Thẳng thắn nhận diện tồn tại để rõ hướng khắc phục
Từ ngày 6/4 đến 10/4, Báo Quân đội nhân dân đăng vệt bài: Vì sao nghị quyết thì hay, thực hiện lại “gay trăm bề”? trên Chuyên mục “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Sau khi đăng tải, lãnh đạo các cấp, chuyên gia và đông đảo bạn đọc đã có ý kiến phản hồi, bày tỏ sự đồng thuận với quan điểm, nội dung vệt bài; đồng thời cung cấp thêm tư liệu thực tiễn; đề xuất, hiến kế với Trung ương, các cơ quan chức năng nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo nhằm hiện thực hóa chủ trương đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bằng nghị quyết trong tình hình mới.
>> Vì sao nghị quyết thì hay, thực hiện lại "gay trăm bề" ? Bài 1: Nghị quyết hay bị “đắp chiếu”
PGS, TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng:
Nghị quyết nhiều, chưa phải là tốt
Trước hết, cần khẳng định: Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng và toàn xã hội bằng cương lĩnh, đường lối phải được thể hiện bằng văn bản hóa; có nghĩa, không có nghị quyết thì không thể thực hiện sự lãnh đạo của Đảng.
Vấn đề đặt ra là có cần nhiều nghị quyết thế không? Nghị quyết nhiều đến mức mà chưa kịp thực hiện nghị quyết này đã ban hành nghị quyết khác, từ Trung ương về cơ sở đều có hiện tượng này. Quả thật, đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ một cách nghiêm túc có nên ban hành nghị quyết nhiều như vậy không? Vấn đề này, rất nhiều người từng đề cập đến nhưng chúng ta vẫn chưa khắc phục được.
Nghị quyết nhiều và dài, nên chỉ những người làm công tác nghiên cứu phải đọc kỹ, thậm chí phải so sánh giữa nghị quyết này với nghị quyết các kỳ đại hội, hội nghị trước xem có gì mới không? Đọc kỹ, so sánh từng từ, từng ý. Nhưng có một thực tế là những người thực hiện, triển khai nghị quyết thì lại đọc ít. Hiện nay, tình trạng lười học lý luận, lười quán triệt nghị quyết của một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng là một thực tế chua chát. Ví dụ, cán bộ có trình độ cao cấp lý luận chính trị nắm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nhất định ở huyện, tỉnh, thậm chí ở Trung ương nhưng hỏi về những điểm cơ bản nhất trong học thuyết Mác-Lênin là gì thì chịu; nội dung cơ bản nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh là gì các anh, chị nói rất chung chung. Nếu hỏi từng nghị quyết một như nghị quyết về tôn giáo, dân tộc, tam nông thì nhiều cán bộ chỉ trả lời phương phưởng.
Ở đây, tôi nhấn mạnh thêm một vấn đề: Tại sao nhiều cán bộ không quan tâm đọc nhiều, thấu hiểu nghị quyết của Đảng mà vẫn làm được, phải chăng do sự chỉ đạo cụ thể từ cấp trên thế nào thì cấp dưới cứ thế mà làm; còn tinh thần, nội dung, lý luận, thực tiễn vận dụng thế nào trong nghị quyết, cán bộ không quan tâm lắm!
Tóm lại, Đảng phải đổi mới mạnh mẽ việc ban hành nghị quyết với tinh thần cơ bản, gọn, không trình bày dài dòng; giải pháp chỉ mấy gạch đầu dòng để cán bộ thực thi ở dưới người ta nhìn vào đó mà làm; cái gì không làm đúng theo quy định của nghị quyết thì thấy là sai rồi. Chứ giải pháp nhiều quá, quy định nhiều quá, nhiều người làm sai mà không biết sai đâu; có người sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, làm nhiều sai nhiều, không làm thì không sai. Thế là rất tai hại trong lãnh đạo, quản lý. Phải cải tiến để ban hành nghị quyết làm sao cho đích đáng; không nhất thiết cứ họp là phải có nghị quyết; cái gì đã có nghị quyết rồi thì chỉ cần bổ sung, kết luận hay nhấn mạnh điều đó thôi; chứ lại ban hành một nghị quyết mà không có điểm gì mới thì không nên ban hành.
--------------------
Đồng chí NGUYỄN VĂN SỰ, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên:
Nghị quyết quá dài, khó lượng hóa, cụ thể hóa
Đúng như Báo Quân đội nhân dân phản ánh, hiện nay có nhiều nghị quyết còn chung chung, mục tiêu, giải pháp không sát với thực tiễn cơ quan, đơn vị, địa phương, nên khi thực hiện gặp rất nhiều lúng túng, khó khăn, vướng mắc. Có nghị quyết ở cấp chi bộ lại dành dung lượng khá lớn để đánh giá tình hình trong nước, tình hình của tỉnh, thành phố và dự báo những vấn đề rất ít liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và đặc thù công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở cấp mình, tổ chức mình.
Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, với tinh thần như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Nghị quyết hay nhưng mà làm phải hay hơn cả nghị quyết”, đây chính là lúc chúng ta cần thay đổi từ trong nhận thức việc xây dựng, triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết. Theo tôi, để nghị quyết không quá dài trước hết cần phải đổi mới phương thức xây dựng nghị quyết, nhất là ở cấp cơ sở phải thực chất, cần ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ triển khai. Mỗi nghị quyết chỉ nên tập trung vài nội dung trọng tâm, trọng điểm, nhất là khắc phục khâu yếu, mặt yếu, tránh lan man, ôm đồm nhưng lại không xác định rõ khâu đột phá, việc cần kíp. Theo đó, những người có trách nhiệm tham gia xây dựng và triển khai nghị quyết sẽ lựa chọn nội dung cần thiết gắn với cơ sở rồi lượng hóa, “lược hóa” nghị quyết thành những nội dung dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện. Các chương trình hành động, giải pháp cần rõ về nội dung nhiệm vụ, rõ về lực lượng tiến hành, rõ về thời gian thực hiện, rõ về trách nhiệm và rõ về hiệu quả triển khai thực hiện. Đó cũng là phương pháp để lượng hóa nghị quyết, chứ không phải chung chung, đại khái. Tất nhiên việc này không thể nói là làm ngay mà cần có thời gian, cần được tiến hành đồng bộ, mạnh mẽ, kết hợp giữa hướng dẫn với kiểm tra, uốn nắn; tạo một đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong hệ thống tổ chức đảng.
