Động lực cho Đắk Nông từ chương trình dân tộc và miền núi
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi 2021-2030 (gọi tắt là Chương trình) là một trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Đắk Nông.
Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn đầu tư thực hiện Chương trình này tại Ðắk Nông là hơn 1.136 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương hơn 1.062 tỷ đồng; ngân sách địa phương đối ứng hơn 74 tỷ đồng đồng.
Tỉnh Đắk Nông có 40 dân tộc cùng sinh sống; đồng bào DTTS có 45.707 hộ, với 215.048 người, chiếm tỷ lệ 31,73%. Toàn tỉnh có 713 thôn, bon, buôn, bản, tổ dân phố. Số thôn, xã, huyện thụ hưởng Chương trình theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh có 46 xã thuộc vùng DTTS. Trong đó, có 29 xã thuộc khu vực I, 5 xã khu vực II, và 12 xã khu vực III. Toàn tỉnh có 347/713 thôn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Về thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc, toàn tỉnh có 143 thôn đặc biệt khó khăn. Trong đó, 103 thôn thuộc các xã khu vực III; 14 thôn thuộc xã khu vực II; 21 thôn thuộc xã khu vực I; 5 thôn tại các xã không thuộc diện phân định khu vực (ngoài 46 xã vùng DTTS).
Thực hiện Chương trình, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông triển khai 10 dự án với 12 tiểu dự án. So với Chương trình được phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông không có 2 tiểu dự án, gồm: Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 3: Phát triển kinh tế xã hội - mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng đồng bào DTTS và miền núi và Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 4: Đầu tư cơ sở vật chất các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc.
Năm 2022, tổng nguồn vốn cho Chương trình hơn 287 tỷ đồng. Đến hết ngày 1/3/2023, Chương trình giải ngân vốn năm 2022 hơn 44 tỷ đồng, đạt 15,39%; trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 36,5 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 7,6 tỷ đồng đồng. Thực hiện Chương trình năm 2022, toàn tỉnh hỗ trợ nhà ở cho 18 hộ; chuyển đổi nghề cho 20 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 42 hộ; mở 4 lớp xóa mù chữ trên địa bàn huyện Tuy Đức và Đắk Glong; đào tạo nghề giải quyết việc làm cho 868 lao động...
Theo báo cáo của UBND tỉnh, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 120 của Quốc hội về Chương trình tại tỉnh phát sinh các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách và đặc thù thực tế của địa phương. Cụ thể như: Thủ tướng Chính phủ chưa ban hành quy định về định mức, hình thức ho đối với hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế cho các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn (Tiểu dự án 1 Dự án 9). Ủy ban Dân tộc chưa ban hành Bộ tài liệu đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Tiểu dự án 4 Dự án 5); chưa ban hành quy định nhóm dân tộc gặp nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Bộ Thông tin và Truyền thông chưa ban hành hướng dẫn thực hiện đối với tiểu dự án ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Tiểu dự án 2 Dự án 10)...
Ngoài ra, một số nội dung dự án, tiểu dự án hiện nay đã có văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành trung ương; tuy nhiên, một số nội dung quy định chưa rõ ràng, cụ thể. Do vậy, trong quá trình áp dụng triển khai địa phương còn khó khăn lúng túng. Cụ thể như: Tiểu dự án 1 thuộc dự án 3 về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; Nội dung số 2, Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 3 về đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; Tiểu dự án 3 về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS.
Trong năm 2023, dự toán ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình là 481 tỷ đồng; nguồn vốn chưa giải ngân năm 2022 được chuyển sang tiếp tục thực hiện trong năm 2023. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình, các cấp, ngành, địa phương liên quan đang tích cực đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm phát huy tối đa hiệu quả của chương trình. Ban Dân tộc tỉnh cũng chủ động, thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các địa phương, sở, ngành để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhằm sớm tham mưu, đề xuất giải pháp và kiến nghị với các cấp có thẩm quyền. Để sớm tháo gỡ những khó khăn, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông cũng có văn bản báo cáo, đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành những hướng dẫn cụ thể và tham mưu Thủ tướng Chính phủ giải pháp để tháo gỡ vướng mắc để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện chương trình...