Đắk Nông chủ động phối hợp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Thực hiện Quy chế số 07-QC/TU về phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với các huyện ủy, thành ủy trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan liên quan đã triển khai thực hiện các nội dung phối hợp và đạt một số kết quả quan trọng.
Phối hợp trong công tác tham mưu
Trên cơ sở quy chế, Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các huyện ủy, thành ủy tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực (TNTC) và cải cách tư pháp; công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo. Các ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ cụ thể hoặc giải quyết các vụ việc phức tạp về nội chính và phòng, chống TNTC; chỉ đạo xử lý những vấn đề nổi lên về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, các đơn vị triển khai các kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống TNTC.
Các đơn vị tham mưu chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường nắm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, tập trung xử lý các đối tượng chủ mưu, cầm đầu xúi dục, kích động tập trung đông người khiếu kiện tại trụ sở các cơ quan đảng, chính quyền…
Các cơ quan phối hợp tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về công tác nội chính và phòng, chống TNTC bảo đảm yêu cầu theo chỉ đạo của Trung ương và tình hình thực tế tại địa phương; tham mưu chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hằng năm; chỉ đạo triển khai công tác diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện, cấp tỉnh hằng năm theo kế hoạch…
Tham mưu xử lý các vụ việc, vụ án
Các cơ quan tập trung thực hiện tốt công tác phối hợp tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế có liên quan đến địa phương và các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế mà huyện ủy, thành ủy được giao chỉ đạo, xử lý. Một số vụ việc, vụ án khác nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, liên quan đến an ninh, trật tự trên địa bàn các huyện, thành phố.
Các cơ quan, địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền trong công tác phòng chống “tham nhũng vặt”. Kết quả có 8/8 huyện ủy, thành ủy và các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống “tham nhũng vặt” phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, đơn vị.
Sau 3 năm thực hiện Đề án số 09-ĐA/TU về đấu tranh phòng, chống “tham nhũng vặt” trong hệ thống chính trị tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương đã tổ chức 177 lớp quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Đề án và các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với 15.300 lượt người tham gia. Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định đối với 255 lượt công chức, viên chức cũng được triển khai thực hiện...
Các huyện ủy, thành ủy thường xuyên cung cấp, trao đổi thông tin về cán bộ quản lý có dấu hiệu vi phạm hoặc có khiếu nại, tố cáo, phản ánh liên quan đến lĩnh vực nội chính, phòng, chống TNTC và cải cách tư pháp. Các địa phương chủ động phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác tiếp dân, đối thoại với công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo… Chủ động, tích cực phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy trong việc cho ý kiến góp ý các văn bản dự thảo tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các nội dung quan trọng về công tác nội chính, phòng, chống TNTC và cải cách tư pháp tại địa phương; chỉ đạo xử lý những vấn đề nổi cộm về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa các huyện, thành phố.
Phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát
Ban Nội chính Tỉnh ủy phối hợp với các huyện ủy, thành ủy và các cơ quan liên quan tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch và chỉ đạo rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước hằng năm. Đồng thời, Ban Nội chính Tỉnh ủy hướng dẫn các huyện, thành ủy triển khai công tác này ở địa phương; chỉ đạo giải quyết các vụ án, vụ việc sai phạm về kinh tế, tham nhũng được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra.
Qua hoạt động kiểm tra, giám sát, rà soát, các cơ quan kịp thời kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo khắc phục các hạn chế, bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy. Cùng với tăng cường quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực nhạy cảm của xã hội, dễ phát sinh TNTC; tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán Nhà nước, các đơn vị chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm...
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính, phòng chống TNTC, cải cách tư pháp trong thời gian tới, Ban Nội chính Tỉnh ủy, các huyện ủy, thành ủy tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ, toàn diện các nội dung của quy chế phối hợp. Đồng thời quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình hành động của Tỉnh ủy về công tác nội chính và phòng, chống TNTC nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tớ. Các đơn vị, địa phương tham mưu kiện toàn tổ chức bộ máy chuyên trách tham mưu, giúp việc cho ban thường vụ huyện ủy, thành ủy về lĩnh vực nội chính, phòng, chống TNTC, cải cách tư pháp ở cấp huyện, thành phố để đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.