Giáo dục - Đào tạo

Thầm lặng nghề thủ thư

Mẫn Doanh 21/04/2023 07:13

Thủ thư - là tên gọi của đội ngũ cán bộ thông tin thư viện. Tuy không nằm trong số nghề "hot" của xã hội, nhưng những người thực sự đam mê, gắn bó với công việc này đã và đang từng ngày lặng lẽ, âm thầm đóng góp cho công việc ý nghĩa là kết nối tri thức, phát triển văn hóa đọc.

Thoạt đầu, nhiều người nghĩ rằng công việc thủ thư là nhàn hạ và buồn chán. Thế nhưng, để có những quyển sách sạch sẽ, ngăn nắp và đằng sau những chuyến xe lưu động phục vụ sách chính là những giọt mồ hôi, công sức, sự đóng góp lặng thầm của những người thủ thư...

Thầm lặng mà cao quý

“Ngoài chuyên môn nghiệp vụ, để gắn bó với nơi đây, mình phải là người cần mẫn, tỉ mỉ và đặc biệt phải có tình yêu với sách. Sách được bạn đọc mượn về có trường hợp bị mưa ướt, hay bị rách thì thủ thư xử lý lại một cách tốt nhất” - chị Thân Thị Quỳnh Liên, nhân viên phòng Bạn đọc, Thư viện tỉnh Đắk Nông tâm sự. Đối với chị, thủ thư là người đầu tiên, trực tiếp tiếp xúc với độc giả, là gương mặt đại diện của cơ quan phục vụ Nhân dân. Điều mong muốn của chị là sách đến với nhiều độc giả. Những cuốn sách được trân trọng, nâng niu để ai cũng có thể đọc những trang sách hay, sạch sẽ.

Chị Liên chia sẻ, sự bùng nổ thông tin hiện nay đòi hỏi người thủ thư phải năng động, sáng tạo và chuyên nghiệp. Sách dán nhãn, sắp xếp một cách khoa học hơn. Ngoài giới thiệu sách với bạn đọc trực tiếp, còn phải giới thiệu sách trên các trang mạng như facebook và trang thông tin của thư viện; ứng dụng phần mềm tra cứu thông tin thay thủ công, số hóa tài liệu, kho địa chí... Thư viện tỉnh đang trong quá trình số hóa phục vụ song song hình thức đọc truyền thống và đọc trực tuyến. Vì vậy, không chỉ riêng chị Liên mà hầu hết mọi người trong đơn vị phải học hỏi, trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ bắt nhịp với hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của độc giả.

img_7651(1).jpg
Những nhân viên Thư viện tỉnh ứng dụng công nghệ, phần mềm số hóa tài liệu

Không chỉ bảo quản, biên mục, phích mục lục, tra cứu..., các thủ thư cũng phải nắm bắt tâm lý của mọi đối tượng. Với độc giả là người già thì phải lễ phép, kính trọng; với cha mẹ các em thì phải vui vẻ, hòa nhã. Các bé ở độ 5 hay 6 tuổi thì dỗ dành dịu dàng, giúp bố mẹ tìm cho các em những cuốn truyện tranh ít chữ, nhiều hình ảnh sinh động. Các bé lớn hơn chút phải hồn nhiên giao lưu trò chuyện cùng các bé. Các em 12, 13, 14 tuổi thì phải định hướng cho các bé chọn đọc đúng sách....

Để có thể yêu nghề, các thủ thư phải thực sự sống bằng tất cả niềm vui, nỗi buồn, sự tận tụy, cống hiến với tinh thần tự nguyện nhất. Đều đặn mỗi sáng thứ hai đến thứ bảy trong tuần, chị Phạm Thị Thu Hiền từ nhà ở Kiến Đức (Đắk R’lấp) đi hơn 20km xuống Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, xã Đắk Ru (Đắk R’lấp) mở cửa thư viện cho các em học sinh. Sáng đi chiều về, với mức lương hiện nay chưa đến 5 triệu đồng, chị đã gắn bó 7 năm với nghề. Khi nói về mong muốn của mình, chị chỉ hy vọng rằng thư viện trường sẽ có thêm nhiều đầu sách, thể loại phong phú, đa dạng hơn. Chị tâm sự, hiện nay trường chỉ mới có sách giáo khoa, sách tham khảo. Vì đầu sách còn ít nên cũng chưa thể cho các em học sinh mượn về nhà được. Các em chỉ có thể tranh thủ đọc trên phòng thư viện. Vì vậy, chị luôn sẵn sàng hỗ trợ, tạo tâm lý thoải mái cho các em khi đến thư viện. Bởi chị hiểu rằng, tác dụng của thư viện trường với học sinh là không gì có thể so sánh được.

