Tái cơ cấu giúp giá trị sản xuất ở Tuy Đức đạt 90 triệu đồng/ha
Sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 05/NQ-HĐND, ngày 2/8/2018 của HĐND tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp của Tuy Đức đang phát triển theo chiều sâu. Huyện đã hình thành được một số vùng nguyên liệu tập trung, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Trước đây, dù có vườn cà phê xen hồ tiêu 3,5 ha, nhưng nguồn thu nhập của gia đình anh Đỗ Thanh Ân, ở thôn 5, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) luôn bấp bênh.
Cây trồng phát triển kém, nên thu không đủ chi. Để nâng cao thu nhập, anh Ân tiến hành tái canh những cây trồng cho năng suất thấp, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững.
Sau nhiều năm áp dụng, vườn cây đã được cải thiện, năng suất, chất lượng đã đạt yêu cầu đơn vị thu mua. Hiện nay, vườn cà phê, hồ tiêu của anh Ân đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Anh Ân cho biết: "Mỗi năm, 1 ha cà phê cho tôi thu nhập 100 triệu đồng. Tổng thu nhập của tôi khoảng 300 - 400 triệu đồng mỗi năm".
Còn anh Phạm Văn Hùng, ở thôn 3, xã Đắk Búk So, lại chọn trồng cây ngắn ngày. Anh Hùng có 3 sào đất trồng khoai lang Nhật Bản. Vụ đông xuân này, vườn khoai của anh đạt hơn 7 tấn củ, giá bán 13.500 đồng/kg. Trừ chi phí, anh lãi được hơn 50 triệu đồng.
Anh Hùng cho biết, sản xuất khoai lang theo tiêu chuẩn VietGAP giúp anh bán được giá và dễ dàng kết nối tiêu thụ. Sản phẩm của anh luôn được đánh giá cao.
Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Tuy Đức đã tập trung triển khai các giải pháp nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Những năm qua, giá trị tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp toàn huyện bình quân đạt 7,5%/năm. Tổng giá trị ngành nông, lâm nghiệp hết năm 2022 đạt 4 tỷ đồng, chiếm 70,15% trong cơ cấu các ngành kinh tế của huyện.
Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất ở Tuy Đức vào năm 2022 đạt 90 triệu đồng, tăng 15 triệu đồng so với năm 2018.
Giai đoạn 2018-2022, huyện Tuy Đức đã chuyển đổi khoảng 3.320 ha đất trồng mì, 2.288 ha cao su, 365 ha cây hàng năm kém hiệu quả sang các cây trồng khác.
Huyện đã tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Đến nay, huyện đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Nổi bật là các vùng: sản xuất điều tại xã Đắk Ngo, Quảng Tân (9.780ha); cà phê tại xã Quảng Tân, Đắk R’tíh, Đắk Búk So (12.300ha); hồ tiêu tại xã Quảng Tân, Quảng Tâm và Đắk Búk So (1.800ha); mắc ca tại xã Quảng Trực, Quảng Tâm, Đắk Búk So (1.420ha); sản xuất rau xanh trên địa bàn xã Đắk Búk So, Quảng Tâm (250ha)...
Việc ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt được huyện quan tâm nhiều. Nhiều người dân, HTX đã đầu tư các công nghệ tưới nước, bón phân, bảo quản, chế biến sản phẩm...
Bà Phạm Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn đã có sự chuyển biến mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Sản xuất nông nghiệp của huyện đã chú trọng vào việc nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích. Nhiều loại cây trồng được bà con sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận trong nước, quốc tế.
Kết quả nổi bật nhất trong tái cơ cấu nông nghiệp của huyện là tăng giá trị sản xuất trên 1 ha đất từ 75 triệu đồng vào năm 2018 lên 90 triệu đồng như hiện nay.
Huyện đã có hơn 700 ha cây trồng đạt các tiêu chuẩn chứng nhận sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sinh học, 4C....
Tuy Đức đặt mục tiêu đến năm 2025 có tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt 6,7%. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha đạt khoảng 120 triệu đồng. Huyện hình thành 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các loại cây trồng có thế mạnh như cà phê, hồ tiêu, rau, hoa, quả...