Nỗi lo gián đoạn tiêm chủng
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 02:07, 24/04/2023
Tiêm phòng cho trẻ em trong một đợt tiêm chủng cộng đồng cho trẻ em ở Aden Governorate, Yemen, tháng 6/2022. (Ảnh: UNICEF) |
Theo UNICEF, trong số 67 triệu trẻ em bị gián đoạn lộ trình tiêm vaccine cơ bản, có 48 triệu trẻ em đã bỏ lỡ hoàn toàn các mũi tiêm, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát bệnh bại liệt và sởi.
Tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em sụt giảm ở 112 quốc gia, với mức giảm trên toàn thế giới xuống chỉ còn 81% - mức thấp nhất kể từ năm 2008. Châu Phi và Nam Á là hai khu vực có mức giảm nghiêm trọng nhất. Chuyên gia y tế cộng đồng Brian Keeley của UNICEF cho biết, ngoài lý do dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm chủng trượt dốc cũng là hệ quả của nhiều cuộc khủng hoảng khác như xung đột, biến đổi khí hậu và mất an ninh lương thực.
Theo UNICEF, trong số 67 triệu trẻ em bị gián đoạn lộ trình tiêm vaccine cơ bản, có 48 triệu trẻ em đã bỏ lỡ hoàn toàn các mũi tiêm, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát bệnh bại liệt và sởi.
Báo cáo mới nhất với tiêu đề “Tình hình trẻ em thế giới năm 2023: Tiêm vaccine cho mọi trẻ em” của UNICEF nêu rõ, thành quả hơn 10 năm khó nhọc mới đạt được trong công tác tiêm chủng định kỳ cho trẻ em đã bị kéo lùi, đồng thời cho rằng việc quay trở lại đúng hướng sẽ là một thách thức không nhỏ.
Theo Liên hợp quốc, vaccine giúp cứu sống 4,4 triệu người mỗi năm. Con số này có thể tăng lên 5,8 triệu người vào năm 2030 nếu thế giới đạt được mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.
Trước khi có vaccine năm 1963, bệnh sởi đã cướp đi sinh mạng của khoảng 2,6 triệu người/năm, chủ yếu là trẻ em. Đến năm 2021, con số này giảm xuống còn 128.000 người. Mặc dù vậy, giai đoạn 2019-2021, tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng sởi giảm từ 86% xuống 81% và ngay lập tức số ca mắc bệnh năm 2022 tăng gấp hai lần năm 2021.
Châu Phi là khu vực có số lượng trẻ em chưa được tiêm chủng cao nhất, năm 2021 có 12,7 triệu trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ, trong đó có 8,7 triệu trẻ chưa được tiêm bất cứ liều vaccine nào.
Trong số 20 quốc gia trên thế giới có số trẻ em chưa từng được tiêm chủng cao nhất có đến 10 nước nằm ở châu Phi, trong đó, Nigeria và Ethiopia là hai quốc gia có số lượng trẻ em “không vaccine” cao nhất châu lục, với lần lượt hơn 2,2 triệu và 1,1 triệu trẻ.
Giám đốc khu vực đông và nam châu Phi của UNICEF Mohamed M.Fall nhấn mạnh sự bùng phát trở lại gần đây của bệnh sởi, dịch tả và virus bại liệt ở châu Phi là lời cảnh báo các nhà lãnh đạo châu lục này cần nỗ lực thu hẹp khoảng cách tiêm chủng và bảo đảm tất cả trẻ em đều được bảo vệ.
Trong số 20 quốc gia trên thế giới có số trẻ em chưa từng được tiêm chủng cao nhất có đến 10 nước nằm ở châu Phi, trong đó, Nigeria và Ethiopia là hai quốc gia có số lượng trẻ em “không vaccine” cao nhất châu lục, với lần lượt hơn 2,2 triệu và 1,1 triệu trẻ.
UNICEF kêu gọi các chính phủ tăng cường cam kết hỗ trợ tài chính cho tiêm chủng, đẩy mạnh chương trình tiêm chủng cơ bản, nhất là với những trẻ đã bỏ lỡ tiêm chủng trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát.
Theo UNICEF, đại dịch làm gián đoạn việc tiêm chủng cho trẻ em ở hầu hết quốc gia, đặc biệt là do áp lực lớn đối với các hệ thống y tế, sự chuyển hướng nguồn lực từ tiêm chủng thông thường sang tiêm chủng Covid-19, tình trạng thiếu nhân viên y tế và ảnh hưởng của các biện pháp phong tỏa.
Ngoài ra, tác động của xung đột, giá lương thực tăng cao và biến đổi khí hậu đã đẩy gần 1 triệu trẻ em ở khu vực Sahel của châu Phi đối mặt tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính.
Theo UNICEF, khoảng 970.000 trẻ em dưới 5 tuổi tại ba quốc gia ở khu vực này gồm Burkina Faso, Mali và Niger phải đối mặt tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng năm 2023. Niger và Mali được dự báo có lần lượt 430.000 và 367.000 trẻ suy dinh dưỡng nghiêm trọng, tăng hơn 18% so với năm 2022.
UNICEF kêu gọi chính phủ các nước đưa vấn đề dinh dưỡng trẻ em lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự quốc gia và tăng cường đầu tư vào việc ngăn ngừa, phát hiện cũng như điều trị sớm tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em.
Giám đốc phụ trách khu vực tây và trung châu Phi của UNICEF, Marie-Pierre Poirier nêu rõ, tình trạng mất an ninh và xung đột đang gia tăng đồng nghĩa với mức độ dễ bị tổn thương trong khu vực đang tăng lên và việc hỗ trợ các cộng đồng ở những khu vực bị cô lập trở nên khó khăn hơn.