Văn hóa

Để đọc sách trở thành thói quen của giới trẻ

Hoàng Bảo 21/04/2023 07:13

Dù đọc sách giấy hay sách online, mỗi bạn trẻ cần cẩn trọng, lựa chọn nguồn sách chính thống, phù hợp để phát huy được giá trị, ý nghĩa mỗi cuốn sách mang lại là sẻ chia của những người nhiều năm gắn bó, đam mê đọc sách trên địa bàn tỉnh.

Thay đổi tư duy, hành động từ việc đọc sách

Hơn hai năm nay, chị Bùi Thị Thương, Tổ dân phố 3, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) đã tạo dựng cho mình thói quen đọc sách vào buổi sáng sớm. Mỗi ngày, chị dành ít nhất một tiếng đồng hồ để đọc sách. Sáng nào bận rộn, chị dành khoảng thời gian khác trong ngày để đọc đủ thời gian tự đặt ra cho bản thân.

Chị Thương chia sẻ, cơ duyên đến với đọc sách là vào năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, các trường học bắt đầu dạy học online, qua một lần lân la trên mạng Internet tìm hiểu phương pháp giảng dạy giúp các em tiếp thu bài tốt, chị Thương đã quen biết và kết nối với một nhóm thầy cô giáo cả nước. Từ đó, được sự định hướng của thầy, nhóm của chị từ 80 – 100 thành viên đã bắt đầu đọc sách.

chi-thuong-doc-sach(1).png

“Qua hai năm đọc sách, tôi thấy mình vỡ lẽ được nhiều điều, thay đổi tư duy, thói quen chưa tốt. Nếu trước đây, ngủ dậy, tôi phải cầm ngay điện thoại thì nay tôi chuyển sang đọc sách.

Qua đọc sách, từ việc ứng xử với cuộc sống, bạn bè, con cái cũng có thay đổi theo chiều hướng tích cực. Thay vì quát mắng mỗi khi con làm sai, nay tôi giữ được bình tĩnh, học cách lắng nghe con nói rồi nhẹ nhàng phân tích những điều chưa phù hợp”, chị Thương cho biết.

Nhờ đọc sách mỗi ngày, chị Thương đã kết nối thêm nhiều bạn bè, nhất là truyền cảm hứng, niềm đam mê đọc sách cho nhiều bạn trẻ. Các giờ giảng dạy trên lớp, chị cũng nhắc nhở học sinh yêu sách, dành thời gian đọc sách để tránh xa các thiết bị điện thoại, ti vi.

“Mỗi tháng, tôi đều dành 10% thu nhập để mua những quyển sách mình yêu thích. Tôi thường chọn những sách về tâm lý lứa tuổi, một mặt để học trong đó cách nuôi dạy con cái, mặt khác nắm bắt tâm lý học sinh để có sự điều chỉnh phù hợp. Có thể nói, sách đã trở thành người bạn, món ăn tinh thần, một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Mỗi khi gặp câu nói hay, bài học quý, tôi đều đánh dấu lại, ghi chép vào cuốn sổ nhỏ để lần giở đọc những khi rảnh rỗi”, chị Thương nhấn mạnh.

Hiện nay, dù internet phát triển, song chị Thương vẫn luôn gắn bó với sách giấy. Bởi theo chị, đọc sách giấy thì mới tránh xa, từ bỏ được thói quen sử dụng điện thoại. Hơn nữa, trang sách cũng chính là trang đời, có yêu sách thì mới thêm yêu đời, yêu người hơn.

h2-2-.jpg
Mỗi buổi sáng, nhóm chia sẻ kiến thức của chị Thương đều duy trì thói quen cùng nhau đọc sách.

Khi được hỏi cảm nhận của chị về thói quen đọc sách của giới trẻ hiện nay, chị Thương thẳng thắn chia sẻ, các bạn trẻ hiện nay thường đọc sách trên internet. Việc đọc sách như thế này về lâu về dài đều dẫn đến hai hướng tích cực và tiêu cực. Đó là, nếu đọc mà không được định hướng, thích gì đọc đó, nhiều lúc các bạn có nguy cơ sa vào những cuốn sách không phù hợp, làm ảnh hưởng không tốt đến nhận thức, hành vi. Thứ hai là, khi đọc sách đúng, được định hướng những quyển sách phù hợp, nhưng các bạn trẻ nếu sử dụng điện thoại, máy tính nhiều vô hình chung sẽ ảnh hưởng đến thị lực, sức khỏe.

