Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống COVID-19 trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 09:55, 27/04/2023
Đây là một trong những nhấn mạnh được GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đưa ra tại hội nghị trực tuyến của Bộ Y tế với 63 tỉnh, thành chiều 26/4 về công tác phòng chống dịch trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và Giỗ Tổ Hùng Vương.
Thông tin tại cuộc hội nghị cho thấy những tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 có chiều hướng gia tăng trở lại và đã ghi nhận 2 ca tử vong sau gần 4 tháng không có trường hợp tử vong nào, trong đó có trường hợp có bệnh nền nhưng không tiêm mũi vaccine phòng COVID-19.
Các biến thể phụ của Omicron xuất hiện tại TP HCM đều là những biến thể phụ đã có mặt trên nhiều quốc gia trên thế giới và được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào nhóm các biến thể đáng quan tâm cần được theo dõi.
Hiện nay, chưa có thông tin hay bằng chứng rõ ràng là biến thể phụ này làm tăng mức độ nặng của bệnh.
Liên quan đến công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, theo thông tin tại hội nghị cho thấy đến nay cả nước đã tiêm hơn 266 triệu liều vaccine. Tuy nhiên vẫn có một số tỉnh, thành đang tiêm chậm các mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, tiêm cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi.
Bộ Y tế và các chuyên gia dịch tễ, truyền nhiễm… tiếp tục đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine cho người thuộc nhóm nguy cơ cao để bảo vệ chặt chẽ hơn nữa những đối tượng này trước diễn biến tăng về số ca mắc.
Tại hội nghị, các đại biểu báo cáo, thảo luận về công tác triển khai phòng chống dịch tại các địa phương, công tác khám chữa bệnh, điều trị COVID-19 cũng như công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, tiêm chủng mở rộng bù cho trẻ chưa tiêm đủ theo khuyến cáo…
Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân đề nghị, trước diễn biến gia tăng ca mắc COVID-19 thời gian gần đây, các địa phương cần tăng cường giám sát trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ kéo dài, đặc biệt là sau vài năm đại dịch COVID-19, nhu cầu đi lại của người dân giữa các địa phương cũng như du khách nước ngoài đến nước ta dự báo sẽ gia tăng, như vậy nguy cơ dịch bệnh sẽ gia tăng.
Đặc biệt, sau kỳ nghỉ lễ, khi người dân trở lại làm việc, công tác phòng, chống dịch cần được tăng cường và kiểm soát chặt chẽ hơn.
Cùng đó, sau kỳ nghỉ lễ các trường học bước vào kỳ thi, do đó ngành y tế các địa phương tiếp tục tăng cường phối hợp với ngành giáo dục – đào tạo để đảm bảo sự an toàn phòng chống dịch trong nhà trường.
GS.TS Phan Trọng Lân đề nghị các Viện Pastuer, Viện Vệ sinh dịch tễ khu vực cần phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành đã được phân công tăng cường giám sát, đánh giá thêm các ca nhập viện, ca nặng. Từ đó có dữ liệu để tuyên truyền cho người dân về phòng chống dịch, tiêm vaccine. Đồng thời tăng cường lấy mẫu, giải trình tự gen các mẫu ca bệnh để kịp thời có các thông tin về biến thể.
Về tiêm vaccine phòng COVID-19, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nêu rõ, chúng ta tiêm vaccine cao do đó vaccine vẫn có tác dụng trước biến thể Omicron. Tuy nhiên, đề nghị các đia phương công bố công khai, cập nhật các địa điểm tiêm vaccine để người dân dễ tiếp cận.
Cùng đó, các địa phương cần quản lý tốt bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng và cơ sở khám chữa bệnh để giảm áp lực cho nhóm đối tượng nguy cơ cao- người có bệnh nền khi mắc COVID-19.
Các tỉnh/thành phố cập nhật, đánh giá cấp độ dịch kịp thời để có những biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
Lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng cũng lưu ý các địa phương tăng cường kiểm dịch y tế biên giới để phát hiện, xử lý kịp thời bệnh xâm nhập.
Đối với dịch sốt xuất huyết, GS.TS Phan Trọng Lân cho hay qua báo cáo của các địa phương cho thấy có sự gia tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong khi theo dự báo năm nay diễn biến thời tiết có nhiều thất thường sẽ có nguy cơ gia tăng ca mắc tiếp tục. Do đó, ngay từ bây giờ các tỉnh, thành cần triển khai các chiến dịch giám sát các ổ dịch, tăng cường truyền thông để người dân tích cực phòng chống dịch.
Về những lo ngại liên quan đến một số bệnh của trẻ do 'khoảng trống' về tiêm chủng mở rộng trong thời gian 3 năm chống dịch COVID-19, Cục trưởng Phan Trọng Lân nhấn mạnh các địa phương cần đẩy nhanh rà soát, lập danh sách trẻ chưa tiêm đủ mũi vaccine, ví dụ như vaccine sởi để lên kế hoạch tiến hành tiêm vét kịp thời…