IMF: Việt Nam là một trong những điểm sáng của kinh tế thế giới

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 11:39, 14/04/2023

Theo đại diện IMF, mặc dù tốc độ sẽ chậm lại nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức rất cao, dự kiến đạt 5,8% vào năm 2023 và sau đó là 6,9% vào năm 2024.
Dây chuyền dệt may xuất khẩu.
Dây chuyền dệt may xuất khẩu.

Daniel Leigh, Trưởng bộ phận nghiên cứu, Vụ nghiên cứu Kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là một trong những tác giả của Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới năm nay.

Theo ông Daniel Leigh, nền kinh tế thế giới vẫn đang phục hồi sau đại dịch Covid-19 và cú sốc vào năm 2022, khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra.

Sang đầu năm nay, đà phục hồi đang diễn ra tốt đẹp hơn, nhưng rồi thế giới lại phải chứng kiến sự hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sỹ.

Daniel Leigh cho rằng, những yếu tố nêu trên đã làm dấy lên nhiều bất ổn đối với triển vọng kinh tế thế giới.

Theo ông, dự báo triển vọng năm nay sẽ chậm lại, từ 3,4% của năm 2022 xuống còn 2,8% vào năm 2023, trước khi dần phục hồi ở mức 3%.

Đây là khoảng thời gian đầy thách thức với kinh tế thế giới. Và một trong những thách thức lớn nhất là lạm phát vẫn còn cao dai dẳng. Các ngân hàng trung ương đang cố gắng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, điều càng khiến tăng trưởng kinh tế bị chậm lại.

Daniel Leigh đánh giá Việt Nam và phần lớn các nước thuộc châu Á là những điểm sáng của kinh tế thế giới năm nay.

Theo ông Daniel Leigh, trong một môi trường mà hầu hết kinh tế thế giới đang chậm lại, châu Á, đặc biệt là các thị trường mới nổi, đang tăng trưởng khá nhanh.

Chẳng hạn như Ấn Độ đã ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 6%, nhanh hơn nhiều so với các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi khác.

Ngoài ra, lạm phát của khu vực này cũng thấp hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới. Các ngân hàng trung ương tại châu Á đang thắt chặt chính sách để đưa lạm phát trở lại mục tiêu.

Một điểm sáng khác mà ông Daniel Leigh đề cập tới là ở các nền kinh tế phát triển, thị trường lao động vẫn còn khá chặt chẽ. Ví dụ ở Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp chỉ là 3,5%. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế Mỹ vẫn ảm đạm.

Về cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện nay ở Mỹ, châu Âu và tác động đến kinh tế châu Á, ông Daniel Leigh cho rằng đã xảy ra tình trạng căng thẳng tài chính vào tháng 3, khi một số ngân hàng khu vực ở Mỹ sụp đổ.

Về cơ bản, đây là tác động của cuộc chiến chống lạm phát. Các nhà hoạch định chính sách đã hành động rất mạnh mẽ để hạn chế căng thẳng lây lan và nỗ lực đó đạt hiệu quả tốt. Bây giờ, họ có thể tập trung trở lại vào việc giảm lạm phát.

Ông nhận định tác động của sự kiện trên đối với các quốc gia khác là tương đối hạn chế. Ví dụ ở châu Á, có rất ít ngân hàng có liên kết trực tiếp với các ngân hàng đã phá sản. Các quốc gia ở châu Á cũng không phải tăng lãi suất nhanh như ở các nền kinh tế tiên tiến vì lạm phát của họ tương đối thấp.

Tuy nhiên, về tổng thể, cuộc khủng hoảng đó vẫn gây ra ảnh hưởng tiêu cực do tăng trưởng chậm hơn ở các nền kinh tế tiên tiến sẽ làm giảm nhu cầu đối với sản phẩm của các nước khác.

Đánh giá về vai trò của kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ đối với triển vọng kinh tế toàn cầu, ông Daniel Leigh cho rằng nếu tính gộp lại thì các nước này đang tăng trưởng cao hơn mức trung bình toàn cầu.

Khi kết hợp với nhau, cả Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến đóng góp một nửa cho tổng mức tăng trưởng của thế giới năm 2023. Vì vậy, đây thực sự là một động lực và là điều mà IMF mong đợi sẽ tiếp tục. Nhưng động lực đó rồi sẽ giảm dần. Trong trung hạn, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm lại.

Daniel Leigh cho rằng, với trường hợp của Việt Nam, tăng trưởng hơn 8% vào năm 2022 là một điểm sáng của khu vực.

