng 4/1975.
Vào sinh ra tử, làm nên chiến thắng
Cựu chiến binh Đặng Văn Ngõ (76 tuổi), xã Đắk Búk So (Tuy Đức) vẫn nhớ như in ngày lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hải Dương, cũng như nhiều thanh niên miền Bắc lúc bấy giờ, tháng 4/1966 ông Ngõ tình nguyện đi bộ đội. Sau khóa huấn luyện ngắn ngày, ông được điều động tham gia chiến đấu trực tiếp tại mặt trận B5 (Quảng Trị)-chiến trường gian khổ, khốc liệt nhất lúc bấy giờ.
Với ông Ngõ, trong quãng thời gian hơn 10 năm chiến đấu trên chiến trường đã để lại cho ông bao nhiêu kỷ niệm. “Tôi còn nhớ, trong 81 ngày đêm “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972 ở Quảng Trị, hai bên địch ta giằng co từng mét đất, từng ngôi nhà.
Bom đạn đã phá hủy hoàn toàn thành cổ Quảng Trị. Hàng nghìn chiến sĩ - những người đồng đội của tôi đã ngã xuống trong trận chiến khốc liệt này. Và điều đau thương ám ảnh nhất với tôi cho đến tận bây giờ chính là tận tay chôn từng đồng đội hy sinh lúc ấy”
Cựu chiến binh Đặng Văn Ngõ
Điều đáng nhớ nhất nữa trong những ngày tháng chiến đấu gian khổ, mà ông luôn khắc ghi cho đến tận bây giờ chính là tình cảm thương yêu, đùm bọc của người dân đối với bộ đội. Rồi những đồng chí, đồng đội trong đơn vị tuy không cùng cha mẹ sinh ra, không cùng quê quán nhưng đã coi nhau như anh em ruột thịt, sẵn sàng sống chết có nhau. Đây chính là nguồn động viên giúp ông vượt qua khó khăn, gian khổ để cùng đồng đội luôn sẵn sàng xông vào nơi lửa đạn, làm nên những chiến thắng.
Trải qua bao nhiêu trận chiến đấu, kề cận với cái chết không một chút sờn lòng nhưng vào thời khắc lịch sử 30/4/1975, ông và nhiều đồng đội ôm nhau khóc bởi vui mừng khôn xiết. Vậy là từ nay, Bắc-Nam đã sum họp một nhà, đất nước hoàn toàn độc lập, người dân được tự do, yên bình, thoát khỏi chiến tranh loạn lạc.
Hy sinh vì Tổ quốc là niềm vinh quang
Đối với cựu chiến binh Nguyễn Văn Toan (79 tuổi), xã Đắk Búk So thì ngày 30/4/1975 là ngày chấm dứt mọi sự khổ đau, chia ly để lật sang một trang mới - hòa bình, tự do và hạnh phúc của tất cả đồng bào, dân tộc Việt Nam. Trong đó, ông luôn tự hào là đã góp một phần công sức để làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc.
Ông Toan nhập ngũ năm 1962, được đào tạo làm lính thông tin tại Trung đoàn 250 đóng ở tỉnh Hòa Bình. Sau đó, ông được phân công phục vụ tại chiến trường Quảng Ngãi, Quảng Đà thuộc Quân khu 5 đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.
Niềm vui sướng đến tột độ, chỉ biết ôm nhau và khóc như những đứa trẻ, đó chính là cảm xúc của ông Toan vào giây phút hay tin chiến thắng từ chỉ huy báo về qua máy điện đàm.
Gì cũng có thể quên nhưng mật mã morse và giây phút nhận tin thắng trận, miền Nam hoàn toàn giải phóng thì không bao giờ tôi quên. Bởi với tôi - lính thông tin thì dù hi sinh vẫn phải cố gắng bảo đảm thông tin liên lạc được thông suốt
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Toan
“Gì cũng có thể quên nhưng mật mã morse và giây phút nhận tin thắng trận, miền Nam hoàn toàn giải phóng thì không bao giờ tôi quên. Bởi với tôi - lính thông tin thì dù hi sinh vẫn phải cố gắng bảo đảm thông tin liên lạc được thông suốt”, ông Toan nhớ lại.
Trong những năm tham gia chiến đấu, chứng kiến rất nhiều những hy sinh, mất mát của đồng đội, người dân, điều mà ông Toan tâm đắc nhất là dù cuộc sống gian khổ, sự sống và cái chết liền kề trong gang tấc nhưng mọi người vẫn một lòng theo cách mạng.
Ông Toan tâm sự: “Chết ai không sợ nhưng chúng tôi khi ấy chỉ sợ “chết bất thình lình”, đó là những khi địch thả bom ngay sát miệng hầm, mình không lường trước được. Chứ còn chết, hy sinh vì Tổ quốc thì chúng tôi không sợ vì đó là cái chết vinh quang”.
Giữ gìn truyền thống
Cũng như các ông Đặng Văn Ngõ, Nguyễn Văn Toan, những cựu chiến binh chúng tôi đã gặp đều có chung một cảm xúc về thời khắc lịch sử của ngày 30/4, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Giờ đây, mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng nhiều cựu chiến binh vẫn làm việc, chăm sóc vườn tược, chăn nuôi cùng con cháu, tích cực tham gia công tác xã hội. Các cựu chiến binh còn tích cực tham gia các buổi nói chuyện truyền thống, truyền ngọn lửa yêu nước cho thế hệ trẻ do các cấp bộ Đoàn thanh niên, trường học tổ chức.
Cựu chiến binh Đặng Văn Ngõ chia sẻ: “Vào những ngày lễ lớn của dân tộc, của đất nước, tôi luôn được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể quan tâm, thăm hỏi động viên, tặng quà. Đoàn thanh niên các cấp còn thường xuyên mời tôi đến nói chuyện truyền thống, ôn lại lịch sử hào hùng cũng như chia sẻ những kỷ niệm chiến đấu với các bạn trẻ ở địa phương. Trong những buổi nói chuyện, điều mà tôi thường nhắc nhở thế hệ trẻ phải luôn tự hào, quý trọng hòa bình, thống nhất đất nước mà các thế hệ cha ông đã đổ bao nhiêu xương máu để giành độc lập, tự do cho cả dân tộc Việt Nam hôm nay. Qua đó, các bạn trẻ cần phải luôn thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong việc góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ”
Chiến thắng lịch sử 30/4, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là chiến thắng vĩ đại của dân tộc, mở ra một kỷ nguyên mới để xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, vì hạnh phúc, ấm no cho mọi người dân Việt Nam đã phải chịu quá nhiều đau thương, mất mát vì chiến tranh. Vì vậy, mỗi người dân hôm nay, nhất là thế hệ trẻ phải biết trân trọng, luôn nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm, đặt lợi ích của đất nước, dân tộc lên trên hết để cùng chung sức xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Bác Hồ đã dặn"
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Toan