Taliban mong muốn xây dựng quan hệ tích cực với cộng đồng quốc tế
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 10:45, 20/04/2023
Lãnh đạo chính quyền Taliban ở Afghanistan Mawlawi Hibatullah Akhundzada ngày 19/4 bày tỏ mong muốn tham gia một cách xây dựng và phát triển quan hệ tích cực với cộng đồng quốc tế, trong đó có các quốc gia láng giềng, các quốc gia Hồi giáo và thế giới nói chung trên cơ sở "cùng có lợi trong khuôn khổ các nguyên tắc Hồi giáo."
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Á, trong thông điệp trước lễ Eid al-Fitr đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, ông Hibatullah nhấn mạnh Taliban không muốn can thiệp vào công việc nội bộ của bất kỳ quốc gia nào và "mong đợi điều tương tự từ những quốc gia khác.”
Về lĩnh vực giáo dục, ông Hibatullah cho biết chính quyền đã vạch ra các kế hoạch phát triển.
Bên cạnh đó, ông Hibatullah cũng nhắc tới những việc chính quyền làm được sau khi giành quyền kiểm soát Afghanistan trong đó có việc cấm trồng cây anh túc, cấm chế biến và buôn bán ma túy... đưa nền kinh tế đất nước vào quỹ đạo.
Ông cũng kêu gọi đảm bảo công lý, phát triển kinh tế và duy trì ổn định hòa bình và an ninh ở Afghanistan.
Cùng ngày, người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres sẽ triệu tập cuộc họp kín với các đặc phái viên của nhiều quốc gia về Afghanistan, dự kiến diễn ra tại Doha trong hai ngày 1 và 2/5.
Mục đích cuộc họp là tăng cường sự tham gia của quốc tế xung quanh các mục tiêu chung để có một hướng đi bền vững cho tình hình ở Afghanistan.
Tuy nhiên, Liên hợp quốc và các nước trên thế giới đều bày tỏ "quan ngại" về tác động do các chính sách của chính quyền Taliban ở Afghanistan gây ra đối với quyền của phụ nữ.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên án mạnh mẽ việc chính quyền Taliban tại Afghanistan cấm phụ nữ làm việc cho phái bộ của Liên hợp quốc, đồng thời kêu gọi chính quyền rút lại quyết định này.
Ngày 5/4, người phát ngôn Stephane Dujarric dẫn lời Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định: "Đây là hành vi vi phạm các quyền con người cơ bản, không thể thay đổi của phụ nữ. Quyết định này cũng vi phạm các nghĩa vụ của Afghanistan theo luật nhân quyền quốc tế và vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử - là nguyên tắc cốt lõi làm nền tảng cho Hiến chương Liên hợp quốc."
Ông Dujarric nêu rõ Tổng Thư ký kêu gọi Taliban ngay lập tức thu hồi quyết định và đảo ngược tất cả các biện pháp hạn chế quyền làm việc, tiếp cận giáo dục và tự do đi lại của phụ nữ và trẻ em gái.
Cùng chung quan điểm trên, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Csaba Korosi đã lên án lệnh cấm của Taliban. Người phát ngôn của bà Korosi - bà Paulina Kubiak - cho biết: "Hành động này là một sự vi phạm trắng trợn nhân quyền của phụ nữ và làm suy yếu các công tác của Liên hợp quốc tại Afghanistan, trong khi những người dân tại đây đang rất cần được hỗ trợ nhân đạo."
Afghanistan đang chìm trong khủng hoảng nhân đạo khi có tới 28,3 triệu người (tương đương 2/3 dân số) cần được hỗ trợ để tồn tại. Gần 1/4 số hộ gia đình ở Afghanistan có chủ hộ là nữ giới. Việc chính quyền hiện nay tại Afghanistan tước bỏ quyền được tiếp cận giáo dục và tham gia kinh tế-xã hội của phụ nữ và trẻ em gái sẽ gây ra vết thương ngày càng lớn và khó lành cho chính đất nước này.
Kể từ khi lên nắm quyền điều hành đất nước, Taliban đã đưa ra nhiều quy định hạn chế đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Tháng 12 năm ngoái, Taliban ban hành sắc lệnh cấm phụ nữ làm việc trong các các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, song Liên hợp quốc được miễn trừ khỏi lệnh cấm này.
Phụ nữ Afghanistan cũng bị cấm đi học đại học, trong khi phần lớn nữ sinh trung học không được đến trường. Nữ giới tại Afghanistan không được phép lui tới công viên hay vườn hoa và không được đi du lịch nếu không có người thân là nam giới đi cùng.
Các quan chức Taliban lập luận rằng việc họ mở rộng các hạn chế đối với việc làm của phụ nữ, bao gồm cả các hoạt động của Liên hợp quốc nước này, là một "vấn đề nội bộ"./.