Ngày càng nhiều người lao động ở Malaysia lo mất việc làm
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 05:10, 13/04/2023
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters/The Online Citizen)
Theo kết quả khảo sát của công ty quản lý nhân sự Randstad Malaysia, người lao động Malaysia bày tỏ lo ngại về sự ổn định tài chính và công việc trong bối cảnh nền kinh tế đang suy thoái do tái cấu trúc doanh nghiệp trên toàn thế giới, chi phí vận hành gia tăng cùng lãi suất cao.
Trong tuyên bố ngày 12/4, Randstad Malaysia cho biết có tới 60% số người tham gia khảo sát tỏ ra lo ngại về nguy cơ mất việc làm.
Randstad cho hay mặc dù 80% số người được hỏi lo lắng rằng bất ổn kinh tế sẽ ảnh hưởng đến sinh kế nhưng 86% vẫn tin tưởng mạnh mẽ vào người sử dụng lao động sẽ cung cấp sự an toàn cho mình.
Giám đốc Randstad Malaysia Fahad Naeem chia sẻ với những nhà tuyển dụng đã thực hiện các bước để hỗ trợ và hiểu nhân viên có giá trị và ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với người tìm việc.
Ông cho hay các biện pháp như cung cấp trợ cấp tạm thời cho chi phí công việc hàng ngày hoặc các khóa học hiểu biết về tài chính có thể tạo ra sự khác biệt lớn, cho phép nhân viên lập ngân sách một cách có trách nhiệm và duy trì mức độ an toàn và ổn định trong cuộc sống của người lao động.
Theo chuyên gia này, nhiều tin tức về tái cấu trúc doanh nghiệp và sa thải nhân viên trên khắp thế giới được công bố cũng khiến gia tăng mối lo ngại về ổn định việc làm và thu nhập tại Malaysia.
Kết quả cuộc khảo sát chỉ ra 65% số người được hỏi khẳng định sẽ không chấp nhận lời mời làm việc mới nếu công việc không mang lại mức tăng lương đáng kể.
Tuy nhiên, thay vì trì hoãn các quyết định nghề nghiệp cho đến khi nền kinh tế ổn định, cuộc khảo sát chỉ ra xu hướng người lao động tại quốc gia Đông Nam Á này đang tích cực tìm kiếm việc làm để duy trì khả năng chi trả cho các dịch vụ thiết yếu và theo đuổi cuộc sống mong muốn.
38% số người được hỏi cho biết đã nghỉ việc do lương thấp và 34% chia sẻ đang nghĩ đến việc từ chức để có thể tìm một công việc được trả lương cao hơn nhằm trang trải chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Đáng chú ý có tới 80% số người được hỏi nói rằng tình hình tài chính đang cản trở việc nghỉ hưu sớm theo mong muốn.
Dựa trên tình hình hiện tại của mình, 39% số người được hỏi khẳng định cần phải làm việc vượt quá tuổi nghỉ hưu tối thiểu theo luật định là 60 tuổi ở Malaysia trong khi 32% số người cho hay đang trì hoãn việc nghỉ hưu để đối phó với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng./.