Nỗi lo tán gia bại sản mang tên 'viện phí' ở nước Mỹ
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 17:26, 22/04/2023
Nhiều người Mỹ đang phải gánh khoản nợ y tế khổng lồ. (Nguồn: MGN)
Khoảng 1 triệu người dân Mỹ đang gánh trên vai khoản nợ viện phí có tổng trị giá lên đến gần 200 tỷ USD. Các bang tại Mỹ đang thúc đẩy nhiều phương án hỗ trợ để giải quyết tình trạng trên.
Nợ y tế lớn gần bằng nền kinh tế Hy Lạp
Cindy Powers bị đẩy vào tình thế phá sản sau 19 ca phẫu thuật khoang bụng để cứu mạng sống của cô. Với Lindsey Vance, khoản nợ y tế bắt đầu chồng chất, sau khi cô bị ngã trong lúc trượt ván và phải khâu 9 mũi ở cằm.
Còn với Misty Castaneda, ca phẫu thuật tim để điều trị một căn bệnh mắc phải từ khi sinh ra đã khiến cô phải trả hóa đơn viện phí lên tới 200.000 USD.
Đây chỉ là 3 trường hợp trong số ước tính 100 triệu người Mỹ đã tích lũy khoản nợ y tế lên tới gần 200 tỷ USD. Con số này lớn gần bằng quy mô của nền kinh tế Hy Lạp, theo đánh giá của quỹ Kaiser Family Foundation.
Đối với bệnh nhân tại Mỹ, nợ y tế đã trở thành nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ phá sản cá nhân, theo thông tin từ Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng Mỹ.
Còn một nghiên cứu khác do Tạp chí Y tế Công cộng Mỹ thực hiện vào năm 2019 cho thấy, khoảng 530.000 người Mỹ rơi vào tình trạng phá sản mỗi năm, một phần do các hóa đơn y tế và thời gian nghỉ làm kéo dài để trị bệnh.
Các khoản nợ khác, như việc mua một chiếc ôtô vượt quá khả năng chi trả hoặc chi tiêu quá mức cho một kỳ nghỉ dưỡng, là một phần trong số những quyết định chi tiêu kém cỏi mà người bị phá sản đưa ra.
Nhưng nợ y tế khổng lồ, đến từ việc phải điều trị các bệnh cấp tính và ngắn hạn, lại là điều ít người ngờ tới. Chúng là thủ phạm khiến bệnh nhân phải trả những hóa đơn khổng lồ vượt quá ngân sách của họ.
Nợ y tế cũng gây ra không ít khó khăn liên quan tới tài chính cho những người mắc nợ, bao gồm việc tăng điểm tín dụng và khiến họ không thể vay mượn thêm.
Gia đình Cindy Powers cuối cùng đã nợ tổng cộng 250.000 USD. Họ tuyên bố phá sản vào năm 2009, sau đó bị ngân hàng tịch thu nhà.
Castaneda, cô bị khuyết tật tim bẩm sinh và phải thực hiện phẫu thuật khi 23 tuổi, khiến bản thân mắc nợ 200.000 USD. Cô cho biết khoản nợ đã làm tăng điểm tín dụng của mình, buộc cô phải mua sắm dựa vào tài khoản tín dụng của chồng, người có tính khí bạo lực và thường bạo hành cô.
Trong hơn một thập kỷ, Castaneda muốn cắt đứt mối quan hệ với chồng. Nhưng mọi thứ họ sở hữu đều đứng tên chồng, khiến cô gần như không thể chia tay. Cuối cùng, cô quyết định ly dị chồng vào năm 2017. Castaneda, nay đã 45 tuổi, cho biết: “Trong suốt 20 năm qua, tôi phải cố gắng lắm mới trả kịp số tiền nợ.”
Còn đối với Vance, khoản nợ y tế của cô bắt đầu từ năm 19 tuổi sau một vụ tai nạn trượt ván và trở nên phức tạp hơn khi cô bị gãy tay ngay sau đó. Năm nay, ở tuổi 39, cô chưa bao giờ đủ điều kiện để mở thẻ tín dụng hoặc vay mua ôtô. Gia đình chồng của Vance đã phải ký hợp đồng đứng tên mua căn hộ ở Colorado giúp cô.
Nỗ lực thay đổi thực tế đáng buồn
Các nhà lập pháp ở ít nhất hơn mười bang và Quốc hội Mỹ đang thúc đẩy nhiều dự luật khác nhau nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính của các khoản vay y tế như thế.
Một số dự luật sẽ tạo ra các chương trình xóa nợ y tế hoặc bảo vệ tài sản cá nhân khỏi bị truy thu, trong khi một số khác sẽ hạ lãi suất, giữ cho nợ y tế không làm tăng điểm tín dụng hoặc yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải minh bạch hơn về chi phí chăm sóc.
Tại bang Colorado, trong ngày 12/4 vừa qua, các nghị sĩ ở Hạ viện bang đã thông qua một biện pháp giảm lãi suất tối đa cho các khoản nợ y tế xuống mức trần 3%, yêu cầu minh bạch hơn về chi phí điều trị và cấm thu nợ trong quá trình kháng cáo.
Nếu dự thảo này trở thành luật, Colorado sẽ có lãi suất nợ y tế thấp nhất trong cả nước. Nhưng đề xuất này đang gặp phải vài ý kiến phản đối.
Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa bang Colorado Janice Rich cho biết bà lo lắng rằng đề xuất này có thể “hạn chế khả năng thu nợ của các bệnh viện và ảnh hưởng đến dòng tiền của họ.”
Ở một số bang khác như Pennsylvania và Arizona, các nhà lập pháp đang xem xét những chương trình xóa nợ y tế sử dụng quỹ của tiểu bang để giúp đỡ cư dân.
Cũng tại Colorado và một số nơi khác như New York, New Jersey, Illinois, Massachusetts, một biện pháp khác đang được các nhà lập pháp cân nhắc là các dự luật cấm đưa nợ y tế vào báo cáo của người tiêu dùng, nhờ đó điểm tín dụng của con nợ sẽ được bảo vệ.
Isabel Cruz, giám đốc chính sách của Sáng kiến Sức khỏe Người tiêu dùng bang Colorado, cho biết nợ y tế không phải là một chỉ số rõ ràng cho thấy khả năng trả nợ của một người, vì vậy không nên đưa vào báo cáo tiêu dùng của họ.
Đối với cả hai dự luật trên, người phát ngôn của Thống đốc Colorado là Jared Polis cho biết thống đốc sẽ “xem xét các chính sách” từ lăng kính hướng tới việc tiết kiệm tiền cho người dân khi chăm sóc sức khỏe.
Mặc dù cả hai dự luật đều không vấp phải sự phản đối chính trị gay gắt nào, nhưng người phát ngôn của Hiệp hội Bệnh viện Colorado cho biết tổ chức này đang làm việc với các nhà tài trợ để sửa đổi dự luật lãi suất, nhằm “điều chỉnh luật phù hợp hơn với các biện pháp bảo vệ hiện có."
Với Vance, việc có thể sớm bảo vệ điểm tín dụng của mình có thể có tác động lớn tới cuộc sống của cô. Cô nói: “Nợ y tế đã thực sự tạo ra một gánh nặng cho cả cuộc đời tôi"./.