Thu hẹp khoảng cách giới trong nông nghiệp
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 06:54, 15/04/2023
Ảnh minh họa. |
Theo báo cáo mới được FAO công bố, hơn một phần ba lực lượng lao động nữ trên thế giới đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, từ các quy trình sản xuất thực phẩm cũng như các sản phẩm nông nghiệp phi thực phẩm, cho đến các hoạt động lưu trữ, vận chuyển, chế biến và phân phối thực phẩm.
Tuy nhiên, lao động nữ trong lĩnh vực nông nghiệp hiện được trả lương thấp hơn khoảng 20% so với lao động là nam giới. Việc ít được tiếp cận kiến thức và nguồn lực hơn khiến năng suất lao động của nữ giới thấp hơn 24% so với nam giới.
FAO chỉ rõ thực trạng phổ biến ở nhiều quốc gia, khi phụ nữ chỉ được giữ vai trò "bên lề" trong hệ thống sản xuất nông nghiệp. Lao động nữ phải làm việc trong các điều kiện khó khăn hơn nam giới và đa phần chỉ được giao những công việc tạm thời, bán thời gian, không chính thức hoặc đòi hỏi tay nghề thấp.
Lao động nữ phải làm việc trong các điều kiện khó khăn hơn nam giới và đa phần chỉ được giao những công việc tạm thời, bán thời gian, không chính thức hoặc đòi hỏi tay nghề thấp.
Tỷ lệ nam giới sở hữu tài sản hoặc được bảo đảm quyền đối với đất nông nghiệp cao gấp hai lần so với nữ giới tại hơn 40% quốc gia có cung cấp dữ liệu về quyền sở hữu đất đai của nữ giới. Ở nhiều quốc gia, tốc độ cải cách khung pháp lý để bảo đảm quyền sở hữu tài sản liên quan đến canh tác nông nghiệp của nữ giới chậm ở mức đáng báo động.
Trong khi đó, theo các chuyên gia về lương thực của Liên hợp quốc, nếu được bảo đảm đầy đủ các quyền, lao động nữ trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, thực phẩm nói riêng có thể đem tới tiềm năng vô cùng lớn. Báo cáo của FAO chỉ ra rằng, các dự án nông nghiệp trao quyền cho phụ nữ mang lại những lợi ích xã hội rộng khắp.
Theo tính toán của giới chuyên gia, nếu một nửa số nhà sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ trên thế giới được hưởng lợi từ các chính sách khuyến khích trao quyền cho phụ nữ sẽ nâng cao đáng kể thu nhập của khoảng 58 triệu người, tăng khả năng phục hồi cho khoảng 235 triệu người.
Theo báo cáo, việc tạo ra môi trường bình đẳng hơn về năng suất và tiền lương trong nông nghiệp sẽ góp phần tạo thêm 1% vào tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, tương đương gần 1.000 tỷ USD, giúp khoảng 45 triệu người thoát khỏi tình trạng mất an ninh lương thực.
Những con số dự báo này đặc biệt quan trọng, nhất là trong thời điểm nạn đói toàn cầu gia tăng. Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP) ước tính, hơn 345 triệu người trên toàn thế giới đối mặt khủng hoảng về mất an ninh lương thực trong năm 2023, tăng gần 200 triệu người kể từ đầu năm 2020.
Các chuyên gia về an ninh lương thực cho rằng, hiện vẫn thiếu các nghiên cứu chuyên sâu về tác động giới trong lĩnh vực nông nghiệp và nỗ lực đẩy nhanh tiến bộ về bình đẳng giới trong các hệ thống sản xuất nông nghiệp, bao gồm thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức. Dù thừa nhận những khó khăn của lao động nữ, song chỉ 19% các chính sách về nông nghiệp hiện nay trên thế giới nêu rõ bình đẳng giới là mục tiêu cụ thể.
Các tác giả của báo cáo đưa ra khuyến nghị hành động khẩn cấp nhằm thu hẹp khoảng cách liên quan quyền tiếp cận tài sản, công nghệ và tài nguyên trong sản xuất nông nghiệp. Theo các chuyên gia, việc cải thiện năng suất của phụ nữ trong lĩnh vực nông sản, cần song hành với các biện pháp nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản của phụ nữ như gánh nặng chăm sóc gia đình và các công việc không được trả lương, quyền tiếp cận giáo dục, quyền sở hữu đất và các tài sản liên quan để phục vụ sản xuất...
Khẳng định vai trò không thể thiếu của phụ nữ trong hệ thống sản xuất nông nghiệp, Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc kêu gọi hành động để làm cho hệ thống thực phẩm nông nghiệp phù hợp hơn với phụ nữ. Theo Tổng Giám đốc FAO, nếu giải quyết hiệu quả vấn đề bất bình đẳng giới phổ biến trong các hệ thống sản xuất nông nghiệp và trao quyền cho phụ nữ, thế giới sẽ có một bước nhảy vọt trong mục tiêu giảm nghèo và sẽ không còn nạn đói.