EU lạc quan về triển vọng đạt được thỏa thuận quá cảnh ngũ cốc Ukraine
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 12:52, 26/04/2023
Nông dân thu hoạch lúa mỳ tại Kharkiv, Ukraine ngày 19/7/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 25/4, Ủy viên phụ trách nông nghiệp Liên minh châu Âu (EU), ông Janusz Wojciechowski bày tỏ lạc quan các quốc gia láng giềng Ukraine sẽ sớm đạt được thỏa thuận cho phép quá cảnh ngũ cốc Ukraine qua lãnh thổ các nước.
Phát biểu sau cuộc họp với Bộ trưởng Nông nghiệp các nước EU tại Luxembourg, ông Wojciechowski thông báo các bên đang gần đạt được "thỏa thuận tốt" và nhiều nước thành viên EU cũng ủng hộ kế hoạch này.
Theo ông Wojciechowski, thỏa thuận được Ủy ban châu Âu (EC) công bố hồi tuần trước chỉ cho phép quá cảnh 5 mặt hàng chiếm khoảng 80-90% tỷ trọng xuất khẩu thay vì 8 mặt hàng, bao gồm mật ong, gia cầm và sữa như đề xuất trước đó.
Đổi lại, nông dân chịu ảnh hưởng tại các nước trên sẽ nhận được 100 triệu euro tiền đền bù trích từ quỹ EU.
Từ tháng 5/2022, EU cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc dự trữ qua khối này sau khi các tuyến đường vận chuyển ở Biển Đen bị phong tỏa do cuộc xung đột với Nga.
Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia đã trở thành các quốc gia trung chuyển ngũ cốc Ukraine.
Các nước này đồng ý nhập khẩu một số sản phẩm từ Ukraine mà không hạn chế về số lượng, không làm thủ tục hải quan và kiểm tra chính thức.
Tuy nhiên, nhiều nước cáo buộc tỷ lệ lớn hàng nông sản của Ukraine sau khi được đưa vào EU đã không được xuất khẩu tiếp mà bị bán phá giá, nhất là tại các nước Trung và Đông Âu.
Thực tế này đã dẫn tới việc nhiều nước gần đây đơn phương cấm nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm từ Ukraine để bảo vệ nhà sản xuất trong nước.
Trước đó, ngày 25/4, đại diện Phòng Nông nghiệp các quốc gia thành viên Nhóm Visegrad, còn gọi là Nhóm V4, gồm Cộng hòa Séc, Ba Lan, Slovakia và Hungary, đã nhóm họp tại Brno (Séc) và ra lời kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) ngừng việc miễn thuế nhập khẩu dành cho ngũ cốc Ukraine.
Chủ tịch Phòng Nông nghiệp Cộng hòa Séc Jan Dolezal nhấn mạnh lâu nay ngũ cốc Ukraine vẫn chảy vào thị trường chung của Liên minh châu Âu (EU) một cách "bất hợp pháp" mà không có sự kiểm soát phù hợp, trong khi lẽ ra các lô hàng ngũ cốc đó phải được đưa đến thị trường của các nước thứ ba, nhất là tại châu Phi, thông qua các "hành lang đoàn kết."
Điều này khiến cho nông dân tại các quốc gia Trung và Đông Âu, trong đó có V4, đã không thể bán được ngũ cốc sản xuất ra trong năm 2022./.