Công an Đắk Nông tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em
Pháp luật - Đời sống - Ngày đăng : 07:59, 16/04/2023
Theo đánh giá của Công an tỉnh Đắk Nông, thời gian gần đây, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng, với tính chất, mức độ rất nghiêm trọng, gây tâm lý bất an và bức xúc trong nhân dân. Chỉ tính riêng trong quý I năm 2023, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã xảy ra 5 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 4 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Hậu quả của các vụ xâm hại trẻ em để lại vô cùng nặng nề, làm ảnh hưởng đến tinh thần, tâm sinh lý của trẻ em.
Đáng chú ý, tại địa bàn huyện Đắk Song, trong quý I năm 2023 liên tiếp xảy ra 3 vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Mới đây nhất là vào ngày 25/3/2023, khi Bàn Tòn Phin (SN 1970), trú tại huyện Đắk Song qua nhà hàng xóm chơi, lợi dụng lúc bố mẹ cháu Lý Mùi L (SN 2014) đi làm rẫy, Phin đã có hành vi hiếp dâm cháu L. Sau đó, bố mẹ cháu L phát hiện sự việc nên đã trình báo với lực lượng Công an.
Quá trình điều tra, cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Bàn Tòn Phin về hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
Trước đó, vào ngày 23/1/2023, Nguyễn Quang Song (SN 2000), trú tại huyện Đắk Song đến nhà dì ruột ở huyện Đắk Song chơi. Lợi dụng lúc không có ai ở nhà, Song đã có hành vi hiếp dâm cháu Lê Thị T (SN 2016). Sự việc ngay sau đó đã bị gia đình cháu T phát hiện và trình báo với lực lượng Công an. Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Quang Song về hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
Thực tế cho thấy, nạn nhân và đối tượng trong các vụ án xâm hại trẻ em đều là những người thân thiết, quen biết, hàng xóm của nhau và xảy ra ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ việc xâm hại trẻ em, trong đó, các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ em chưa nhận thức đầy đủ về nguy cơ cũng như hậu quả của các hành vi xâm hại trẻ em và thiếu sự quan tâm, chăm sóc, chia sẻ về tâm tư, tình cảm đối với các em nhỏ, chủ yếu chỉ quan tâm về vật chất. Một số trường hợp xảy ra là do gia đình thiếu quản lý hoặc không được hạnh phúc nên ảnh hưởng phần nào đến tâm lý các em, khiến cho các em dễ bị dụ dỗ, sa ngã và bị lợi dụng xâm hại.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền cơ sở cũng chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi có nguy cơ xâm hại trẻ em; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa được quan tâm, chú trọng; gia đình, nhà trường và xã hội chưa làm tốt công tác giáo dục, quản lý, quan tâm đến trẻ em; công tác quản lý địa bàn, đối tượng, nắm hộ, nắm người có lúc, có nơi chưa chặt chẽ....
Thời gian nghỉ hè sắp đến, các em học sinh được nghỉ học trở về sinh sống tại gia đình, địa phương nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tội phạm và các hành vi xâm hại trẻ em. Do đó, để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm xâm hại trẻ em, góp phần kiềm chế, ngăn ngừa và làm giảm tội phạm xâm hại trẻ em trong thời gian tới, lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông đã có điện chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm như: tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung theo chỉ đạo của cấp trên và các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Công an tỉnh về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi; tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia vào công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm xâm hại trẻ em; chỉ đạo các cơ quan chức năng, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền cơ sở tăng cường công tác quản lý nhà nước, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các mâu thuẫn trong nhân dân, các hành vi bạo lực gia đình, bạo lực học đường....; tăng cường công tác tuyên truyền, làm tốt công tác quản lý, giáo dục, quan tâm đến trẻ em, nhất là ở những địa bàn có nguy cơ cao, địa bàn thường xuyên xảy ra các vụ xâm hại trẻ em.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm xâm hại trẻ em bằng những nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, nhất là tại các trường học, ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và địa bàn thường xuyên xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, để người dân, gia đình và trẻ em chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh, phát hiện, tố giác tội phạm. Công an các huyện, thành phố có kế hoạch phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền cơ sở kiểm tra, rà soát các cơ sở, hộ gia đình trông, giữ trẻ; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật...