Lĩnh vực hợp tác mới trong thương mại, kinh doanh của Việt Nam-Anh

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 08:57, 19/04/2023

Các đại biểu đã thảo luận những cơ hội hợp tác kinh doanh, thương mại giữa Việt Nam và Anh, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng, biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, tài chính xanh, giáo dục, y tế.
Linh vuc hop tac moi trong thuong mai, kinh doanh cua Viet Nam-Anh hinh anh 1Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long trình bày về các cơ hội hợp tác thương mại giữa Anh và Việt Nam. (Ảnh: Hải Vân/Vietnam+) 

Ngày 18/4, tại London, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh phối hợp với mạng lưới doanh nghiệp British Expertise International (BEI) tổ chức tọa đàm “Việt Nam-Anh: Lĩnh vực hợp tác mới trong thương mại và kinh doanh” nhằm khám phá những cơ hội hợp tác thương mại mới sau khi Anh gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Diễn ra trong khuôn khổ Những ngày Việt Nam tại Anh từ 28/3-27/4 nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ song phương, buổi tọa đàm có sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long; Nghị sỹ Mark Garnier, Đặc phái viên thương mại của Thủ tướng Anh tại Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Brunei; đại diện Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh; và các doanh nghiệp Anh.

Trong khuôn khổ tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận những cơ hội hợp tác kinh doanh, thương mại giữa Việt Nam và Anh, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng, biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, tài chính xanh, giáo dục, y tế, công nghệ và cơ sở hạ tầng.

Đại sứ Nguyễn Hoàng Long và Nghị sỹ Mark Garnier cũng giải đáp những thắc mắc của các doanh nghiệp Anh liên quan môi trường và cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long nhận định tiềm năng phát triển thương mại giữa hai nước còn rất lớn, đặc biệt khi Anh gia nhập CPTPP. Đại sứ nhấn mạnh với nền kinh tế phát triển nhanh, Việt Nam là thị trường tiêu thụ lớn với nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm chất lượng cao, chỉ ra cơ hội xuất khẩu sang Việt Nam các sản phẩm của Anh như rượu whisky, thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp.

Đại sứ Nguyễn Hoàng Long nêu rõ hợp tác về năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh và tài chính xanh sẽ là những lĩnh vực chủ chốt trong quan hệ song phương trong những năm tới khi cả hai nước đều thúc đẩy các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đại sứ cho rằng với cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam sẽ cần hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật, mở ra những cơ hội hợp tác mới giữa hai nước.

Về phần mình, Nghị sỹ Mark Garnier đánh giá cao thành tựu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây, cũng như sự năng động của đất nước, nhận định với khoảng 100 triệu dân với thế hệ trẻ có khát vọng và có học vấn tốt, Việt Nam có những cơ hội phát triển kinh tế hoàn hảo đối với những nước và đối tác đang muốn tìm kiếm cơ hội tăng trưởng.

Nghị sỹ Garnier cho biết hậu Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) và trong thời điểm vừa kết thúc đàm phán gia nhập CPTPP, về nguyên tắc, nước Anh muốn tận dụng các cơ hội phát triển kinh tế tại khu vực Đông Nam Á với dân số khoảng 500 triệu người và sẽ trở thành khối kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050.

Nghị sỹ Garnier chỉ ra rằng nếu muốn tham gia vào các cơ hội phát triển toàn cầu, Anh chắc chắn phải hướng đến hợp tác với các quốc gia tại Đông Nam Á như Việt Nam, một trong các quốc gia mà ông nhận định sẽ phát triển năng động nhất thế giới trong vòng 50 năm tới.

Nghị sỹ Garnier chỉ ra 7 lĩnh vực mà Anh muốn tập trung thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, gồm năng lượng, giáo dục, dịch vụ tài chính, khoa học, y tế, công nghệ và cơ sở hạ tầng. Ông cho rằng với hơn 3.000km đường bờ biển và có nguồn năng lượng Mặt Trời có thể sản xuất ra điện Mặt Trời tốt hơn 4 lần so với Thái Lan, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển các trang trại điện gió trên bờ và ngoài khơi cũng như các nhà máy điện Mặt Trời, chỉ ra rằng đây là những cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp Anh có thể hợp tác với Việt Nam.

