Văn hóa

80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam: Tháo điểm nghẽn của chính sách văn hóa

Trinh Nguyễn 13/04/2023 15:14

Các điểm nghẽn về thể chế cần được tháo gỡ để văn hóa thực sự trở thành một động lực cho phát triển.

Thể chế hóa tinh thần dân tộc - đại chúng - khoa học

TS Nguyễn Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ VH-TT-DL, cho rằng từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 1 (tháng 11/1946) tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 (7/1948) và Hội nghị Văn hóa toàn quốc mới nhất (11/2021) tinh thần, giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam luôn hiện hữu, chi phối nội dung các tham luận trung tâm và kết luận quan trọng. Cũng theo ông Sơn, bước đầu có thể phân chia việc thể chế hóa các văn kiện của Đảng về văn hóa thành 4 thời kỳ.

Theo TS Sơn, từ năm 1945 - 1954 là thời kỳ có đường hướng Kháng chiến hóa văn hóa - Văn hóa hóa kháng chiến. Ngay sau ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL, đặt nền móng cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Sắc lệnh thành lập quốc doanh chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam đánh dấu sự ra đời của ngành điện ảnh và nhiếp ảnh được ký vào năm 1953. Một thế hệ các nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ… ra mặt trận, trở thành "chiến sĩ trên mặt trận văn hóa".

sach1.png
Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” hiện thực hóa việc nhà nước và tư nhân cùng làm phim

TS Sơn cho rằng từ năm 1954 - 1975 là thời kỳ Tiếng hát át tiếng bom - Tiếng loa hòa tiếng súng. Trong giai đoạn này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 519-TTg quy định thể lệ về bảo tồn cổ tích vào năm 1957. Năm 1961, Ban Bí thư T.Ư Đảng ban hành Chỉ thị số 08-CT/TW về công tác văn hóa trong quần chúng. Chính phủ sau đó ra các văn bản vào năm 1961, 1962 xác định rõ việc đưa văn hóa đến quần chúng và hướng dẫn quần chúng hoạt động văn hóa. Năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu vấn đề: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, cần có con người xã hội chủ nghĩa". Hàng trăm cán bộ văn hóa được đào tạo ở nước ngoài để làm nòng cốt văn hóa nghệ thuật. Văn học nghệ thuật được sáng tạo từ thực tế cuộc sống lao động, sản xuất, chiến đấu, tiêu biểu là phong trào "Tiếng hát át tiếng bom".

Thời kỳ 1976 - 1985 là thời kỳ Bắc Nam một nước - Văn hóa một nhà. Đảng nhấn mạnh: "Phải đưa văn hóa thâm nhập cuộc sống hằng ngày của nhân dân ở cơ sở, phải đảm bảo mỗi nhà máy, công trường, nông trường, cơ quan, trường học… đều có đời sống văn hóa". Các chính sách, kế hoạch được ban hành để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa - thông tin các cấp, phong trào văn hóa quần chúng tiếp tục mở rộng.

Cũng theo TS Sơn, thời kỳ 1986 đến nay là thời kỳ đổi mới, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây cũng là thời kỳ hình thành hệ thống chính sách pháp luật về văn hóa tương đối đồng bộ, rồi sửa đổi bổ sung phù hợp tình hình mới. Mới nhất có Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết có đoạn: "Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa, về quyền tác giả và các quyền liên quan, phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn Việt Nam". Nhiều chính sách được tiếp tục thể chế hóa qua các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới như: luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung), luật Thư viện, luật Điện ảnh, luật Phòng, chống bạo lực gia đình…

sach2.png
Bác Hồ đọc bia ở Văn Miếu. Bác cũng là người ký sắc lệnh đặt nền móng cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc

Việc không chỉ của ngành văn hóa

Theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Quốc hội luôn quan niệm văn hóa là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển KT-XH; đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư phát triển đất nước. Chính vì thế, những chủ trương lớn của Đảng, xu hướng phát triển lớn của thế giới, những vấn đề bất cập, đang phát sinh trong quá trình thực hiện cần được xử lý thông qua việc thể chế hóa, tạo điều kiện cho văn hóa phát triển. Xét trong bối cảnh như vậy, để phát triển văn hóa, Quốc hội thấy có một số nhóm giải pháp quan trọng cần quan tâm.

Thứ nhất, tiếp tục tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện "Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam". Trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức, năng lực, chất lượng lập pháp của Quốc hội về văn hóa; xem văn hóa là mục tiêu, nguồn lực nội sinh, động lực đột phá của quá trình phát triển.

Thứ hai, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, quán triệt và triển khai các ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, tính toán đầy đủ yêu cầu hội nhập quốc tế. Chỉ đạo nghiên cứu, tham gia xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị con người Việt Nam; thúc đẩy "xã hội học tập" gắn với trọng dụng người thực đức, thực tài…

Thứ ba, đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát của Quốc hội trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về văn hóa; việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Thứ tư, xác định các mục tiêu văn hóa cần đạt được và đánh giá đầy đủ tác động văn hóa trước khi ban hành các chính sách, pháp luật, cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Cũng theo PGS-TS Sơn, cần tăng cường đầu tư cho văn hóa, đặc biệt là xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cũng là điều quan trọng để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự đột phá cho phát triển văn hóa đã được nêu ra trong Hội thảo Văn hóa 2022 về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa. Cần tập trung phát triển thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa, thúc đẩy lĩnh vực kinh tế sáng tạo, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa của Nhân dân ở các vùng, miền.

Trinh Nguyễn