Hạ viện Mỹ thúc đẩy dự luật cắt giảm chi tiêu và tăng trần nợ công
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 13:51, 26/04/2023
Toàn cảnh một phiên họp của Hạ viện Mỹ ở Washington DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nghị sỹ đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ ngày 25/4 cho biết họ sẽ xúc tiến bỏ phiếu trong tuần này về một dự luật nhằm cắt giảm chi tiêu và tăng mức trần nợ công 31.400 tỷ USD của chính phủ.
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, người đang hy vọng vào kế hoạch sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán với Tổng thống Joe Biden, cho hay ông sẵn sàng tiến lên phía trước để thu hút sự ủng hộ.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội ngày 25/4 cho hay dự luật sẽ giảm thâm hụt ngân sách liên bang 4.800 tỷ USD trong thập kỷ tới nếu được ký thành luật.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát nhận định có rất ít cơ hội để dự luật trên được Thượng viện, do đảng Dân chủ kiểm soát, thông qua và Nhà Trắng cho hay Tổng thống Biden sẽ phủ quyết nếu dự luật chuyển đến ông.
Theo bộ phận nghiên cứu Moody's Analytics thuộc hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's, kế hoạch mà Chủ tịch Hạ viện McCarthy đề xuất trong việc nâng trần nợ với điều kiện cắt giảm chi tiêu của chính phủ sẽ làm chậm tăng trưởng và làm mất việc làm.
Ông Biden cho rằng Quốc hội cần phải nâng trần nợ vô điều kiện, như ba lần dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Biden nhấn mạnh để xảy ra vỡ nợ sẽ là một hành động vô trách nhiệm.
Chính phủ Mỹ và giới tài chính Phố Wall đang hướng sự chú ý hạn chót sắp tới (chỉ vài tuần nữa), khi Bộ Tài chính Mỹ không còn khả năng thanh toán tất cả các hóa đơn, gây ra tình trạng vỡ nợ làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu.
Theo các nhà phân tích, Quốc hội Mỹ khó có thể nâng trần nợ trước thời điểm hạn chót nếu các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện không thể thống nhất về một đề xuất.
Lần bế tắc kéo dài gần đây nhất về giới hạn trần nợ diễn ra vào năm 2011, dẫn đến việc hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ, làm rung chuyển thị trường tài chính và làm tăng chi phí đi vay.
Ngày 25/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo việc Quốc hội bế tắc trong nâng trần nợ của chính phủ sẽ gây ra một "thảm họa kinh tế" và khiến lãi suất tăng cao trong nhiều năm tới.
Theo bà Yellen, việc vỡ nợ sẽ đe dọa đến những tiến bộ về kinh tế mà Mỹ đã đạt được từ sau đại dịch COVID-19, dẫn đến mất việc làm, đẩy chi phí các khoản thanh toán hộ gia đình như vay thế chấp, vay mua ôtô và thẻ tín dụng tăng cao.
Các thị trường tài chính đang ngày càng lo ngại về tình trạng bế tắc trong vấn đề nâng trần nợ của chính phủ, khiến chi phí bảo hiểm nợ của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong một thập niên, trong khi các nhà phân tích tài chính cảnh báo nguy cơ vỡ nợ ngày càng gia tăng./.