Giao tranh tạm thời lắng xuống tại thủ đô Khartoum của Sudan
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 09:35, 22/04/2023
Người dân sơ tán tránh xung đột tại Khartoum, Sudan, ngày 19/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 21/4, giao tranh trên đường phố giữa Quân đội Sudan và Các Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đã tạm lắng ở một số khu vực của thủ đô Khartoum, sau những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế về một thỏa thuận ngừng bắn vào thời điểm kết thúc tháng lễ Ramanda của người Hồi giáo.
Hơn 400 người đã thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương kể từ khi giao tranh nổ ra ngày 15/4 giữa các lực lượng trung thành với Tư lệnh quân đội, Tướng Abdel Fattah al-Burhan và người đứng đầu nhóm vũ trang RSF bán quân sự, Tướng Mohamed Hamdan Daglo.
Quân đội Sudan thông báo đã nhất trí với thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ ngày 21/4, để tạo điều kiện cho người dân Sudan tổ chức lễ hội Eid al-Fitr của người Hồi giáo, kết thúc tháng ăn chay Ramadan.
Tư lệnh quân đội Sudan, Tướng Abdel Fattah Burhan, cũng đã tuyên bố ủng hộ một chính phủ dân sự tại quốc gia Đông Phi này, động thái được xem như nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh xảy ra giao tranh với Các Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF).
Trong bài phát biểu đầu tiên kể từ khi xung đột bùng phát cách đây gần một tuần, Tướng Burhan khẳng định quân đội sẽ chiến thắng trong cuộc chiến với RSF bằng sự rèn luyện, trí tuệ và sức mạnh của mình.
Ông cũng cam kết quân đội sẽ “bảo vệ an ninh và thống nhất đất nước” cũng như đảm bảo quá trình “chuyển đổi an toàn sang chế độ dân sự” ở Sudan.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hoan nghênh thông báo của quân đội Sudan và thông báo trước đó của RSF về việc ngừng bắn, song lưu ý giao tranh vẫn tiếp diễn và "có sự ngờ vực nghiêm trọng giữa hai lực lượng."
Ngoại trưởng Blinken hối thúc cả hai bên "tạm dừng giao tranh" và "tạo điều kiện cho việc đảm bảo tiếp cận nhân đạo đầy đủ và không bị cản trở."
Các kế hoạch đang được gấp rút thực hiện để sơ tán công dân nước ngoài, với việc Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản triển khai lực lượng tới các quốc gia lân cận và Liên minh Châu Âu cũng cân nhắc có động thái tương tự.
Lầu Năm Góc đã huy động lực lượng ở khu vực phía Đông châu Phi để đưa nhân viên Mỹ ra khỏi thủ đô của Sudan.
Tuy nhiên, trong thông báo đưa ra ngày 21/4, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định giao tranh tại Sudan khiến nỗ lực sơ tán nhân viên đại sứ quán tại Khartoum trở nên quá nguy hiểm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel thừa nhận: "Do tình hình an ninh bất ổn tại Khartoum và sân bay bị đóng cửa, tình hình hiện tại không an toàn để chính phủ Mỹ triển khai cuộc sơ tán phối hợp."
Quan chức này cũng nêu rõ: "Chúng tôi đã thông báo với cả hai bên rằng bất cứ cuộc tấn công, đe dọa hay nguy hiểm nào đối với nhân viên ngoại giao Mỹ là hoàn toàn không thể chấp nhận."
Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó thông báo đã tìm cách tập trung nhân viên đại sứ quán tại một địa điểm ở thủ đô Khartoum để bảo vệ họ tốt hơn trước giao tranh bên ngoài, đồng thời chuẩn bị cho hoạt động sơ tán.
Giao tranh giữa RSF và lực lượng quân đội Sudan nổ ra từ ngày 15/4 tại thủ đô Khartoum và một số nơi khác, trong đó có vùng Darfur, đã khiến ít nhất 400 người thiệt mạng và và hơn 3.500 người bị thương. |