IMF vừa điều chỉnh dự báo tăng trưởng cho Việt Nam theo hướng tốt hơn kỳ vọng trước đó. Nguyên nhân một phần là sự phục hồi của Việt Nam sau Covid-19, một phần khác là sự chuyển hướng thương mại. Một số khoản đầu tư đang chuyển sang Việt Nam và đây cũng là một động lực cho Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Daniel Leigh cho rằng, mặc dù tốc độ sẽ chậm lại nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức rất cao, dự kiến đạt 5,8% vào năm 2023 và sau đó là 6,9% vào năm 2024.

Sự giảm tốc trên chủ yếu do các đối tác đang tăng trưởng yếu hơn. Lạm phát ở Việt Nam cũng tương đối thấp, chỉ 3,15% vào năm 2022 và sẽ tăng lên 4,3% vào năm 2024.

Ông Daniel Leigh đưa ra một số khuyến nghị để Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những quý còn lại của năm nay và 5 năm tới.

Đó là việc điều chỉnh, chống lạm phát như ở các quốc gia khác có thể gây căng thẳng trên thị trường nhà đất. Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất có tình trạng như vậy.

Quan điểm của IMF là chính sách tiền tệ cần tiếp tục tập trung vào việc kiểm soát lạm phát, chính sách tài khóa cần tiếp tục hướng tới mục tiêu hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương.

Còn về ổn định tài chính, chính phủ cần ưu tiên hỗ trợ ổn định thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp bằng các công cụ cụ thể. Nhưng điều đó không nên làm xao lãng động thái tổng thể hướng tới ổn định lạm phát.

Cuối cùng, ông Daniel Leigh bày tỏ những kỳ vọng nền kinh tế thế giới trong 5 năm tới. Đó là nền kinh tế toàn cầu sẽ dần phục hồi từ mức thấp nhất của năm 2023 này, quay trở lại mức lãi suất khoảng 3% trong trung hạn.

Kinh tế thế giới hiện đang phục hồi nhưng chưa mạnh mẽ. Một số yếu tố như sự phân mảnh địa chính trị đã hạn chế hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài ở một số quốc gia. Ngoài ra, rào cản thương mại ngày càng gia tăng cũng là một lực cản khác.

Vì vậy, IMF thực sự hy vọng có nhiều cải cách hơn để khuyến khích nguồn cung, sự tham gia của lực lượng lao động để bù đắp tình trạng thiếu hụt nhân lực, tăng cường giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng và năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn.

Ông nhấn mạnh điều quan trọng nhất là cải thiện sự hợp tác giữa các quốc gia để hạn chế tác động tiêu cực của tình trạng phân mảnh do cải cách thương mại.

Cùng với đánh giá tích cực từ IMF, nhiều tổ chức quốc tế cũng dự báo lạc quan về triển vọng của kinh tế Việt Nam.

Đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam, các chuyên gia AMRO dự báo, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP 6% trong năm 2023 và tăng lên 7,1% trong năm 2024.

Dù còn nhiều yếu tố cản trở tăng trưởng của Việt Nam, như đã thể hiện trong con số tăng trưởng yếu của quý I/2023, nhưng cũng có những lý do để lạc quan.

Tiêu dùng nội địa tiếp tục ổn định, các ngành dịch vụ mạnh mẽ hơn và chi tiêu-đầu tư công gia tăng sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay.

Tiến sĩ Hoe Ee Khor cho biết, ông vẫn rất lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam. Việt Nam là một trong những quốc gia có thành tích xuất sắc trong khu vực, đã đạt được tốc độ tăng trưởng rất cao và đang thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trước đó, ngày 13/3, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 3/2023 với chủ đề “Đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng.”

Tại lễ công bố, các chuyên gia WB nhận định tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ hạ còn 6,3% trong năm 2023, sau khi đạt mốc cao 8% vào năm trước, do tăng trưởng ở khu vực dịch vụ chững lại, giá cả và lãi suất leo thang ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và hộ gia đình.

Tuy nhiên, theo bà Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ dần được cải thiện vào quý II/2023 và 2 năm tiếp theo (2024-2025), với dự báo tăng trưởng lên mức 6,5% mỗi năm.

Cùng với sự cải thiện về tăng trưởng GDP, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2023 có thể ở mức 4,5% và sẽ giảm dần xuống mức 3,5% vào năm 2024 và 3,0% vào năm 2025. Tăng trưởng dự kiến sẽ lên 6,5% vào năm 2024 khi các nền kinh tế đang là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phục hồi.

Ngày 31/3, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố báo cáo cho thấy kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay và ở mức tương tự trong năm 2024, nhờ động lực chính là đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế tạo, nhất là điện tử, chế tạo máy, dệt may và giày dép, đồng thời được hưởng lợi sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh Covid-19.

Với tốc độ này, OECD nhận định Việt Nam tiếp tục dẫn đầu tốp 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

TTXVN