Giáo dục - Đào tạo

Đắk Nông chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới quản lý giáo dục nghề nghiệp

PV 21/04/2023 08:14

Chiều 20/4, Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh giáo dục phổ thông năm 2023. Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông dự, chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo, hiện nay Đắk Nông có 13 cơ sở có chức năng hoạt động giáo dục nghề nghiệp, gồm 1 Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Đắk Nông; 1 Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Phương Nam; 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện và 4 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Trong năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh, đào tạo 17.214 học viên; trong đó có 13.115 học viên tốt nghiệp đạt 76%. Các học viên sau khi tốt nghiệp được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trong và ngoài tỉnh, với mức lương từ 3-7 triệu đồng, góp phần ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên công tác tuyển sinh, đào tạo trên địa bàn tỉnh bị ngừng; người dân chưa nắm bắt về các chính sách đào tạo và giải quyết việc làm…

Tại Hội nghị, các đại biểu phát biểu tham luận và đưa ra một số giải pháp khắc phục trong công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông như chú trọng đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp tích hợp với các chương trình các môn học và hoạt động giáo dục theo hướng giáo dục tích hợp khoa học – công nghệ - kỹ thuật – toán phù hợp với xu hướng phát triển ngành nghề của địa phương; chú trọng công tác tư vấn hướng nghiệp từ đội ngũ chuyên gia để diễn giải phù hợp nhất để định hướng cho học sinh; mở rộng liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết phối hợp và đào tạo…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tập trung đổi mới quản lý giáo dục nghề nghiệp; rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù, các quy định để đề xuất chỉnh sửa, bổ sung phù hợp. Chính sách cần gắn người học các trình độ, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động. Các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trao đổi kinh nghiệm giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh THCS; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đào tạo và sử dụng lao động qua đào tạo bảo đảm phù hợp với thực tế địa phương…

Các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn, phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động (sau khi quy hoạch của tỉnh được phê duyệt); chuẩn hóa và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; phát triển cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo hiện đại nhưng đảm giảm bớt nguồn lực đầu tư của nhà nước…

Đi đôi với đó, phải đổi mới tư duy về phân luồng đào tạo, xây dựng kế hoạch, hoạch định nguồn nhân lực để đảm bảo đạt được chất lượng, hiệu quả của cả hai mục tiêu: phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, nhất là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thông qua các chương trình, phong trào, hành động thiết thực, có ý nghĩa cho thanh niên;

Việc lựa chọn, phát triển mở rộng các mô hình đào tạo gắn với giải quyết việc làm hiệu quả, đào tạo các nghề trọng điểm và liên kết các doanh nghiệp lớn. Trọng tâm tập trung đầu tư nghề trọng điểm, ngành nghề mũi nhọn đối với Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của các doanh nghiệp hiện nay…

PV