Rệp sáp tấn công nhiều vườn cà phê của người dân Đắk Nông
Do thời tiết diễn biến bất thường, nên nhiều loại sâu hại, nhất là rệp sáp đang tấn công mạnh, đe dọa đến năng suất vườn cà phê của người dân Đắk Nông.
Rệp sáp tấn công nhiều vườn cà phê
Rệp sáp là một trong những côn trùng gây hại đáng ngại nhất trên cây cà phê. Điều đáng nói, loại rệp này lây lan nhanh, rất khó phòng trừ.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thành, ở xã Đắk R'moan, thành phố Gia Nghĩa có hơn 2ha cà phê. Những ngày này, ông Thành phải dùng nước tưới để rửa cây cà phê loại trừ rong rêu, rệp sáp.
Chưa dừng lại ở đó, ông Thành còn sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng ngừa, hỗ trợ cho cây tăng thêm sức đề kháng.
Ngoài ra, ông Thành cũng bổ sung thêm các thành phần dưỡng chất đa vi lượng. Việc này nhằm giúp cây cà phê nở hoa tốt, tỷ lệ đậu quả cao, giúp nâng cao năng suất, chất lượng cho vườn cây.
“Phòng trừ rệp sáp không thể sử dụng thuốc một lần là được mà phải căn cứ vào vòng đời của chúng. Nhất là theo dõi chu kỳ trứng. Cứ sau từ 5 – 7 ngày rệp đẻ trứng là xuất hiện rệp con. Lúc này cần phun xịt để ngăn ngừa tái xuất hiện rệp sáp tấn công vườn cây” - ông Thành cho hay.
Tượng tự, gia đình ông Phạm Trường Tam, ở bon Dăr, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức cũng có 5ha cà phê. Trong những ngày qua, rệp sáp xuất hiện dày đặc trên chùm trái non.
Theo ông Tam, rệp sáp tấn công các chùm trái non để chích hút nhựa cây. Khi bị nhiễm rệp sáp nặng, trái cà phê sẽ phát triển chậm. Nếu không diệt trừ kịp thời, chùm trái sẽ khô hỏng, ảnh hưởng đến năng suất vụ tới.
Khi vườn bị rệp sáp tấn công mạnh sẽ xuất hiện thêm lớp nấm muội đen bao phủ quanh chùm trái lẫn lá. Nó khiến cho lá giảm khả năng quang hợp, dẫn đến úa vàng và rụng hàng loạt.
Biện pháp phòng trừ rệp sáp
Theo cán bộ ngành Bảo vệ thực vật tỉnh, nếu để rệp sáp phát triển mạnh, xâm nhập vào cuống hoa, chùm trái non sẽ rất khó diệt trừ. Biện pháp phòng trừ rệp sáp gây hại trên cây cà phê luôn là yếu tố được đề cao hơn là biện pháp chữa trị.
Để phòng ngừa rệp sáp trong vườn cây, bà con nông dân cần tiến hành xử lý vệ sinh vườn kết hợp tỉa cành, tạo tán kịp thời. Ngoài tỉa cành, việc tưới nước, bón thêm phân lân, kali sẽ giúp vườn cà phê tăng tỷ lệ đậu quả, chống chịu sâu bệnh, thời tiết bất thường trong mùa khô.
Trước tình trạng trên, các đơn vị chuyên môn ở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp nhằm phòng ngừa hiệu quả rệp sáp trên vườn cà phê.
Khi mật độ rệp sáp cao có nguy cơ lây lan rộng mới cần phun toàn bộ diện tích bị nhiễm. Lúc này, bà con nông dân có thể dùng vòi nước với áp suất cao xịt mạnh làm tơ trắng bong ra, sau đó mới dùng thuốc để tăng hiệu quả cao hơn.
Bà con có thể dùng một số loại thuốc bảo vệ thực vật chuyên trừ rệp sáp. Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phải bảo đảm theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, dùng liều lượng, đúng lúc, đúng phương pháp) thì hiệu quả mới cao.