-----------------
Đồng chí HÀ ANH DŨNG, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đồng Xoài (Bình Phước):
Nói không với “phô tô” nghị quyết
Tôi bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao vệt bài Báo Quân đội nhân dân vừa đăng tải. Đúng như vấn đề Báo đề cập, làm thế nào để nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống đang là nỗi trăn trở lớn của các tổ chức đảng; trực tiếp là bí thư, cấp ủy các cấp.
Một trong những vấn đề mấu chốt trong xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện nghị quyết ở cấp ủy cơ sở hiện nay là phải khắc phục cho bằng được tình trạng bê nguyên xi nghị quyết của cấp trên áp vào cấp mình. Để khắc phục tình trạng này thì quá trình nghiên cứu, quán triệt nghị quyết của cấp trên, cấp ủy cơ sở phải chọn lọc, lựa chọn những nội dung cốt lõi, đối chiếu với yêu cầu thực tiễn địa phương để xây dựng nghị quyết phù hợp.
Hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải bắt đầu từ chất lượng xây dựng nghị quyết. Từ đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống; nhất là những vấn đề được Báo Quân đội nhân dân đề cập, tôi cho rằng, việc xây dựng nghị quyết cần ngắn gọn, súc tích, tránh kiểu diễn đạt dài dòng, lan man, tham nội dung, “phô tô” nghị quyết cấp trên, toàn nói chuyện vĩ mô... Chúng ta cần triển khai các lớp tập huấn xây dựng nghị quyết để khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập nêu trên.
Việc tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết cũng cần xác định những nội dung ưu tiên, tập trung làm điểm, tạo đột phá rõ nét trên thực tế. Chẳng hạn ở Thành ủy Đồng Xoài hiện nay, chúng tôi đang triển khai mô hình “Ngày thứ bảy về với khu dân cư-lắng nghe dân nói”. Chúng tôi lựa chọn một số xã, phường làm điểm. Các đơn vị lại lựa chọn những khu dân cư đang có vấn đề bức xúc cần giải quyết. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương về khu dân cư, bám sát dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân, cùng dân bàn bạc, thực hiện các giải pháp tháo gỡ. Chúng tôi xác định phải làm chuyển biến từng vấn đề, giải quyết tốt từng nội dung từ thực tiễn cuộc sống đòi hỏi. Đó là cách thiết thực để nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống...
-----------------
Đồng chí A HỜ KHÁNH, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Wang (Đăk Hà, Kon Tum):
Không có nguồn lực - "điểm nghẽn" cần sớm khơi thông
Tôi đọc nhiều lần và tâm đắc với vệt bài “Vì sao nghị quyết thì hay, thực hiện lại "gay trăm bề”. Những vấn đề vệt bài đề cập có tính thời sự và thực tiễn sâu sắc, giúp cán bộ cơ sở được tiếp cận nhiều thông tin mới và kinh nghiệm quý. Tôi cũng nhận thấy rằng, việc triển khai thực hiện nghị quyết đang là khâu yếu trong quy trình lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng hiện nay. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó, việc thiếu nguồn lực để triển khai thực hiện nghị quyết là một “điểm nghẽn” cần sớm được khơi thông.
Để khắc phục thực trạng này, nhiều tổ chức cơ sở đảng khi ban hành nghị quyết xác định rõ nguồn lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện như cách làm của Đảng bộ TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Đồng thời huy động sức mạnh tổng hợp để triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết. Đối với Đảng bộ xã Ngọc Wang, mọi nghị quyết của cấp trên và nghị quyết do Đảng ủy xã ban hành đều được cụ thể hóa bằng các chương trình của Đảng ủy; kế hoạch triển khai thực hiện của UBND xã và các tổ chức, đoàn thể, lực lượng. Trong các chương trình, kế hoạch đều xác định rõ nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu, mốc thời gian hoàn thành và phân công cán bộ, đảng viên phụ trách thực hiện đồng bộ, chặt chẽ.
Chúng tôi cũng nhận thức rõ việc kiểm tra, đánh giá, “đong, đo, đếm” kết quả thực hiện nghị quyết rất quan trọng nên yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chi bộ, chính quyền, cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, đăng ký tiến độ thực hiện nghị quyết. Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Không nhất thiết chờ đến cuối nhiệm kỳ hoặc đến hết thời gian thực hiện nghị quyết mới sơ kết, tổng kết.
Ngoài ra, các cấp ủy cũng cần có giải pháp phát huy tốt vai trò của đội ngũ đảng viên, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức quần chúng, già làng, người có uy tín trong cộng đồng và nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện nghị quyết. Mọi kiến nghị từ cơ sở và các vấn đề thực tiễn “vênh” với chủ trương, chỉ tiêu ban đầu đều được Đảng ủy xã xem xét, đánh giá nghiêm túc, bổ sung, điều chỉnh kịp thời để nghị quyết trở nên thiết thực, sớm đi vào cuộc sống.