img_7634(1).jpg
Các thủ thư chuẩn bị sách, báo vào buổi sáng sớm cho bạn đọc

Khi đã yêu công việc của mình ắt hẳn có những niềm vui do chính công việc đó mang lại. Niềm vui trong nghề của các chị thủ thư thật đơn giản khi mỗi ngày nhìn thấy bạn đọc, nhất là các em học sinh tìm đến với sách; được giới thiệu và tìm những cuốn sách hay, phù hợp phục vụ cho mọi người. Công việc của người giữ sách không chỉ cần chất xám, mà còn phải thật sự nhẫn nại, tập trung cao. Tình yêu dành cho từng quyển sách, mang tri thức đến với mọi người làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa và tốt đẹp hơn.

Mang sách đi tìm người đọc

Chị Đỗ Thị Dung, nhân viên phòng Nghiệp vụ phong trào cơ sở, Thư viện tỉnh Đắk Nông tâm tình: “Dù thư viện vắng bạn đọc thì thủ thư cũng sẽ làm nhiều công việc khác rất thầm lặng. Thủ thư giờ đây không ngồi một chỗ mà phải đưa sách đi tìm bạn đọc. Cụ thể như  đẩy mạnh luân chuyển, phục vụ sách báo đến các trường học, điểm văn hóa, bưu điện... ở vùng sâu, vùng xa nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin của một bộ phận bạn đọc không có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với vốn tài liệu. Thư viện tỉnh đang chú trọng đổi mới phương thức phục vụ, xây dựng tình yêu đối với sách cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường thông qua những chuyến xe lưu động, các cuộc thi vẽ tranh, kể chuyện theo sách, viết cảm nhận về cuốn sách yêu thích, tổ chức trò chơi có thưởng…

xld1(1).jpg
Những chuyến xe thư viện lưu động mang sách và niềm vui đến trẻ em vùng xa

Để có chuyến xe lưu động mang tri thức đến vùng sâu hay những lần luân chuyển sách về cơ sở, người làm công tác tại thư viện chọn lọc, sắp xếp từng cuốn sách một cách hợp lý. Chị Đinh Thị Hảo, nhân viên phòng Nghiệp vụ phong trào cơ sở, Thư viện tỉnh Đắk Nông cho hay: “Thư viện tỉnh thường xuyên triển khai xe thư viện lưu động như một nhà sách thu nhỏ, linh hoạt trong quá trình đến với bạn đọc. Đặc biệt là chuỗi hoạt động trong tháng 3, tháng 4. Bất kể ở nơi đâu, từ trung tâm đến vùng sâu, vùng xa đều có thể tiếp nhận sách và thông tin. Những nơi điều kiện đi lại khó khăn nhất là nơi cần sách nhất. Những lần phục vụ lưu động ở điểm trường xã phải di chuyển từ rất sớm... Nhiều người nghĩ nghề giữ sách rất nhàn hạ, nhưng thật sự đây là công việc đòi hỏi phải thật tỉ mỉ, bỏ nhiều công sức...”

Bảo quản sách, phục vụ sách lưu động, phục vụ sách ngoại khóa tại chỗ... là công việc hàng ngày của thủ thư. Tuy thầm lặng nhưng họ là người giữ gìn và đưa kho tàng tri thức đến với cộng đồng nhiều hơn. Tình yêu, đam mê với sách có nhiều cách thể hiện, những thủ thư thầm lặng ấy trân trọng và nâng niu sách trên tay mình như món quà mà cuộc sống ban tặng.

Mẫn Doanh