Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải nói tiếng nói chân thành của người lao động, hành động quyết liệt, hiệu quả trước những vấn đề người lao động cần*

Chính sách - Ngày đăng : 19:16, 27/04/2023

Chiều 27/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu tại Lễ phát động Tháng Công nhân, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và năm 2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải nói tiếng nói chân thành của người lao động, hành động quyết liệt, hiệu quả trước những vấn đề người lao động cần* - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Lễ phát động Tháng Công nhân, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và năm 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thưa đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương!

Thưa các đồng chí Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương!

Thưa toàn thể cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động thân mến!

1. Giai cấp công nhân đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Hôm nay, trong không khí tưng bừng cả nước kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 - ngày hội của công nhân và người lao động toàn thế giới, tôi rất vui mừng tới dự Lễ phát động Tháng Công nhân - Tháng hành động An toàn, vệ sinh lao động năm 2023.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi gửi tới các anh chị em công nhân, viên chức, người lao động và toàn thể các đồng chí, quý vị đại biểu lời chào thân ái, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc tốt đẹp nhất.

Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu, khách quý!

2. Lao động là vinh quang, là quyền lợi và nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc cho mọi người và cho cả thế hệ mai sau. Công nhân, người lao động là những người trực tiếp làm ra của cải vật chất và giá trị tinh thần, làm giàu cho xã hội.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người anh hùng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới, đã trải qua nhiều ngành nghề, lao động rất vất vả trong quá trình tìm đường cứu nước. Người luôn cảm thông, chia sẻ, chăm lo đời sống của nhân dân và người lao động với tấm lòng bác ái sâu sắc.

Sự quan tâm của Bác với công nhân và người lao động được các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước kế thừa, tiếp nối với chủ trương coi con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực phát triển; giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu; phát triển nguồn nhân lực là đột phá chiến lược. Đồng thời, đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều cơ chế, chính sách phát triển lực lượng lao động.

Những năm qua, lực lượng lao động nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, có trên 52 triệu người lao động với nhiều chuyên gia, người lao động có trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế. 

Lao động Việt Nam từng bước đảm nhiệm được những công việc phức tạp mà trước đây phải cần tới chuyên gia là người nước ngoài. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực. Chất lượng nguồn nhân lực ngày càng đáp ứng nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp; năng suất lao động được nâng lên. 

Hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách về lao động tiếp tục được hoàn thiện. Các tiêu chuẩn về lao động cơ bản được bảo đảm, nhất là về vệ sinh, an toàn; những người không may bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quan tâm, chăm lo và bảo đảm các chế độ. 

Tiền lương và thu nhập của người lao động được cải thiện rõ rệt (thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I năm 2023 là 7 triệu đồng, tăng 640 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước).

3. Trong đó, giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng phát triển, lớn mạnh; ngày càng năng động, chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh; tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội (tính đến nay, cả nước có khoảng 24,5 triệu lao động làm công hưởng lương, trong đó công nhân lao động trong các doanh nghiệp chiếm khoảng 60%). Giai cấp công nhân chiếm khoảng 14% dân số, 27% lực lượng lao động, tạo ra trên 65% giá trị tổng sản phẩm xã hội.

- Ý thức giác ngộ chính trị, học vấn, trình độ chuyên môn của công nhân không ngừng được nâng lên. Hình thành lớp công nhân trẻ được đào tạo bài bản, có tay nghề cao, hiểu biết pháp luật, nhiệt huyết với cách mạng, luôn đổi mới sáng tạo, có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường trong nước và hội nhập quốc tế.

- Đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, công nhân, viên chức, người lao động đi đầu trong phát huy sáng kiến, đổi mới sáng tạo và thành công trong lao động, sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực.

Vai trò của công đoàn các cấp tiếp tục được phát huy. Đến nay, tổ chức Công đoàn có gần 11 triệu đoàn viên sinh hoạt ở 126 nghìn công đoàn cơ sở. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn chăm lo đời sống cho người lao động; chủ động kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều cơ chế, chính sách, góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận và chúc mừng những thành tích mà tổ chức Công đoàn, công nhân lao động cả nước đạt được trong những năm qua, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước.

Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu!

4. Chúng ta đang sống và làm việc trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quá trình chuyển đổi số, tự động hóa, sử dụng người máy, trí tuệ nhân tạo... đang làm gia tăng sức ép về cắt giảm giờ làm, việc làm, tác động trực tiếp đến thu nhập của người lao động, công nhân. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, chuyển dịch lao động giữa các vùng, các khu vực kinh tế và giữa các doanh nghiệp đòi hỏi người lao động phải thích ứng nhanh, linh hoạt với những thay đổi này.

Trong khi đó, một bộ phận người lao động, nhất là lao động phi chính thức chưa có việc làm bền vững; nhiều lao động bị mất việc, giảm giờ làm, nhất là trong 02 năm qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và việc đứt gãy cục bộ chuỗi cung ứng, sản xuất trên thế giới; các thị trường xuất khẩu lớn và truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp; nhu cầu về nhà ở và các thiết chế cơ bản của công nhân, người lao động còn rất lớn nhưng chưa được đáp ứng.

