Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói về cải cách tiền lương, điều chỉnh chính sách bảo hiểm xã hội
Chính sách - Ngày đăng : 13:45, 26/04/2023
Nhiều chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội sẽ được điều chỉnh
Ngày 25/4, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thanh Hóa tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tại huyện Triệu Sơn và thành phố Sầm Sơn.
Tại buổi tiếp xúc đoàn ĐBQH đã thông báo đến cử tri dự kiến các nội dung chương trình kỳ họp thứ 5 và báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ 4 của Quốc hội tới nay.
Nhiều vấn đề "nóng" trong đời sống xã hội được các cử tri nêu ra, kiến nghị, như bổ sung vật tư y tế ở cấp xã; xử lý vấn đề chậm, nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội; chính sách bảo hiểm xã hội; việc cải cách chính sách tiền lương; chính sách giảm nghèo...
"Cần bổ sung chế độ thai sản, bảo hiểm tai nạn lao động trong bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đồng thời có chế tài xử lý vi phạm về việc trốn đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động", cử tri Hùng kiến nghị.
Thay mặt đoàn ĐBQH Thanh Hóa, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh con số, hiện cả nước mới đạt tỷ lệ 38% người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
Mặc dù vậy, đa phần người lao động đang có suy nghĩ rút bảo hiểm một lần, tập trung ở nhóm công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
Bộ trưởng Dung cho rằng, lý do của việc này là vì đời sống của công nhân còn khó khăn, họ cần rút bảo hiểm để giải quyết các vấn đề trước mắt, chưa tính được đến việc về lâu dài, đến tuổi già sẽ rơi vào tình trạng không có lương hưu, không có bảo hiểm y tế.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, tình trạng nợ đọng bảo hiểm, trốn đóng bảo hiểm còn nhiều. Hiện cả nước có tới 300.000 doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm.
"Việc xử lý vấn đề nợ, trốn, chậm bảo hiểm xã hội không chỉ phong tỏa hóa đơn, phong tỏa tài khoản doanh nghiệp là xong mà phải xử lý nghiêm, mạnh tay. Hiện nay, số tiền mà doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm khoảng 13.000 tỷ đồng.
Điều này khiến hàng trăm ngàn lao động không được hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các quyền lợi về thai sản, gây bức xúc, nhức nhối", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Cũng theo người đứng đầu ngành lao động, an sinh xã hội, tới đây nhiều chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội sẽ được điều chỉnh, như việc giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống còn 15 năm, thậm chí tiến tới có thể chỉ còn 10 năm để được hưởng lương hưu thay vì 20 năm như hiện nay.
Chưa cải cách chính sách tiền lương nhưng sẽ điều chỉnh để tương thích với trượt giá
Liên quan đến các ý kiến của cử tri về tiền lương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, hiện nhà nước chưa chính thức thực hiện việc cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, ngày 1/7 tới, tiền lương sẽ được điều chỉnh tăng để tương thích với tình trạng trượt giá, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, lạm phát tăng cao.
"Do tình hình kinh tế xã hội trong và ngoài nước hiện đang nhiều khó khăn, vướng mắc nên tạm thời nhà nước chưa thực hiện cải cách chính sách tiền lương, nhưng sẽ điều chỉnh tiền lương cho phù hợp thực tế", Bộ trưởng trao đổi.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc điều chỉnh chính sách tiền lương hiện nay sẽ tập trung vào các đối tượng như: Cán bộ công chức, viên chức; người làm công ăn lương; người có công với cách mạng; người thuộc diện bảo trợ xã hội; người có hoàn cảnh khó khăn; cán bộ hưu trí, cán bộ y tế tuyến xã, tuyến cơ sở; giáo viên…
Việc điều chỉnh chính sách tiền lương với các đối tượng này nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu.
Trong bối cảnh với nhiều thách thức và khó khăn như vậy, ông nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước đã không ngừng cố gắng thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, khai thác tiềm năng sẵn có, duy trì sự ổn định trong đời sống kinh tế - xã hội đất nước.