Đời sống

Ánh sáng từ lớp xóa mù chữ ở Quảng Sơn

Mỹ Hằng- Lại Tuyến 20/04/2023 05:41

“Chúng tôi cảm thấy tự tin khi giao tiếp xã hội và hạnh phúc hơn khi bản thân mình có thể biết đọc, biết viết tên của chính mình khi đi làm giấy tờ mà không cần điểm chỉ tay như trước".

Đó là tâm sự chung của 155 học viên - là chị em các thôn Đắk Snao 1, Đắk Snao 2, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) sau khi kết thúc lớp học xóa mù chữ do Ban Chỉ đạo xóa mù chữ UBND huyện Đắk Glong tổ chức.

Tự tin hơn khi biết chữ

Chị Phàng Thị Sua năm nay đã ngoài 50 tuổi và là mẹ của 5 người con nhưng chị cũng chỉ mới biết chữ cách đây mấy tháng. Nhà nghèo, lại đông con nên quanh năm chị quanh quẩn làm nương rẫy "bán mặt cho đất bán lưng cho trời". Mỗi lần đi ra UBND xã làm hồ sơ hay ký tá giấy tờ cho con, chị đều phải điểm chỉ tay. Cuối năm 2022, được sự vận động của chính quyền địa phương, chị đã mạnh dạn đăng ký tham gia lớp xóa mù chữ tại xã.

hinh2-1-.jpg
Bữa tối, các học viên lớp xóa mù chữ ở thôn Đắk S'nao lại đi tìm con chữ.

Theo chị Sua, việc cầm bút khó khăn hơn nhiều so với cầm cuốc làm rẫy hay thêu thùa, nhuộm vải, nhưng vì hành trình tìm con chữ nên chị đã cố gắng hết sức và không hề chán nản. Ngược lại, chị đi học khá đầy đủ. Cứ đều đặn 6 tháng nay, ban ngày chị lên rẫy trồng trọt, chiều về lo cơm nước cho gia đình, rồi tối thì đến lớp học chữ.

Đến khi kết thúc khóa học, chị đã hoàn thành xuất sắc khóa học và được Ban tổ chức lớp học cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ cấp độ 1. Chị Sua phấn khởi nói: “Ngày trước, tôi không biết chữ, không thể tự đi làm giấy khai sinh cho con, những lúc con ốm phải đi bệnh viện cũng rất khó khăn vì không biết đọc. Bây giờ tôi có thể đánh vần, đọc được chữ trong sách của con, hai mẹ con có thể cùng nhau học bài, tôi còn tự viết được tên của mình nữa”.

hifnh4(1).jpg
Khi biết chữ, các chị cảm thấy tự tin khi giao tiếp và không còn điểm chỉ tay khi làm giầy tờ ở UBND xã nữa.

Tương tự, chị Thào Thị Ván chia sẻ: “Ngày trước do điều kiện kinh tế khó khăn, bố mẹ không cho đến trường nên bị mù chữ. Khi được biết chữ, tôi cảm thấy tự tin hơn trong giao tiếp. Hàng ngày, tôi có thể cùng con học bài, đi làm các loại giấy tờ mà không cần chỉ điểm tay. Tôi mong muốn Ban tổ chức sẽ tạo điều kiện để tôi cũng như các chị em khác trong thôn được tiếp tục học xóa mù cấp độ 2”.

Ai cũng chịu khó học

Ở xã Quảng Sơn, có 155 học viên theo học lớp xóa mù chữ, chia làm 4 lớp tại các thôn Đắk Snao 1 và Đắk Snao 2 của xã. Đa phần các chị em theo học lớp xóa mù chữ có độ tuổi từ 15- 57 tuổi chủ yếu là người Mông, Hoa, Dao, Tày, Nùng… Trong số này, có người chưa một lần biết đến cái chữ, cũng có những người từng được đi học, nhưng sau bao năm quanh quẩn với nương rẫy, giờ đây đã quên mặt chữ...

Cô Hoàng Thị Hà, giáo viên Trường Tiểu học Lý Tự Trọng người trực tiếp dạy chữ cho các chị cho biết “Thời gian đầu, các chị học đều có tâm lý e dè, sợ sai nhưng khi biết mặt con chữ rồi ai cũng tự tin, vui vẻ hơn hẳn. Thấy chị em ai cũng chịu khó học, người dạy như chúng tôi vui lắm”.

hinh1(1).jpg
Vì cái chữ, nhiều chị em vẫn ẳm con nhỏ đi học.

Để đủ điều kiện công nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ mức độ 1, các học viên phải hoàn thành chương trình xóa mù chữ trong vòng 6 tháng và cuối khóa phải bảo đảm đạt chuẩn kiến thức kỹ năng theo tài liệu dạy học xóa mù chữ và các yêu cầu kiến thức của từng lớp.

Ngoài ra, các học viên còn được đánh giá theo kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết, tính toán; có hiểu biết đơn giản, cần thiết về tự nhiên xã hội, con người phù hợp và thiết thực hơn trong cuộc sống. Ngoài việc dạy chữ xóa mù, những thầy cô giáo đứng lớp còn kết hợp tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương cũng như các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, các chị hiểu rõ và biết phân biệt đâu là điều nên làm, đâu là những điều nên tránh trong cuộc sống. Biết chữ, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với bà con cũng dễ dàng hơn.

Mỹ Hằng- Lại Tuyến