Phụ nữ phát huy vai trò trong bảo đảm an toàn thực phẩm
Phụ nữ không chỉ là người tiêu dùng trực tiếp, mà trong số này còn có nhiều hội viên là người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Xuất phát từ thực tế đó, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ tỉnh Đắk Nông đã triển khai những giải pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP).
Đẩy mạnh tuyên truyền
Những năm qua, thực hiện Cuộc vận động “Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh ATTP vì sức khỏe gia đình và cộng đồng” Hội LHPN tỉnh Đắk Nông Hội đã xây dựng kế hoạch và triển khai rộng rãi trong các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh. Việc thực hiện ATTP gắn với Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, 3 an toàn”, các mô hình, tổ nhóm phụ nữ tại cơ sở. Qua đó, phát huy vai trò của các cấp hội trong đảm bảo ATVSTP trên địa bàn tỉnh.
Theo bà H’Vi Ê ban, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, để nâng cao nhận thực, hướng dẫn cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân thực hiện các biện pháp ATTP công tác thông tin, tuyên truyền được các cấp hội đẩy mạnh. Cụ thể, chỉ tính trong năm 2022, Hội LHPN tỉnh Đắk Nông đã tổ chức 7 lớp tập huấn về nâng cao kiến thức khởi nghiệp, sản xuất sạch theo chuỗi giá trị bền vững trong nông nghiệp cho 420 hội viên phụ nữ. Hội còn phối hợp với các ban ngành chức năng mở các lớp tập huấn, truyền thông về vai trò của phụ nữ đối với ATTP.
Tại các cấp hội, việc tuyên truyền, vận động thực hiện ATTP thực hiện thường xuyên, bằng nhiều hình thức như lồng ghép trực tiếp thông qua các hội nghị, buổi sinh hoạt, tổ, nhóm, câu lạc bộ phụ nữ ở cộng đồng; hệ thống truyền thanh cơ sở... Chị em còn được hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình chăm sóc cây trồng, vật nuôi và chế biến thực phẩm theo hướng bảo đảm ATTP.
Lan tỏa cộng đồng
Không chỉ nâng cao nhận thức, kiến thức các hành vi bảo đảm ATTP được chị em phụ nữ áp dụng trong cuộc sống. Tại các cấp hội đã lan tỏa phong trào phụ nữ sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, tạo ra những sản phẩm sạch, bảo đảm tiêu chuẩn, bảo đảm ATTP.
Không những nâng cao trách nhiệm, đạo đức và lương tâm nghề nghiệp trong sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm, chị em cũng tăng cường vệ sinh ăn uống trong gia đình, quán ăn đường phố, bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến thực phẩm và cơ sở giết mổ động vật.
Một số cơ sở hội đã xây dựng được các mô hình ATTP phù hợp, đồng thời duy trì, nhân rộng mô hình có hiệu quả tại các địa phương như quán cơm an toàn, bếp ăn an toàn, trồng rau, quả sạch…
Trong cộng đồng doanh nghiệp đã xây dựng một số thương hiệu thực phẩm sạch. Các cấp hội phụ nữ còn tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời các vi phạm trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm để báo cơ quan chức năng có biện pháp xử lý.
Bà H’Vi khẳng định, với trách nhiệm của mình, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP. Trong đó, các cấp hội tập trung vận động chị em thay đổi những tập quán ăn uống mất vệ sinh, làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Cán bộ, hội viên, phụ nữ không những là kênh tuyên truyền rộng rãi, thiết thực mà phải là chủ thể quan trọng nhất trong vấn đề bảo đảm ATTP.