Dòng chảy thông tin

Việt Nam khẳng định vị thế và uy tín quốc tế

Hoài Anh 28/04/2023 05:00

Chiến tranh đã lùi xa 48 năm và khi nhắc tới Việt Nam, người ta không chỉ nhắc tới một thời quá khứ hào hùng, mà còn nhắc tới sự phát triển vượt bậc của một đất nước từng bị chiến tranh tàn phá. Bạn bè quốc tế khi đến Việt Nam đều có chung cảm nhận, đất nước với 4.000 năm lịch sử này đang thay đổi từng ngày.

Đạt nhiều thành tựu

Tại hội thảo trực tuyến với chủ đề "Phát triển đất nước và con người Việt Nam sau 48 năm thống nhất đất nước" do Hội hữu nghị Canada - Việt Nam tổ chức tại Toronto ngày 21/4, diễn giả Philip Fernandez, thay mặt cho Hội hữu nghị Canada - Việt Nam cho biết, việc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, với dấu mốc là chiến thắng 30/4/1975 là sự khởi đầu cho những thành công của Việt Nam ngày nay.

Cùng với điểm lại những kết quả đáng tự hào của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, diễn giả Philip Fernandez đánh giá cao kết quả về kinh tế, ngoại giao và phát triển con người phù hợp với các mục tiêu của Liên Hợp Quốc (LHQ).

3256514684(2).jpeg
Bức tranh kinh tế Việt Nam ngày càng khởi sắc.

Việt Nam đã liên tục đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 6-8% kể từ đầu thiên niên kỷ tới nay. Đặc biệt, trong thời kỳ đại dịch, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam vẫn trên 8%, mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua.

Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ rệt. Từ năm 2008, chúng ta đã đạt mức thu nhập bình quân đầu người trên 1.000 USD, vượt qua ngưỡng nước nghèo chậm phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Đến năm 2022, GDP bình quân đầu người đạt 95,6 triệu đồng, tương đương hơn 4.100 USD tăng hơn 400 USD so với 2021 (năm 2021 đạt khoảng 3.694 USD).

Chỉ số phát triển con người (HDI) đến năm 2020 của Việt Nam được xếp vào các nước phát triển con người cao và được xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ và có thể tiếp tục được cải thiện khi UNDP cập nhật bảng xếp hạng.

Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ luôn được quan tâm và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2000 đến nay, cả nước đã đạt chuẩn quốc gia về xoá nạn mù chữ, hoàn thành phổ cập tiểu học; tất cả các tỉnh, thành phố đều đạt phổ cập trung học cơ sở, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Từ những kết quả đạt được, Việt Nam được UNESCO đánh giá xếp thứ 64/127 nước về phát triển giáo dục.

9-4-.jpg
Việt Nam được UNESCO đánh giá xếp thứ 64/127 nước về phát triển giáo dục.

Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng

Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp.

Việt Nam đã phá vỡ thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá, giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia, xác lập được quan hệ ổn định với các nước lớn; có quan hệ ngoại giao với 189 nước, quan hệ kinh tế thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế ASEAN, ASEM, APEC, WTO, CPTPP, EVFTA ….

Việt Nam đã chính thức ký với Liên minh Châu Âu Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA), kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP). Năm 2019 Việt Nam đã tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội, góp phần thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, được các đối tác và cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao; được bầu làm ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhiệm kỳ 2020- 2021 (192/193 phiếu); năm 2020 Việt Nam là Chủ tịch ASEAN; là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025... đã tích cực tham gia giải quyết những vấn đề biên giới, lãnh thổ, biển đảo với các nước liên quan, góp phần giữ vững môi trường hoà bình khu vực và thế giới.

Xây dựng nền ngoại giao toàn diện

Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, công tác đối ngoại được triển khai ngày càng đồng bộ trên tất cả các trụ cột, lĩnh vực, từ Trung ương đến địa phương. Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội, đối ngoại Nhân dân, đối ngoại quốc phòng - an ninh và các hoạt động đối ngoại của các bộ, ngành, địa phương được triển khai đồng bộ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, phát huy được thế mạnh đặc trưng của từng trụ cột, lực lượng cũng như sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị.

Các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương triển khai tích cực, hiệu quả công tác hội nhập quốc tế. Riêng năm 2022, Bộ Ngoại giao đã tích cực đẩy mạnh công tác hỗ trợ đối ngoại cho các địa phương với việc hỗ trợ ký hơn 90 văn bản thỏa thuận hợp tác địa phương với các đối tác nước ngoài, tổ chức nhiều lớp đào tạo cho 6.000 cán bộ lãnh đạo, công chức phụ trách công tác đối ngoại, hơn 80 đoàn làm việc tại 44/62 địa phương, 70 hoạt động kết nối các đối tác thương mại, đầu tư và các đoàn doanh nghiệp kiều bào về địa phương.

Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện mục tiêu phát triển của Đại hội Đảng XIII, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025 và cân bằng chiến lược giữa ổn định, tăng trưởng và xây dựng nền tảng để phát triển bứt phá. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, thời gian tới, ngành Ngoại giao tiếp tục củng cố cục diện đối ngoại ổn định, hòa bình và thuận lợi để phát triển; đẩy mạnh quan hệ với các nước láng giềng, nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống và các đối tác quan trọng khác đi vào chiều sâu, thực chất, gia tăng tin cậy chính trị và đan xen lợi ích.

Cùng với đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương thúc đẩy ngoại giao phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu…, chúng ta ứng xử chủ động, linh hoạt, hiệu quả với các sáng kiến về liên kết mới ở khu vực, phù hợp với lợi ích, an ninh quốc gia của đất nước.

Ngành Ngoại giao thúc đẩy nền ngoại giao hiện đại, toàn diện, trong đó tăng cường hiệu quả phối hợp giữa 3 trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội và đối ngoại Nhân dân; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa tất cả các trụ cột, lực lượng làm công tác đối ngoại.

Song song với việc phát huy vai trò của đối ngoại trong thúc đẩy bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược đáp ứng đúng và trúng yêu cầu của tình hình mới, ngành Ngoại giao tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về đối ngoại, nhất là các vấn đề tác động trực tiếp, lâu dài đến an ninh và phát triển của đất nước. Thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, nắm chắc và dự báo đúng tình hình để kịp thời có đối sách và giải pháp phù hợp. Ngành Ngoại giao đi vào triển khai các đề án, chiến lược lớn trong lĩnh vực đối ngoại, an ninh, quốc phòng, trong đó có Nghị quyết về những định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII, Chiến lược đối ngoại Việt Nam đến năm 2030…

Hoài Anh