Thúc đẩy hợp tác thương mại-đầu tư giữa Thụy Điển và thành phố Cần Thơ
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 20:09, 24/04/2023
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện tiếp và làm việc với Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)
Chiều 24/4, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ và đại diện các sở, ngành đã có cuộc tiếp và làm việc với Đại sứ Thụy Điển Ann Måwe về tăng cường quan hệ hợp tác giữa Thụy Điển và thành phố Cần Thơ trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư và giáo dục đào tạo.
Tại cuộc tiếp, ông Nguyễn Thực Hiện cho biết trong năm 2022, thành phố Cần Thơ đã đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu.
Tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 12,64%; GRDP bình quân đầu người tăng 17,22% so với năm 2021; tổng vốn đầu tư trên địa bàn tăng 38,47% so với năm 2021; tổng lượt khách đến thành phố hơn 5,1 triệu người, vượt 28% kế hoạch, gấp 1,4 lần so với năm 2021.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố Cần Thơ sang Thụy Điển là 1,43 triệu USD, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo, thủy hải sản, may mặc, nông sản và nông sản chế biến; riêng ba tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Thụy Điển là 0,41 triệu USD.
Thành phố Cần Thơ cũng mong muốn sẽ tranh thủ được các cơ hội của Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) để tăng cường mối quan hệ giao thương giữa thành phố và các doanh nghiệp Thụy Điển, đặc biệt trên các lĩnh vực thế mạnh của thành phố như lúa gạo, trái cây, thủy sản...
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện kỳ vọng sau chuyến đi này, các đối tác của Thụy Điển sẽ phát triển các mối quan hệ hợp tác, đầu tư với thành phố Cần Thơ trên các lĩnh vực mà hai bên quan tâm, đặc biệt là lĩnh vực biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra ở Đồng bằng sông Cửu Long và Cần Thơ, đặc biệt là mùa khô, nước biển xâm nhập sâu ở sông Tiền và sông Hậu, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân; sản xuất nông nghiệp hàng năm cũng bị ảnh hưởng hạn hán...
Vì thế, Cần Thơ tập trung kêu gọi đầu tư ở các lĩnh vực, đặc biệt tập trung vào các dự án tăng trưởng xanh. Cần Thơ đón chào nhà đầu tư ở châu Âu; trong đó có Thụy Điển.
Đại sứ Thụy Điển Ann Måwe tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo chính quyền thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)
Là vùng có thế mạnh về nông nghiệp, Cần Thơ mong muốn Thụy Điển hỗ trợ ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ cao để hỗ trợ Cần Thơ sản xuất nông nghiệp hiệu quả; quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế, chính sách thu hút đầu tư của thành phố Cần Thơ đến các Hiệp hội doanh nghiệp và nhà đầu tư Thụy Điển; đồng thời, cung cấp thông tin về thế mạnh, thị trường, các chính sách thương mại của Thụy Điển cho thành phố Cần Thơ.
Ông Nguyễn Thực Hiện cũng đề xuất Đại sứ Ann Måwe hỗ trợ tổ chức kết nối cung cầu trực tuyến hoặc trực tiếp giữa các doanh nghiệp nhập khẩu của Thụy Điển với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo, thủy sản, nông sản và nông sản thực phẩm chế biến của thành phố Cần Thơ.
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Cần Thơ mong Thụy Điển tăng cường cấp học bổng cho sinh viên ưu tú của thành phố, học bổng toàn phần cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố có điều kiện học tập, mở rộng kiến thức và nâng cao kỹ năng tại Thụy Điển.
Với những kết quả mà thành phố Cần Thơ đạt được trong năm 2022, Đại sứ Thụy Điển Ann Måwe chúc mừng Cần Thơ đã xếp thứ 19 trong bản xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Bà Ann Måwe cũng cho biết Thụy Điển mong muốn tìm hiểu môi trường kinh doanh ở thành phố Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Trước những đề xuất hợp tác từ chính quyền Cần Thơ, Đại sứ Thụy Điển Ann Måwe cho biết thời gian qua, Thụy Điển tập trung xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Thụy Điển.
Hiện có 70 doanh nghiệp Thụy Điển đang hoạt động ở Việt Nam nhưng không có doanh nghiệp đầu tư lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long mà chỉ có doanh nghiệp Thụy Điển hợp tác với các doanh nghiệp tại Cần Thơ sản xuất các sản phẩm phân phối cho thị trường.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp Thụy Điển cho biết gặp phải khó khăn khi đầu tư vào Việt Nam vì xuất hiện nhiều sản phẩm nhái thương hiệu của các doanh nghiệp Thụy Điển. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Thụy Điển cũng gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục, hồ sơ kinh doanh tại địa phương.
"Hiện có doanh nghiệp rất quan tâm đến Đồng bằng sông Cửu Long và muốn tìm hiểu đầu tư dự án thu gom rác, chất lắn gây ô nhiễm, ảnh hưởng phương tiện lưu thông thủy để xử lý giảm ô nhiễm, tạo điều kiện giao thông thủy tốt hơn cho vùng," Đại sứ Thụy Điển thông tin.
Để hợp tác thương mại giữa Thụy Điển và Cần Thơ được thuận lợi trong thời gian tới, bà Ann Måwe cho biết Đại sứ quán sẽ tiếp tục làm việc với doanh nghiệp Thụy Điển để tháo gỡ khó khăn khi đầu tư vào Cần Thơ; chia sẻ thông tin để doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt, thuận lợi xuất khẩu hàng hóa sang Thụy Điển./.
Đại diện chính quyền thành phố Cần Thơ và Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)