Đáng lưu ý, điều kiện làm việc ở nhiều cơ sở còn hạn chế, tình trạng nhà xưởng chật hẹp, máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu, dễ xảy ra tai nạn lao động; môi trường làm việc độc hại, nhất là đối với phụ nữ như nóng, bụi, yếm khí, bị ô nhiễm bởi tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, hóa chất… vượt tiêu chuẩn cho phép, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và điều kiện lao động của công nhân. 

Việc tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh lao động tại nhiều cơ sở chưa nghiêm; bệnh nghề nghiệp còn diễn biến phức tạp; tình hình tai nạn lao động chưa được cải thiện, vẫn có những vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, nhất là ở các lĩnh vực xây dựng, điện, khai thác than, khoáng sản và sản xuất, chế biến gỗ, cơ khí luyện kim (trung bình mỗi năm xảy ra trên 6.000 vụ tai nạn lao động, làm mất đi và bị thương hơn 600 người)…

Đảng, Nhà nước thấu hiểu, thông cảm, chia sẻ với những vấn đề mà công nhân, người lao động phải đối mặt; đồng thời luôn quan tâm, ban hành những cơ chế, chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động.

Thưa anh chị em công nhân, người lao động thân mến!

5. Trong giai đoạn phát triển mới, giai cấp công nhân là một lực lượng xã hội to lớn với vai trò rất quan trọng, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: "Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định: "Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…", "… Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân…".

Để thực hiện thành công nhiệm vụ quan trọng này, chúng ta cần cùng nhau hành động với tinh thần thiết thực, hiệu quả và trách nhiệm cao nhất.

- Chúng ta kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Tích cực, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển đa dạng các thành phần kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm và sinh kế cho người lao động, người dân.

- Chúng ta cùng hành động để thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến giai cấp công nhân; luôn lắng nghe, chia sẻ và tích cực giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động.

- Đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung triển khai hiệu quả gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỉ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ. 

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển các công trình phúc lợi, siêu thị, thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục phục vụ người lao động và gia đình, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông người, đông công nhân theo các quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để "an cư lạc nghiệp". Bảo đảm cơ hội tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu cho người lao động ở tất cả mọi nơi.

- Sớm có giải pháp căn cơ nâng cao năng suất lao động quốc gia. Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp theo Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 19/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ. 

Khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia đào tạo, đào tạo lại, đào tạo tại chỗ nhằm chuyển đổi, nâng cao kỹ năng, nhất là kỹ năng nghề cho người lao động. Tạo điều kiện để người lao động tiếp cận bình đẳng, nhanh chóng, thuận lợi với các chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội.

- Đẩy mạnh phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập. Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, quan tâm tới vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Chúng ta cùng hành động để xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội hiện đại, đa tầng, bao trùm, bền vững. Kịp thời hỗ trợ người lao động ứng phó, thích ứng, giải quyết các khó khăn, thách thức, rủi ro.

- Tăng cường nhận thức về tầm quan trọng và triển khai hiệu quả việc bảo đảm an toàn, vệ sinh cho người lao động và người sử dụng lao động, tạo động lưc, truyền cảm hứng và cho lan tỏa cho người lao động và công nhân để họ ngày càng đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc, chủ động ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, nhất là đối với lao động nữ. Bảo đảm đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với cá nhân và gia đình người lao động.

Với tổ chức Công đoàn Việt Nam, tôi đề nghị:

(1) Thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: "Công đoàn phải có biện pháp thiết thực để nâng cao trình độ văn hóa và kỹ thuật của công nhân, phải tùy khả năng cộng với cố gắng mà nâng cao dần đời sống vật chất của họ; phải chú ý bảo vệ sức khỏe, bảo vệ an toàn lao động và tăng cường công tác vệ sinh...".

Đồng thời, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới và các quy định tại Luật, Điều lệ Công đoàn.

(2) Tập trung chăm lo, thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên; đại diện cho người lao động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; góp phần tích cực bổ sung, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về lao động.

(3) Phải thường xuyên quan tâm, lắng nghe, thấu hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; phải sống trong cuộc sống của người lao động; phải nói tiếng nói chân thành của người lao động; phải hành động quyết liệt, hiệu quả trước những vấn đề người lao động cần; phải có quan điểm đầu tư cho người lao động là đầu tư cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao hơn nữa đời sống của công nhân, người lao động. Đặc biệt quan tâm công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh, để công nhân có môi trường thuận lợi cho lao động, sản xuất.

(4) Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tập hợp lực lượng, tuyên truyền để củng cố sức mạnh của giai cấp công nhân; để các đoàn viên nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan và chủ động cùng với công đoàn các cấp tích cực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.

Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu!

6. Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn và cùng nhau hành động, tôi mong muốn và tin tưởng rằng tổ chức Công đoàn Việt Nam, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội và công nhân, viên chức, người lao động cả nước sẽ tiếp tục nỗ lực, phát huy truyền thống và những kết quả đã đạt được, phấn đấu cao nhất để hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Chúc các quý vị đại biểu cùng toàn thể công nhân, viên chức, người lao động sức khỏe, hạnh phúc, thành công!

Chúc tinh thần Ngày Quốc tế Lao động 01/5 bất diệt!