Vải U Hồng bén rễ trên đất Quảng Trực
Còn khoảng một tháng nữa, vườn vải U Hồng của anh Phạm Trường Tam, bon Bu Dăr, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) bước vào thu hoạch rộ. Vụ này, anh Tam hết sức vui mừng vì vườn vải sai quả, các vựa thu mua đã sớm đặt hàng.
Là một xã biên giới còn nhiều khó khăn, Quảng Trực luôn khuyến khích người dân đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất, nhằm giúp nâng cao thu nhập, xoá đói, giảm nghèo.
Năm 2019, anh Tam được Hội Nông dân xã tư vấn, giới thiệu đi tham quan, học hỏi kỹ thuật để trồng cây vải U Hồng (hay còn gọi vải U Hồng chín sớm).
Sau khi nắm bắt được kỹ thuật, anh Tam đã đưa cây vải vào trồng xen canh trên diện tích 5 ha cà phê của gia đình. Theo anh Tam, hiện nay, giống vải U Hồng được một số hộ nông dân ở các huyện Đắk Song, Krông Nô… trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Tam cho biết: “Qua quá trình trồng, chăm sóc, tôi nhận thấy cây vải rất thích hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của Quảng Trực. Do vậy, từ vài chục cây ban đầu, đến nay, tôi đã trồng xen hết 5 ha đất của gia đình”.
Theo kinh nghiệm của anh, nhiệt độ thích hợp để cây vải ra hoa, đậu quả là từ 15 – 17 độ C. Do đó, nền nhiệt độ của Quảng Trực là khá phù hợp.
Trong trường hợp gặp thời tiết nắng nóng hoặc chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao, việc áp dụng biện pháp điều chỉnh sinh thái vườn, làm mát cho vườn vải cũng tương đối dễ dàng.
Cũng theo anh Tam, cây vải trồng trên đất Đắk Nông có nhiều ưu thế. Trong đó, phải kể đến là cây vải cho thu hoạch vào đầu tháng 5 dương lịch và kéo dài khoảng 1 tháng.
Khi vườn vải của gia đình anh thu hoạch xong, các vùng trồng vải ở các tỉnh phía Bắc mới thu hoạch, nên giá bán thường ở mức cao, dễ tiêu thụ.
Với diện tích trồng xen canh hiện nay, dự kiến vụ vải năm nay anh Tam sẽ thu hoạch từ 4 – 5 tấn quả. Giá vải đầu vụ các năm thường giao động từ 35.000 – 45.000 đồng/kg. Mức giá này cũng mang lại cho gia đình một khoản thu không nhỏ.
“Đây là năm đầu tiên thu hoạch nên sản lượng còn thấp. Các năm tiếp theo, sản lượng vải sẽ tăng lên. Để trái vải đạt chất lượng, tôi chăm sóc vườn vải theo hướng an toàn, hữu cơ. Các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tôi chủ yếu sử dụng loại sinh học. Các kiến thức này, tôi tiếp thu từ các lớp tập huấn do ngành Nông nghiệp huyện tổ chức", anh Tam cho biết thêm.
Ngoài ra, để vườn cây nuôi quả trong mùa khô, cứ 10 ngày anh tiến hành tưới một lần, tưới vừa phải, chủ yếu là giữ ẩm cho cây. Về đầu tư chăm sóc, theo anh Tam, mức chi phí cho cây vải thấp hơn so với cây cà phê, hồ tiêu.
Điều quan trọng là người trồng vải phải nắm bắt căn bản kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, tưới nước, xử lý cho cây ra hoa, đậu quả…
Theo ông Nguyễn Trọng Trung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Trực, hiện nay, bà con nông dân trên địa bàn đang có xu hướng mở rộng diện tích cây ăn quả. Trong đó, anh Phạm Trường Tam là người đầu tiên đưa cây vải U Hồng về trồng tại địa phương và cho thấy hiệu quả.
Qua đánh giá, mô hình vải của gia đình anh Tam bước đầu mang lại hiệu quả về năng suất, chất lượng, tiêu thụ tốt. Hội Nông dân xã đang phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện tổ chức các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc cây ăn quả cho các hội viên, nông dân, trong đó có vải U Hồng.
Địa phương cũng đang xây dựng kế hoạch chọn vườn vải của anh Tam để tổ chức hội thảo đầu bờ. Qua đó, xã có biện pháp kiểm soát diện tích cây trồng mới này, giúp địa phương phát triển cân đối, gắn với nhu cầu thị trường.