ITLOS sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực thực thi UNCLOS 1982

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 07:30, 26/04/2023

Chủ tịch Hoffmann khẳng định ITLOS luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam và các quốc gia thành viên, trong đó có các nước đang phát triển, nâng cao năng lực thực thi UNCLOS 1982.

ITLOS san sang ho tro Viet Nam nang cao nang luc thuc thi UNCLOS 1982 hinh anh 1Đại sứ Vũ Quang Minh và ông Albert Hoffmann, Thẩm phán, Chủ tịch Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) tại buổi làm việc. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Đại sứ Việt Nam tại Đức Vũ Quang Minh vừa có chuyến thăm làm việc với ông Albert Hoffmann, Thẩm phán, Chủ tịch Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) tại trụ sở cơ quan này ở thành phố Hamburg, CHLB Đức, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và thiết chế tài phán quốc tế này.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, tại cuộc làm việc ngày 24/4, Đại sứ Vũ Quang Minh bày tỏ vui mừng gặp lại Chủ tịch Hoffmann, người luôn ủng hộ các nỗ lực tăng cường hợp tác giữa ITLOS và Việt Nam thời gian qua, cảm ơn ITLOS và các thẩm phán của Tòa dành thời gian tham dự các hội thảo, các chương trình đào tạo liên quan luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) do Việt Nam tổ chức, đánh giá cao các vai trò và các hoạt động của ITLOS trong việc giải quyết tranh chấp trên biển, giải thích và áp dụng UNCLOS 1982, góp phần thúc đẩy hòa bình, bảo đảm an ninh chung trên biển và tinh thần thượng tôn pháp luật, xây dựng và hoàn thiện luật pháp quốc tế.

Đại sứ cũng nhấn mạnh đóng góp quan trọng của ITLOS và cá nhân các thẩm phán của Tòa trong việc xây dựng năng lực trong lĩnh vực nghiên cứu và thực thi luật biển cho các nước thành viên, trong đó có các quốc gia ở Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình dương, bày tỏ mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và ITLOS, bao gồm đào tạo các chuyên gia luật pháp quốc tế cho Việt Nam ở mọi cấp độ, tạo điều kiện để Việt Nam có thể đóng góp nhiều hơn nữa vào công việc chung của Tòa cũng như các nỗ lực thực thi luật pháp quốc tế.

Về phần mình, Chủ tịch Hoffmann hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi UNCLOS 1982, bao gồm hoàn thiện chính sách và luật liên quan như Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Chiến lược Quốc gia về Biến đổi Khí hậu đến 2050, tích cực phân định vùng biển chồng lấn và vùng đặc quyền kinh tế với các quốc gia láng giềng, gần nhất là hoàn tất phân định vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia, và đóng góp hiệu quả cho quá trình xây dựng và đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, tham gia nhóm nòng cốt dự thảo Nghị quyết xin ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý Quốc tế (IJC) về Biến đổi Khí hậu đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc đồng thuận thông qua tháng 3/2023 vừa qua.

Đồng thời, Chủ tịch Hoffmann hoan nghênh việc Việt Nam tích cực chuẩn bị để sớm có thêm nhiều chuyên gia pháp lý đủ trình độ chuyên môn và kỹ năng ngoại ngữ để có thể ứng tuyển vào các vị trí tại các tổ chức quốc tế liên quan, trong đó có ITLOS, khẳng định ITLOS luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam và các quốc gia thành viên, trong đó có các nước đang phát triển, nâng cao năng lực thực thi UNCLOS 1982.

ITLOS san sang ho tro Viet Nam nang cao nang luc thuc thi UNCLOS 1982 hinh anh 2Tấm biển trước trụ sở Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) tại Hamburg, Đức. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) chính thức ra đời ngày 1/8/1996 với trụ sở chính tại thành phố Hamburg theo quy định của Phụ lục VI về Quy chế của ITLOS và UNCLOS 1982. Đây là thiết chế tài phán được hình thành trong khuôn khổ của các điều ước chuyên môn, có nhiệm vụ chính là giải quyết tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực luật biển bằng trình tự, thủ tục tư pháp phù hợp với UNCLOS 1982 và đưa ra kết luận tư vấn.

Trước đó, hồi tháng 11/2022, Văn phòng đại diện của Toà Trọng tài thường trực (PCA) đã được khai trương tại Hà Nội, là dấu mốc quan trọng trong quan hệ đối tác, hợp tác sâu rộng và hiệu quả giữa hai bên nhiều năm qua.

Đây cũng là bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập của Việt Nam, đồng thời thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chủ động thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình./.

Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)