Pháp luật

Xây dựng văn hóa giao thông ngay trong trường học

Thanh Hằng 18/04/2023 05:36

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc, cướp đi sinh mạng của nhiều học sinh. Điều này đòi hỏi sự cần thiết xây dựng văn hóa giao thông ngay trong trường học, để từ đó nâng cao văn hóa, ý thức chấp hành Luật Giao thông từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Bắt đầu từ ý thức cha mẹ học sinh

Trong thời gian qua, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ý thức chấp hành các quy định Luật Giao thông đường bộ của học sinh, phụ huynh đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng mất trật tự an toàn giao thông (ATGT) khu vực cổng trường vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng học sinh điều khiển xe phân khối lớn đến trường.

Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xuất phát từ việc học sinh điều khiển xe gắn máy (bao gồm xe gắn động cơ xăng có dung tích xy lanh dưới 50 cm3 và xe gắn động cơ điện) để lại hậu quả nghiêm trọng. Nhiều học sinh tử vong hoặc bị thương, trở thành vết thương lớn trong lòng phụ huynh, bạn bè, thầy cô.

Chị Ngô Thị Bích Lan, phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa), có con đang theo học một trường THCS trên địa bàn chia sẻ, dù nhà cách xa trường nhưng hàng ngày, vợ chồng chị đều phải dành thời gian đưa đón con đi học. Theo chị Lan, con chưa đủ tuổi nên nhận thức và kinh nghiệm khi xử lý tình huống còn hạn chế. Chính vì thế, cho con điều khiển xe máy đi học sẽ không bảo đảm an toàn, vô tình tạo áp lực tâm lý cho bố mẹ.

“Có lần cháu xin chạy xe máy đến trường như các bạn nhưng tôi không đồng ý vì sợ nguy hiểm. Theo quy định, cháu chưa đủ tuổi điều khiển xe gắn máy nên vợ chồng tôi đều dành thời gian để đưa đón cháu đến trường”, chị Lan cho hay.

hinh-2(1).jpg
Không khó bắt gặp hình ảnh học sinh điều khiển xe phân khối lớn đến trường.

Tương tự, anh Trịnh Văn Chinh, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) không yên tâm giao xe cho con điều khiển đến trường. Theo anh, ở độ tuổi THCS, các cháu có tâm lý muốn khẳng định bản thân nên không muốn bố mẹ đưa đón hoặc sử dụng xe đạp. Do các cháu chưa đủ tuổi, chưa đủ sức khỏe và không nắm vững các quy định về ATGT nên việc giao xe cho trẻ điều khiển chính là “giao trứng cho ác”.

hinh-1(1).jpg
Mô hình Cổng trường an toàn giao thông của Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, huyện Đắk Mil (Ảnh: Đặng Hiền)

Để giáo dục con mỗi ngày, trong quá trình đưa con đến trường, anh Chinh cũng thường xuyên lấy ví dụ về các vụ tai nạn liên quan đến học sinh. Đây chính là bài học, là lời nhắc nhở để các con có ý thức hơn khi tham gia giao thông.

Sự chung tay của xã hội

Hiện nay, cứ mỗi khi tan học tại khu vực các cổng trường lại trở nên lộn xộn. Để giải quyết tình trạng này, nhiều trường đã có những cách làm hay, sáng tạo, từ đó thay đổi nhận thức, hành vi của phụ huynh và học sinh. Trước đây khu vực cổng trường Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) thường xuyên xảy ra tình trạng chen lấn, mất trật tự, nhất là vào giờ tan học.

Từ thực tế này, đầu năm học 2022- 2023, Chi đoàn trường đã triển khai mô hình “Cổng trường ATGT”, thành lập 1 đội thanh niên tình nguyện, tham gia hướng dẫn học sinh, nhắc nhở phụ huynh chấp hành việc đón, đưa con em đúng khu vực.