Vì vậy, chị Thương cho rằng, các bạn trẻ hãy thử mua một cuốn sách, thậm chí cuốn truyện phù hợp với độ tuổi, mỗi ngày dành vài phút, đọc vài trang, nhâm nhi bên món ăn vặt hay ly nước uống mình thích. Theo thời gian, chắc hẳn sẽ nuôi dưỡng được niềm đam mê đọc sách và khi có sự định hướng đúng đắn các bạn sẽ chọn cho mình được những cuốn sách truyền năng lượng tích cực.

“Khi các bạn mua được một quyển sách hay, tâm đắc, các bạn sẽ đọc đi đọc lại nhiều lần. Mỗi tháng, các bạn có một vài quyển sách thì vài năm các bạn có rất nhiều sách để làm thư viện nhỏ cho mình. Rồi các bạn sẽ thay đổi tư duy, hành động giống tôi, ngày ngày nhìn ngắm chúng và càng trân quý những cuốn sách giúp mình thay đổi”, chị Thương tâm sự.

Định hướng nguồn sách cho giới trẻ

Không riêng gì chị Thương, hiện nay, việc đọc sách trong giới trẻ đã ngày càng đa dạng. Dù đọc bằng hình thức gì, loại sách nào, điều giới trẻ hướng tới đó là có ích cho cuộc sống, công việc, hướng tới giá trị nhân văn, chân, thiện, mỹ.

Theo ông Nguyễn Tấn Tới, ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa), thế hệ các ông ngày xưa chưa tiếp cận với phương tiện thiết bị công nghệ, nên đọc sách bằng giấy in đã trở thành chủ đạo. Hầu như nhà nào cũng có một tủ sách nhỏ là nơi lưu giữ sách của mình. Ông Tới cũng vậy, tủ sách của ông có đầy đủ các loại sách khác nhau từ triết học, lịch sử thế giới, Việt Nam, sách về địa phương cho đến truyện ngắn, văn xuôi, thơ.... Mỗi trang sách dù màu đã cũ do thời gian, nhưng nó không đọng một hạt bụi nào bởi lúc nào ông cũng trân trọng, lau chùi sạch sẽ.

toi(1).png

“Một ngày, tôi không đọc sách là cảm thấy thiếu, như người mà không được ăn cơm. Đọc sách thành thói quen, nó tạo cho tôi tính minh mẫn, lạc quan, sống chan hòa, nhân ái, nhất là giữ được cái tâm tĩnh. Đối với tôi, mỗi loại sách đều được sắp xếp, phân loại rõ ràng. Khi đọc câu nào hay, đoạn nào yêu thích, tôi đều đánh dấu đọc đi đọc lại, nghiền ngẫm, suy nghĩ”, ông Tới cho biết.

Vì vậy, qua quan sát, ông nhận thấy, việc đọc sách của giới trẻ có nhiều thay đổi. Công nghệ số lên ngôi, các cháu chỉ cần dùng điện thoại thông minh, mở mạng lên là tìm được ngay những cuốn sách mình yêu thích. Đọc online cũng có cái hay của nó, đó là mình nhanh chóng tìm ra được nhiều cuốn sách cùng viết về một nội dung mình cần, từ đó mình dễ so sánh, tập hợp được vấn đề.

“Chúng ta không thể yêu cầu các bạn trẻ vào thư viện đọc sách hay ra các nhà sách để đọc mà để các bạn tự lựa chọn hình thức đọc phù hợp. Trong đó, thầy cô, nhà trường, cha mẹ cần định hướng cho con cái nội dung phù hợp với lứa tuổi; hướng dẫn các con đánh dấu, ghi chép những nội dung thiết thực, ý nghĩa, cần thiết để làm tư liệu”.

Một số chuyên gia cho rằng, mỗi thời mỗi khác, hiện nay, nhiều bạn trẻ đang dần quên đi đọc sách truyền thống. Do đó, việc khuyến khích giới trẻ đọc sách rất cần thiết vì không ai có thể phủ nhận sách mang lại nhiều lợi ích cho người đọc. Dù đọc hình thức nào, chúng ta cần giới hạn thời gian đọc sách mỗi ngày cho các bạn trẻ; tránh tình trạng đọc nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe hoặc vì đam mê cái này mà quên đi việc khác. Cha mẹ, thầy cô cần chỉ dẫn các em lựa chọn những nguồn sách chính thống, tin cậy để đọc và khơi gợi niềm đam mê đọc sách của con em mình ngay từ khi các em còn nhỏ. Mỗi bạn trẻ cũng cần phải tỉnh táo, chọn những sách phù hợp với bản thân, không đi ngược lại với văn hóa dân tộc và cuộc sống.

Hoàng Bảo