Pháp luật

"Trăm dâu đổ đầu"... ngành Tư pháp

Thanh Hà 17/04/2023 05:05

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã tồn tại việc nhiều cơ quan, đơn vị đùn đẩy công việc cho ngành Tư pháp, khiến khối lượng công việc của ngành này tăng, làm phát sinh thời gian thực thi pháp luật.

Áp lực công việc lớn

Năm 2022, ngành Tư pháp đã thẩm định 115 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức góp ý 300 dự thảo văn bản của trung ương và địa phương.

Trong quý I/2023, có 15 dự thảo văn bản pháp luật được ngành Tư pháp thẩm định; 45 dự thảo văn bản Trung ương và của tỉnh được ngành Tư pháp góp ý.

Công tác thẩm định của các cơ quan tư pháp Đắk Nông ngày càng được chú trọng, nâng cao chất lượng. Tất cả các văn bản của HĐND, UBND tỉnh và cấp huyện khi ban hành đều được cơ quan tư pháp thẩm định, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục của pháp luật.

Việc kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được Ngành Tư pháp Đắk Nông đặc biệt quan tâm. Từ năm 2022 tới nay, có 77 văn bản được ngành Tư pháp kiểm tra.

Có 351 văn bản cấp tỉnh được ngành Tư pháp rà soát. Trong đó có nhiều văn bản được Sở Tư pháp đề nghị cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ.

Thời gian qua, Sở Tư pháp Đắk Nông đã có nhiều ý kiến, văn bản tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các vấn đề nhạy cảm về tài nguyên môi trường, đầu tư, nông nghiệp... Thống kê cho thấy, đơn vị đã có 150 văn bản góp ý và có ý kiến tại khoảng 40 cuộc họp do các cấp chính quyền tổ chức.

a1-tu-phap-1-.jpg
Hoạt động tư pháp đạt được nhiều kết quả tích cực, tăng sự hài lòng của người dân

Theo Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Nông Nguyễn Trung Hiếu, thời gian qua, ngành Tư pháp Đắk Nông đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền trong việc tham mưu, tư vấn về các vấn đề pháp lý phức tạp. Điều này giúp cho công tác điều hành, quản lý ở địa phương ngày càng tốt hơn.

Có sự cầu toàn quá mức

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười, những con số nói trên cho thấy sự nỗ lực của ngành Tư pháp Đắk Nông trong thời gian vừa qua.

Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành Tư pháp đang dần chuyển hướng từ xây dựng pháp luật sang hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng, một số cấp ủy địa phương, cơ quan chưa thực sự quan tâm đến công tác tư pháp. Một số lĩnh vực, nội dung chưa đạt được kết quả cao vì sự phối hợp của các cơ quan còn hạn chế.

Một vấn đề tỉnh Đắk Nông nhận định là còn có tình trạng đùn đẩy công việc cho ngành Tư pháp. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhiều sở, ngành chuyên môn thường xuyên có văn bản hỏi Sở Tư pháp.

Điều này không chỉ làm tăng khối lượng công việc cho Sở Tư pháp mà còn gây chậm trễ trong giải quyết các vụ việc, làm ảnh hưởng đến quyền lợi doanh nghiệp, người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười cho rằng, nguyên nhân trước tiên là do quy định của pháp luật trong một số lĩnh vực còn chồng chéo, bất cập, mâu thuẫn.

Để “an toàn”, nhiều cơ quan chuyên môn đã có văn bản xin ý kiến Sở Tư pháp. Từ đó, để có cơ sở thực thi, áp dụng pháp luật trong các tình huống.

Tại buổi làm việc tại tỉnh Đắk Nông mới đây, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, không riêng gì ở Đắk Nông, một số địa phương khác cũng có tình trạng an toàn, đùn đẩy công việc sang cho ngành Tư pháp.

a2-bo-truong-1-.jpg
Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng có nhiều địa phương còn tình trạng đùn đẩy công việc cho ngành Tư pháp

Bộ trưởng Lê Thành Long bày tỏ mong muốn lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương cần chung tay với ngành Tư pháp. Tỉnh cần có sự cộng đồng trách nhiệm để những chính sách pháp luật thực sự đi vào cuộc sống.

"Khi quyền lợi của doanh nghiệp, người dân được bảo đảm, việc kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội chắc chắn sẽ có những bước tiến rõ rệt", Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.

Thanh Hà