Công dân Bỉ tố cáo Chủ tịch EC có liên quan việc mua vaccine COVID-19

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 15:53, 15/04/2023

Công dân Bỉ đã tố cáo bà von der Leyen đã qua mặt Chính phủ liên bang bằng cách trực tiếp tham gia đàm phán hợp đồng lớn về vaccine qua tin nhắn SMS với Giám đốc điều hành tập đoàn dược phẩm Pfizer.

Cong dan Bi to cao Chu tich EC co lien quan viec mua vaccine COVID-19 hinh anh 1Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen phát biểu tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Truyền thông Bỉ đưa tin Bộ Tư pháp nước này đang thụ lý vụ khiếu nại chống lại Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.

Một công dân Bỉ đã tố cáo bà von der Leyen "đã qua mặt Chính phủ liên bang trong đại dịch COVID-19, bằng cách trực tiếp tham gia đàm phán một hợp đồng lớn về vaccine qua tin nhắn SMS với Giám đốc điều hành tập đoàn dược phẩm Pfizer."

Người này cũng cáo buộc nhà lãnh đạo EC đã xóa những tin nhắn đã trao đổi với Giám đốc điều hành của Pfizer, Albert Bourla.

Khi được hỏi về vấn đề này hôm 14/4, EC chỉ cho biết cơ quan này đã đọc bài báo và không đưa ra bất kỳ bình luận nào. Chính EC đã điều phối phản ứng của các nước châu Âu đối với đại dịch.

Và cũng chính EC đã thay mặt các quốc gia thành viên ký kết hợp đồng mua trước vaccine với một số nhà sản xuất vaccine ngừa COVID-19.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Văn phòng Công tố châu Âu (EPPO) đã mở một cuộc điều tra về việc EU mua vaccine ngừa COVID-19, một động thái được cho là sẽ tập trung vào vai trò của Chủ tịch EC trong vấn đề này.

Truyền thông Đức ngày 11/4 cho biết các nhà sản xuất vaccine phòng COVID-19 đang phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện dân sự liên quan cáo buộc vaccine của họ gây ra những tổn hại cho người sử dụng.

Theo các công ty tư vấn luật, trên khắp nước Đức có ít nhất 185 vụ kiện dân sự nhằm vào các nhà sản xuất vaccine đang chờ đưa ra xét xử. Hai công ty luật ở thành phố Düsseldorf và thành phố Wiesbaden cho biết họ đang xử lý lần lượt 135 và 50 vụ kiện.

Bị đơn của các vụ kiện này là cả 4 nhà sản xuất vaccine COVID-19 lớn là BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson.

Phiên tòa đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 28/4 tại tòa án khu vực Frankfurt. Bị đơn là nhà sản xuất vaccine BioNTech có trụ sở tại thành phố Mainz, trong khi nguyên đơn là một phụ nữ.

Theo luật sư của nguyên đơn, bản thân người phụ nữ này làm việc trong ngành y tế; bà đã gặp những tổn thương về tim sau khi tiêm vaccine COVID-19 của hãng BioNTech.

Theo công ty luật ở Düsseldorf, họ đã tiếp nhận khoảng 3.000 kiến nghị của người dân, trong đó 135 kiến nghị dẫn tới đến các vụ kiện. Còn công ty luật ở Wiesbaden cho biết họ tiếp nhận 850 yêu cầu và sẽ thực hiện 50 vụ kiện. Các chuyên gia cho biết 2 công ty luật này đại diện cho phần lớn những người sẵn sàng khởi kiện các nhà sản xuất vaccine.

Hồi tháng trước, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach đã cam kết sẽ giúp đỡ những người bị tổn thương lâu dài do mắc COVID-19 hoặc do tiêm vaccine phòng COVID-19.

Bộ Y tế sẽ khởi động một chương trình chăm sóc, trong đó những người chịu hậu quả kéo dài của COVID và tổn hại do tiêm chủng sẽ được kiểm tra và chăm sóc tận tình. Hậu quả lâu dài của việc tiêm vaccine COVID-19 cũng cần được nghiên cứu và phát hiện một cách nhanh chóng hơn.

Năm 2022, Công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ đang kiện Pfizer và đối tác BioNTech (Đức) của họ vi phạm bằng sáng chế trong quá trình phát triển vaccine ngừa COVID-19, cáo buộc các công ty này sao chép công nghệ mà Moderna đã phát triển từ nhiều năm trước khi đại dịch bùng phát.

Moderna cho biết đã đệ đơn kiện Pfizer và BioNTech lên Tòa sơ thẩm liên bang ở bang Massachusetts (Mỹ) và Tòa án khu vực Dusseldorf (Đức).

Theo Giám đốc điều hành Stephane Bancel, Moderna khởi kiện để bảo vệ quyền sở hữu công nghệ mRNA mà công ty này đã đầu tư hàng tỷ USD để phát triển và được cấp bằng sáng chế từ 10 năm trước khi xảy ra COVID-19.

Moderna và Pfizer/BioNTech là 2 trong số những công ty công nghệ sinh học đầu tiên phát triển vaccine ngừa COVID-19. Tháng 12/2020, vaccine của Pfizer/BioNTech đã trở thành vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp ở nước này. Vaccine của Moderna được cấp phép 1 tuần sau đó.

Hãng Moderna cáo buộc Pfizer/BioNTech sao chép trái phép công nghệ mRNA mà Moderna đã được cấp bằng sáng chế từ năm 2010 đến năm 2016, nhiều năm trước khi COVID-19 xuất hiện và lây lan trên toàn cầu.

Trong giai đoạn đầu của đại dịch, Moderna cam kết không giữ độc quyền các sáng chế liên quan đến vaccine ngừa COVID-19 để hỗ trợ những công ty khác tự phát triển vaccine. Tuy nhiên, tháng 3 năm nay, Moderna cho biết họ mong đợi các công ty như Pfizer và BioNTech tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của hãng.

Moderna cũng cho biết sẽ không yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với bất kỳ hoạt động phát triển vaccine nào được thực hiện trước ngày 8/3 vừa qua.

Trước đó, Pfizer và BioNTech đã phải đối mặt với không ít vụ kiện từ các công ty khác cáo buộc rằng 2 công ty này vi phạm bằng sáng chế liên quan vaccine ngừa COVID-19. Pfizer/BioNTech tuyên bố sẽ bảo vệ bằng sáng chế của họ.

Bản thân công ty Moderna cũng đang bị kiện ở Mỹ vì vi phạm bằng sáng chế và đang có tranh chấp với Viện Y tế quốc gia Mỹ về quyền sở hữu công nghệ mRNA./.

(Vietnam+)

(Vietnam+)