Hai thái cực của vụ đông xuân ở Đắk Nông
Vụ đông xuân năm nay, nhiều hộ nông dân phấn khởi vì một số nông sản được mùa, giá cả ổn định ở mức cao. Nhưng cũng có không ít hộ kém vui vì năng suất cây trồng giảm do thời tiết bất thuận.
Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, vụ đông xuân 2022-2023, toàn tỉnh gieo trồng 10.230 ha cây trồng các loại, đạt 99% kế hoạch.
Trong đó, diện tích lúa ước đạt 5.193 ha, bắp đạt 2.092 ha, khoai lang 1.214 ha, rau các loại 1.570 ha… Hiện nay, người dân các địa phương đang tiến hành thu hoạch các loại cây trồng vụ đông xuân.
Niềm vui với cây bắp
Vụ đông xuân năm nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Thông qua việc chuyển đổi đã giúp người dân tiết kiệm được nguồn nước tưới, tăng thu nhập, lợi nhuận và hiệu quả kinh tế hơn trên đơn vị diện tích.
Gia đình ông Trần Văn Nam, ở thôn Xuyên Tân, xã Đức Xuyên (Krông Nô), vụ này xuống giống hơn 1 ha bắp giống F1. Nhờ xuống giống đúng lịch thời vụ, chăm sóc tốt, nên ruộng bắp cho năng suất trên 9 tấn. Với giá bắp hiện nay 13.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Nam thu lãi hơn 90 triệu đồng.
Ông Nam cho biết: “Năm nay, người trồng bắp trên địa bàn trúng lớn vì được công ty mua với giá cao. So với mọi năm, lợi nhuận 1 ha bắp năm nay tăng lên hơn 40 triệu đồng. Khi chuyển đổi từ khoai lang, bí đỏ sang trồng bắp chúng tôi có thu nhập cao hơn hẳn”.
Còn gia đình bà Nguyễn Thị Mai, cũng ở xã Đức Xuyên, trồng 1,3 ha bắp giống F1, năng suất đạt gần 9 tấn/ha. Trong suốt quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, bà luôn được cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Hạt Giống CP Việt Nam (Công ty CP Việt Nam) hướng dẫn kỹ thuật, nên ruộng bắp đạt năng suất cao.
Bà Mai cho hay: “Mặc dù trồng bắp F1 đòi hỏi kỹ thuật cao, nhưng bù lại người trồng không lo đầu ra và bán được giá, tương xứng với công sức bỏ ra”.
Theo ông Võ Văn Chí, Trưởng vùng sản xuất khu vực Tây Nguyên, Công ty CP Việt Nam, vụ đông xuân này, giá bắp giống F1 cao khoảng gấp đôi giá bắp lai, nên người trồng có lãi cao.
Vụ đông xuân này, xã Đức Xuyên xuống giống được 185 ha bắp giống F1, năng suất ước đạt 9 tấn/ha. Những năm qua, bắp giống F1 được công ty liên kết thu mua với giá cả ổn định, nên mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Vụ lúa thất bát
Vụ đông xuân năm nay, tại cánh đồng lúa VietGAP Buôn Choáh, không khí không còn sôi động do năng suất lúa giảm hơn một nửa so với mọi năm.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch UBND xã Buôn Choáh cho biết, có khoảng 221 ha lúa đông xuân bị nghẽn bông, lép hạt, dự kiến năng suất giảm khoảng 50%.
Nguyên nhân cơ bản được xác định do thời kỳ lúa trổ bông thời tiết nắng nóng bất thường, kèm theo gió to, dẫn đến lúa thụ phấn không đạt.
Bên cạnh đó, có 3,2 ha lúa bị nhiễm bệnh trong thời kỳ trổ bông, nhưng người dân điều trị chưa bảo đảm kỹ thuật, nên ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn.
Theo ông Nguyễn Thiện Chân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông nghiệp, biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, gây ra những hình thái thời tiết bất thường.
Điều này đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của các địa phương. Không chỉ ở xã Buôn Choáh, nhiều vùng trồng lúa ở các xã Nâm N’đir, Đức Xuyên (Krông Nô); Cư K’nia, Đắk D’rông (Cư Jút)… tại thời điểm lúa trổ bông đều có gió mạnh, lạnh về đêm, dẫn đến năng suất lúa giảm mạnh.
Hiện nay, nhiều hộ nông dân trông chờ vào vụ lúa để có tiền trang trải cuộc sống. Có hộ vay hàng trăm triệu đồng đầu tư trồng lúa, nhưng, năng suất lúa giảm đến 60 - 70%, nên khả năng hoàn trả vốn cho ngân hàng gặp nhiều khó khăn.