Thiếu tá Phạm Nam Huân - gương sáng ở Trung đoàn 720
Về miền đất đỏ bazan nơi cuối dải Trường Sơn hùng vĩ, chúng tôi được chứng kiến một câu chuyện cổ tích giữa đời thường của người sĩ quan "bảo mẫu" 48 tuổi. Anh là thiếu tá Phạm Nam Huân, Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Đội trưởng Đội 6, Trung đoàn 720, Binh đoàn 16.
Từ đội trưởng đội sản xuất
Năm 1996, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Phạm Nam Huân nộp đơn làm công nhân Binh đoàn 15. Hai năm sau, Binh đoàn 16 thành lập, anh là một trong những người của lớp công nhân đầu tiên xây dựng Binh đoàn 16, được biên chế về Trung đoàn 720.
Trải qua nhiều cương vị: thủ kho, bí thư chi đoàn, đội phó thống kê, đội trưởng đội sản xuất, nhiệm vụ nào anh cũng được khen thưởng. Năm 2010, anh nhận nhiệm vụ Đội trưởng Đội sản xuất 6. Đây là đơn vị có nhiều điểm khác so với các đội còn lại trong Trung đoàn 720.
Người lao động chủ yếu là đồng bào Mông từ các tỉnh phía Bắc du canh du cư vào Tây Nguyên được Chính phủ giao cho Binh đoàn 16 mà trực tiếp là Trung đoàn 720 đón về, tổ chức tái định cư. Để hoàn thành nhiệm vụ, anh phải mất nhiều thời gian tìm hiểu về phong tục tập quán, tự học tiếng đồng bào Mông.
Qua 13 năm, Đội 6 từ khó khăn vươn lên đạt “đơn vị quyết thắng”. Tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, 100% trẻ em được đến trường, người ốm đau được điều trị tại bệnh xá, bệnh viện, không có hiện tượng mê tín dị đoan.
Năm 2010, bản Giang Châu (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức) nơi đơn vị Đội sản xuất 6 đứng chân là bản trắng đảng viên, nay đã có chi bộ với 5 đảng viên trong đó có 1 đảng viên là đồng bào Mông.
Trở thành "bảo mẫu"
Tháng 5/2014, Đội sản xuất 6 được giao nhiệm vụ tiếp nhận, ổn định cuộc sống cho 5 cháu đồng bào Mông mồ côi cha mẹ từ xã Ea Kiết, Cư M’gar, Đắk Lắk do Thiếu tá Phạm Nam Huân trực tiếp làm “bảo mẫu”. Các cháu gồm: Sùng Thị Dinh 14 tuổi, Sùng A Giàng 12 tuổi, Sùng Thị Sùng 8 tuổi, Sùng Thị Nu 6 tuổi và Sùng Thị Hìn 4 tuổi.
Khó khăn nối tiếp khó khăn, vừa phải hoàn thành khối lượng lớn công việc tổ chức sản xuất cho các hộ đồng bào, anh vừa tiếp nhận nuôi dưỡng 5 cháu mồ côi. Vợ là nhân viên văn thư lưu trữ của đơn vị với đặc thù công việc nhiều. Anh cùng vợ thu xếp công việc gia đình một cách khoa học, cùng chăm sóc hai con, trong đó con lớn của anh chị sức khỏe yếu, thường xuyên phải điều trị tại bệnh viện.
Ngày ngày, Thiếu tá Huân chở rau, thịt, mì tôm, nước mắm ... trên chiếc xe máy cũ đến hướng dẫn 5 cháu nấu ăn sáng và tự làm những việc nhỏ. Cháu nhỏ nhất chưa tự vệ sinh cá nhân, anh trực tiếp rửa mặt, chải đầu, cột tóc. Khích lệ, biểu dương là việc làm thường xuyên khi các “con” có kết quả tốt, đồng thời anh cũng không quên ân cần chỉ bảo các “con” cách sắp xếp vật dụng trong nhà, dụng cụ học tập vệ sinh, ngăn nắp và khoa học.
Ngày ngày của anh thường là như thế, không hôm nào anh ngủ trước 12 giờ đêm, nhưng cũng chưa khi nào anh dậy quá 5 giờ sáng. "Mệt nhất là khi có đứa ốm đau, tôi trực tiếp lo cơm nước, giặt giũ, chăm cho các cháu nhanh bình phục để tiếp tục đến trường", anh Huân cho biết.
Vui vì sự trưởng thành của các “con”
9 năm về với “bố” Huân, 5 cháu đồng bào Mông đã thay đổi nhiều. Cuối năm 2018, Sùng Thị Dinh lập gia đình riêng được tổ chức lễ cưới theo quy định của pháp luật và phong tục địa phương, tiếp nhận cháu vào công tác tại nhà trẻ của đơn vị.
Năm 2020, Sùng A Giàng được “bố” Huân kèm cặp, ôn và thi đỗ vào Trường PTDT nội trú N’Trang Lơng với số điểm cao, hiện đang theo học năm cuối… Các cháu còn lại đang được chăm sóc, học hành đầy đủ như các bạn trẻ khác.
“Mình rất vui và tự hào được làm "con" của bố Huân. Bố Huân giờ đã thành ông ngoại của con mình. Mình cùng các em nghe lời bố, dạy bảo các em chăm ngoan phấn đấu học tập để cả 5 chị em được trở thành công nhân quốc phòng của đơn vị bố”.
Cháu Sùng Thị Dinh
Già làng Giàng A Lừ, bản Giang Châu nói: “Mình đã hơn 80 tuổi, đi nhiều nơi nhưng chưa gặp ai tốt như bộ đội Huân. Huân là người con tốt nhất của bản Mông mình, nó vừa lo cho dân bản no cơm, ấm áo, nay còn làm “bố” của 5 đứa con mồ côi, làm ông ngoại của con nó. Bản mình gọi là Giàng A Huân người con của dân bản”.
29 năm binh nghiệp, anh Phạm Nam Huân đã được nhận gần 100 bằng, giấy khen trong các phong trào thi đua, nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm 2020, anh đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quân”, được thăng quân hàm trước niên hạn. Năm 2022, anh được Tư lệnh Binh đoàn tuyên dương “Lao động giỏi - lao động sáng tạo” giai đoạn 2017-2022. Anh là người chiến sĩ gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.