Đề cập tới việc hợp tác trong dịch vụ tài chính, Nghị sỹ Garnier cho rằng việc Việt Nam mong muốn xây dựng các thành phố lớn trở thành trung tâm dịch vụ tài chính của khu vực là cơ hội tuyệt vời để hai nước hợp tác. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh để xây dựng các trung tâm tài chính, cần lựa chọn các quy định pháp lý để có thể thu hút đúng nguồn vốn, đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư rằng tài sản được đảm bảo an toàn và minh bạch.

Ông Garnier cũng nhận định có nhiều tiềm năng trong hợp tác giáo dục khi Việt Nam là đất nước có truyền thống hiếu học, với những người trẻ tuổi đều có nhu cầu học tiếng Anh để có cơ hội phát triển toàn cầu. Ông cho biết hiện nay một số trường của Anh đã hợp tác, mở các hệ thống giáo dục tại Việt Nam, song chi phí cho loại hình giáo dục này hiện vẫn cao, nhận định việc hợp tác sâu rộng hơn có thể giúp giảm chi phí và phù hợp với nhiều đối tượng hơn.

Việt Nam và Anh ghi nhận những bước phát triển trong quan hệ thương mại sau khi Anh rời EU. Thương mại hai chiều năm 2022 đạt 6,83 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 6,06 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2021.

Anh hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Việt Nam và lớn thứ tư trong các nước và vùng lãnh thổ ở châu Âu và châu Mỹ sau Mỹ, Đức và Hà Lan. Về đầu tư, Anh nằm trong số 15 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với 500 dự án có tổng vốn đăng ký 4,19 tỷ USD.

Linh vuc hop tac moi trong thuong mai, kinh doanh cua Viet Nam-Anh hinh anh 2Đặc phái viên Thương mại Mark Garnier trình bày tại Tọa đàm. (Ảnh: Hải Vân/Vietnam+)

Các thành viên CPTPP đã nhất trí cho Anh gia nhập khối này và quyết định được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng của Nhóm làm việc về gia nhập CPTPP ngày 31/3.

Sự kiện trên đánh dấu đợt mở rộng đầu tiên của hiệp định và giúp tăng sự đóng góp của khối trong GDP toàn cầu từ 12% lên 15%.

Ngoài ra, giữa Việt Nam và Anh còn ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) ngày 29/12/2020 và có hiệu lực từ 31/12/2020.

Thống kê từ Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương), Hiệp định UKVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/5/2021. Về thương mại hàng hóa, Anh cam kết sẽ xóa bỏ 85,6% số dòng thuế cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực (từ 1/1/2021), xóa bỏ đến 99,2% số dòng thuế từ 1/1/2027 và 0,8% số dòng thuế còn lại sẽ được hưởng hạn ngạch thuế quan (với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%).

Với các cam kết này, nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, dệt may, linh kiện điện tử, đồ gỗ, càphê, gạo, hoa quả … sẽ có lợi thế khi tiếp cận thị trường Anh trong bối cảnh nhiều quốc gia chưa có FTA với Vương quốc Anh, đón đầu làn sóng chuyển dịch nhu cầu do xu thế phát triển xanh và bền vững của Vương quốc Anh.

Trong năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hai chiều cả năm tăng 3,3%; trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có sự tăng trưởng tốt.

Cụ thể như càphê (tăng 61%); đá quý, kim loại quý và sản phẩm (tăng 56%); đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận (tăng 59%); giày dép các loại (tăng 40%); hàng dệt may (tăng 36%); dây điện và dây cáp điện (tăng 30%); sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 28%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (tăng 37%)... Ngoài ra, điện thoại các loại và linh kiện vẫn đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm xuất khẩu hàng hóa có thế mạnh của Anh quốc tiếp tục đạt kim ngạch lớn như dược phẩm (81,9 triệu USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (184 triệu USD); ô tô nguyên chiếc các loại (28,5%); cũng như nhiều ngành hàng có tốc độ tăng trưởng ổn định như sản phẩm hóa chất (tăng 3,5%), sản phẩm từ chất dẻo (tăng 28,3%), thủy sản (23,8%).

Về lĩnh vực đầu tư, Vương quốc Anh hiện có 507 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt gần 4,2 tỷ USD. Riêng trong năm 2022, đã có 53 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký 134,66 triệu USD từ nhà đầu tư Anh tại thị trường Việt Nam.

Với kết quả này, Vương quốc Anh đang là đối tác lớn thứ 15 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, tài chính, ngân hàng, dầu mỏ./.

Minh Hợp-Hải Vân