Thời sự Đắk Nông

Đắk Nông tinh gọn bộ máy kiểm lâm, tăng "chất thép" để giữ rừng

Phan Tuấn 17/04/2023 14:00

Tỉnh Đắk Nông đang tiến hành việc cắt giảm bộ phận gián tiếp ở các hạt Kiểm lâm cấp huyện để gia tăng nhân sự cho lực lượng trực tiếp tham gia quản lý bảo vệ rừng.

img_9392-01.jpg
Việc sáp nhập các hạt Kiểm lâm cấp huyện ở Đắk Nông sẽ tinh giảm bộ phận gián tiếp để bổ trực tiếp cho lực lượng quản lý bảo vệ rừng (Rừng ở lâm phần do Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển Đại Thành quản lý). Ảnh: Phan Tuấn

Thành lập bộ máy Kiểm lâm liên huyện

Toàn tỉnh Đắk Nông có diện tích đất rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp tương đối lớn, với hơn 329.581 ha. Trong đó, đất có rừng là hơn 248.343 ha, đất không có rừng hơn 81.174 ha. Tỉ lệ độ che phủ rừng của Đắk Nông đạt 38,15%.

Hiện nay, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành quyết định sáp nhập 8 hạt kiểm lâm cấp huyện thành 4 hạt kiểm lâm liên huyện bao gồm: Hạt Kiểm lâm Đắk Glong - Gia Nghĩa; Hạt Kiểm lâm Tuy Đức - Đắk R’lấp; Hạt Kiểm lâm Đắk Song - Đắk Mil; Hạt Kiểm lâm Krông Nô - Cư Jút.

Các hạt kiểm lâm liên huyện là đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm, thực hiện chức năng tham mưu giúp UBND cấp huyện trong công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn liên huyện, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, theo lộ trình đã được phê duyệt, Sở Nội vụ tham mưu trình UBND tỉnh quyết định thành lập các hạt kiểm lâm liên huyện và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất từ ngày 1.7.2023.

Tăng cường lực lượng giữ rừng

Hiện, 4 địa phương ít xảy ra các vụ việc vi phạm lâm luật bao gồm: Đắk R'lấp, Đắk Mil, Cư Jút và thành phố Gia Nghĩa.

Sau khi sát nhập, lực lượng Kiểm lâm ở các địa phương này sẽ hỗ trợ nhân lực cho 4 địa phương chịu nhiều áp lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng tương ứng lần lượt là Tuy Đức, Đắk Song, Krông Nô và Đắk Glong.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, sau khi sát nhập thì mô hình hoạt động của Kiểm lâm cấp huyện sẽ được tinh gọn, giảm tối đa đơn vị đầu mối trực thuộc.

Điều quan trọng nhất là sẽ giảm được số lượng lãnh đạo, công chức Kiểm lâm, kế toán, pháp chế, tạp vụ... làm việc tại văn phòng Hạt Kiểm lâm để bổ sung trực tiếp cho lực lượng quản lý bảo vệ rừng.

Bên cạnh những mặt tích cực thì sau khi sát nhập các hạt Kiểm lâm liên huyện sẽ quản lý từ 40.000 - 80.000 ha rừng và đất rừng nên sẽ chịu không ít áp lực trong giải quyết công việc.

Không chỉ có vậy, sau khi sát nhập thì một đơn vị sẽ tham mưu cho chính quyền địa phương 2 huyện trong công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp. Thế nên, các bộ phận tham mưu sẽ gặp phải không ít khó khăn trong việc thực hiện công tác chuyên môn, bảo đảm chế độ, thông tin báo cáo giữa các huyện. 

Phan Tuấn