Khu vực Nam Á có số nữ giới tảo hôn cao nhất thế giới

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 08:30, 20/04/2023

Độ tuổi kết hôn hợp pháp của phụ nữ ở Nepal là 20 tuổi, ở Ấn Độ, Sri Lanka và Bangladesh là 18 tuổi và ở Afghanistan là 16 tuổi, ở Pakistan cũng là 16 tuổi.
Khu vuc Nam A co so nu gioi tao hon cao nhat the gioi hinh anh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nam Á hiện là khu vực ghi nhận số lượng nữ giới tảo hôn cao nhất thế giới, trong bối cảnh gánh nặng tài chính và trường học đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến nhiều gia đình quyết định để con gái kết hôn sớm.

Đây là ước tính trong báo cáo do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc công bố ngày 19/4. 

Theo báo cáo, khu vực này có khoảng 290 triệu nữ giới tảo hôn, chiếm khoảng 45% tổng số nữ giới kết hôn khi chưa đủ tuổi trên toàn thế giới.

Trước tình hình đó, UNICEF kêu gọi cần chấm dứt ngay tình trạng này. 
Trong một thông báo, Giám đốc khu vực Nam Á của UNICEF Noala Skinner cảnh báo tình trạng tảo hôn khiến trẻ em mất đi cơ hội tiếp cận giáo dục, tiềm ẩn rủi ro đối với sức khỏe thể chất cũng như tinh thần, trong khi ảnh hưởng đến tương lai của chính các em. 

Theo một nghiên cứu mới của UNICEF dựa trên cơ sở các cuộc phỏng vấn và thảo luận đối với các gia đình tại 16 điểm ở Bangladesh, Ấn Độ và Nepal, nhiều gia đình cho rằng việc kết hôn là lựa chọn lý tưởng nhất cho con gái họ vào thời điểm dịch COVID-19, khi các cơ hội học tập trở nên khó khăn. 

Độ tuổi kết hôn hợp pháp của phụ nữ ở Nepal là 20 tuổi, ở Ấn Độ, Sri Lanka và Bangladesh là 18 tuổi và ở Afghanistan là 16 tuổi. Ở Pakistan cũng là 16 tuổi, ngoại trừ tỉnh Sindh quy định tuổi kết hôn tối thiểu là 18 tuổi. 

Theo nghiên cứu của Liên hợp quốc, nguyên nhân khiến các gia đình để con gái kết hôn sớm là do gánh nặng tài chính trong thời kỳ đại dịch. Tảo hôn khi đó lại trở thành cách thức hợp lý để giảm bớt gánh nặng. 

Để hạn chế nạn tảo hôn, UNICEF cho biết các một số giải pháp tiềm năng được đề xuất gồm ban hành các biện pháp bảo trợ xã hội để chống đói nghèo, bảo vệ quyền được giáo dục của mọi trẻ em, đảm bảo một khuôn khổ đầy đủ để thực thi pháp luật và tăng nỗ lực cải thiện chuẩn mực xã hội.

Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ Dân số Liên hợp quốc kêu gọi tăng cường hợp tác và nỗ lực để trao quyền cho trẻ em gái thông qua giáo dục, đồng thời hỗ trợ các cộng đồng kết nối, cùng góp phần loại bỏ tập tục tảo hôn vốn "bám rễ" sâu trong đời sống của nhiều cộng đồng.

Theo một báo cáo của Quỹ dân số Liên hợp quốc, trên thế giới, 19% phụ nữ trong độ tuổi từ 20 đến 24 đã kết hôn và/hoặc sống chung như vợ chồng trước 18 tuổi.

Trong bối cảnh của đại dịch COVID-19, dự kiến đến năm 2030 có đến 13 triệu trẻ em gái đã buộc phải trở thành cô dâu.

Kết hôn trẻ em là hành vi vi phạm quyền con người và thường xảy ra đối với trẻ em gái dễ bị tổn thương, nghèo khó và bị gạt ra ngoài lề xã hội nhất.

Nhưng điều này cũng gây tác hại cho cộng đồng và xã hội thông qua trói buộc các cô dâu trẻ em và gia đình của các em vào một chu kỳ nghèo đói kéo dài qua nhiều thế hệ.

Các nghiên cứu cho thấy việc chấm dứt kết hôn trẻ em - tạo điều kiện cho trẻ em gái hoàn thành chương trình giáo dục, hoãn lại việc làm mẹ, tìm công việc hiệu quả và phát huy hết tiềm năng của mình - có thể tạo ra hàng tỷ USD thu nhập và năng suất lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)