Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến ở Đắk Nông còn thấp
Thời gian qua, trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) các cấp, ngành tại tỉnh Đắk Nông đã không ngừng đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, tỷ lệ hồ sơ phát sinh qua dịch vụ công trực tuyến rất thấp. Thậm chí, nhiều lĩnh vực không phát sinh hồ sơ.
Hiện Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh tiếp nhận và giải quyết 1.913 TTHC, trong đó, có 818 TTHC ứng dụng dịch vụ công 1 phần; 403 thủ tục ứng dụng dịch vụ công trực tuyến; 694 thủ tục ứng dụng dịch vụ công toàn trình.
Chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ xây dựng hệ thống bảo mật thông tin, bảo đảm hạ tầng công nghệ, đường truyền kết nối dữ liệu Quốc gia dân cư phục vụ giải quyết TTHC nhằm số hóa quy trình, số hóa hồ sơ, số hóa kết quả giải quyết TTHC.
Sử dụng dịch vụ công trực tuyến giải quyết TTHC giảm thời gian, chi phí đi lại cho người dân, rút ngắn thời gian giao dịch hành chính tạo thuận lợi cá nhân, tổ chức.
Tuy nhiên, qua thực tế, tỷ lệ hồ sơ phát sinh thấp, thậm chí có lĩnh vực còn không phát sinh hồ sơ. Đơn cử, lĩnh vực tư pháp có thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Tính riêng trong 3 tháng đầu năm nay, thủ tục này phát sinh 1.710 hồ sơ. Trong đó, có 1.563 hồ sơ tiếp nhận trực tiếp, chỉ có 147 hồ sơ trực tuyến.
Cũng trong thời điểm này, đối với TTHC đổi giấy phép lái xe Trung tâm hành chính công tiếp nhận và giải quyết TTHC hơn 1.700 trường hợp. Đáng chú ý là 100% hồ sơ đều được tiếp nhận trực tiếp.
Theo Sở GTVT, trung bình mỗi năm, tỉnh Đắk Nông có khoảng hơn 10.000 giấy phép lái xe được cấp đổi. Nếu như tất cả đều có thể tự thực hiện trên máy tính, điện thoại thì sẽ tiết kiệm được một lượng thời gian rất lớn cho xã hội, giảm tải đáng kể khối lượng công việc cho cán bộ phụ trách.
Vì vậy, mỗi người cần thay đổi hình thức đăng ký giải quyết TTHC. Việc đổi giấy phép lái xe trực tuyến là một trong 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư giải quyết TTHC, hướng đến xây dựng Chính phủ điện tử.
Thời gian qua, các cấp, ngành và chính quyền địa phương trong tỉnh có nhiều nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Trong khi chính quyền rất nỗ lực tuyên truyền, hỗ trợ thì người dân vẫn chậm thay đổi thói quen giao dịch hành chính bằng môi trường số.
Do đó, người dân cần chủ động tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến để góp phần hoàn thành mục tiêu đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.