Thầy Lê Quang Phát, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ: “Để bảo đảm trật tự, ATGT tại cổng trường, Đoàn thanh niên thị trấn Đắk Mil đã phối hợp xây dựng mô hình điểm cổng trường an toàn. Mỗi khi tan trường, đoàn viên thanh niên đều có mặt để phân luồng học sinh, đồng thời nhắc nhở phụ huynh xếp hàng ngay ngắn, không lấn chiếm lòng đường trong lúc chờ đón con”.

Mô hình Cổng trường ATGT là ý tưởng của Đoàn thanh niên thị trấn Đắk Mil nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục học sinh, phụ huynh và người dân có ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Khi thực hiện, Đoàn thị trấn Đắk Mil đã chọn 2 đơn vị để triển khai đầu tiên là Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu và Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc. Điều đặc biệt, mô hình nhận được sự hưởng ứng của học sinh và sự quan tâm, phối hợp của phụ huynh các trường.

Bà Lê Thị Mỹ Huyền, thôn 9, xã Đắk Lao (Đắk Mil) nhận xét: “Khi nhìn thấy lực lượng đoàn viên thanh niên đến nhắc nhở, sắp xếp xe, phụ huynh rất chấp hành. Mô hình này không chỉ giúp cho học sinh an toàn mà còn bảo đảm an toàn cho phụ huynh và các phương tiện tham gia giao thông khi qua khu vực cổng trường”.

Trong khi đó, thời gian qua các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Krông Nô đã chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ cho các em học sinh, hướng dẫn các em kỹ năng tham gia giao thông an toàn.

Còn cô Lương Thị Xuân Hương, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) cho rằng, hiện nay nhiều học sinh được gia đình cho sử dụng xe đạp điện, xe gắn máy để đi học. Để bảo đảm an toàn cho học sinh, đặc biệt là ý thức chấp hành các quy định giao thông, trường thường xuyên biên tập các bài tuyên truyền và phát trên loa thông qua Đội Phát thanh Măng non. Thông qua đây, học sinh có những hành vi ứng xử văn minh khi tham gia giao thông.

“Các bài tuyên truyền thường xuyên liên tục đổi mới và được Đội Phát thanh Măng non đọc trước mỗi buổi học. Bên cạnh đó, trường cũng đặt các tấm pano ngay khu vực cổng trường để phụ huynh có thể đọc mỗi ngày, từ đó sẽ phối hợp với trường trong công tác quản lý, giáo dục con em khi sử dụng phương tiện giao thông đi đến trường”, cô Hương cho hay.

Hình thành văn hóa giao thông học đường

Tai nạn giao thông là một trong số những nguyên nhân chính dẫn đến tử vong và tai nạn thương tích ở trẻ em. Để bảo đảm sự an toàn, hạn chế tối đa rủi ro cho trẻ thì cần thiết phải hình thành văn hóa giao thông cho trẻ ngay trong trường học.

hinh-3(1).jpg
Phòng CSGT Công an tỉnh phát tờ rơi, tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh

Em Trịnh Nguyễn Minh Oanh, học sinh Trường THPT Krông Nô cho rằng, tai nạn giao thông để lại hậu quả rất nặng nề, trở thành gánh nặng cho xã hội nên việc xây dựng văn hóa giao thông trong học đường là việc hết sức cần thiết.

“Khi hình thành được văn hóa giao thông, mỗi học sinh sẽ trở thành một công dân gương mẫu, chấp hành tốt các quy định giao thông, đồng thời có ý thức tự bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình và những người xung quanh. Đặc biệt, xây dựng văn hóa giao thông trong trường học, mỗi học sinh sẽ trở thành một tuyên truyền viên tích cực trong việc vận động bố mẹ, người thân và bạn bè chấp hành quy định giao thông”, em Trịnh Nguyễn Minh Oanh nêu quan điểm.

Hiện nay, giáo dục ATGT cho học sinh là một nội dung bắt buộc trong trường học. Không chỉ học sinh, cán bộ, giáo viên của các trường cũng thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng năng lực, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục ATGT.

Thanh Hằng