VCCI mong muốn doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục nhận được hỗ trợ trong hội nhập quốc tế

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 21:04, 12/04/2023

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công mong muốn các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, đầu tư, chắp mối và giới thiệu các đối tác tiềm năng để mở rộng thị trường; hỗ trợ trong dự báo tình hình kinh tế-xã hội các địa bàn, xử lý các tranh chấp kinh tế quốc tế.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại cuộc gặp gỡ.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại cuộc gặp gỡ.

Thông tin trên được đưa ra trong buổi gặp gỡ giữa các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và doanh nghiệp do VCCI tổ chức chiều 12/4 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu dẫn đầu đoàn trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026 làm việc với lãnh đạo VCCI, lãnh đạo các hiệp hội và đại diện cộng đồng doanh nghiệp.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, hiện Việt Nam có khoảng gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động; có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã mạnh dạn, tạo được đột phá trong sản xuất kinh doanh vươn xa ra thị trường quốc tế.

Theo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, chúng ta phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp hoạt động với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam đang suy giảm, trong 3 tháng đầu năm đã có tới 51.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong khi chỉ có 37.900 doanh nghiệp thành lập mới hoặc quay lại thị trường, nhiều doanh nghiệp cho rằng khó có sự tăng trưởng trong thời gian tới...

VCCI mong muốn doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục nhận được hỗ trợ trong hội nhập quốc tế ảnh 1

Quang cảnh buổi gặp gỡ các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.

Do đó, Chủ tịch VCCI mong muốn các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, đầu tư, chắp mối và giới thiệu các đối tác tiềm năng để mở rộng thị trường. Trong đó, hỗ trợ dự báo tình hình kinh tế, xã hội các địa bàn và hỗ trợ trong xử lý các tranh chấp kinh tế quốc tế, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ ở Việt Nam và tại nước ngoài; giới thiệu cho các doanh nghiệp tại nước ngoài về khảo sát đầu tư kinh doanh tại Việt Nam (đặc biệt trong một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao…).

Chủ tịch VCCI cũng cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ đồng hành của Bộ Ngoại giao nói chung và của các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nói riêng đối với hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam và của VCCI. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp trong nước rất mong muốn được tiếp cận và kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu đầu tư tại Việt Nam và được đồng hành trong các chương trình hội thảo xúc tiến, giới thiệu về môi trường đầu tư Việt Nam tại nước ngoài...

Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết, đoàn các Đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026 gồm 16 cán bộ được bổ nhiệm tại các địa bàn ở Đông Nam Á, châu Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Phi. Đây là các cán bộ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại, ngoại giao kinh tế.

Trước khi đoàn lên đường nhận nhiệm vụ, Bộ Ngoại giao đã tổ chức cho đoàn trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài làm việc với các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp chủ chốt. Mục đích nhằm nắm bắt tình hình và nhu cầu trong nước, thiết lập kênh trao đổi thông tin, qua đó giúp các đại sứ, tổng lãnh sự trong xây dựng các chương trình, kế hoạch đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp khi nhận nhiệm vụ tại nước ngoài.

VCCI mong muốn doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục nhận được hỗ trợ trong hội nhập quốc tế ảnh 2

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho rằng, phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu, các nước phát triển đẩy nhanh việc thực thi, áp dụng các tiêu chuẩn, tiêu chí mới về thương mại, đầu tư quốc tế, gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các tiêu chuẩn xã hội (như cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới sẽ được EU triển khai thí điểm từ đầu tháng 10/2023, các quốc gia thành viên OECD triển khai thuế tối thiểu toàn cầu từ đầu năm 2024; hay như Mỹ, EU, Nhật Bản tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn lao động đối với các mặt hàng xuất khẩu).

Năm 2023 và các năm tới, kinh tế thế giới dự báo khó khăn hơn do tác động cộng hưởng của những diễn biến phức tạp về chính trị, kinh tế, an ninh và kinh tế toàn cầu chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch. Trong dài hạn, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo về rủi ro tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 sẽ chậm lại so với giai đoạn 2010-2019, xuất hiện thêm một số bất ổn, rủi ro về tài chính-ngân hàng ở Mỹ, EU.

Do đó, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh, bối cảnh này đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng mang lại cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta phải xác định "biến nguy thành cơ". Để triển khai nhiệm vụ đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Ngoại giao và các Đại sứ, trưởng cơ quan đại diện nhận thức rõ về trách nhiệm, vai trò của mình và mong muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước và doanh nghiệp.

VCCI mong muốn doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục nhận được hỗ trợ trong hội nhập quốc tế ảnh 3

Các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026.

Trong không khí thân tình, cởi mở, các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026 cũng đã thông tin về tình hình địa bàn mình chuẩn bị phụ trách, đặc biệt là các cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp Việt Nam, và trao đổi một số kinh nghiệm trong công tác phối hợp giữa các Cơ quan đại diện của Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp.

Ngoài ra, kiến nghị cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu thị trường thông qua kết nối tới VCCI cũng như các cơ quan đại diện, hệ thống thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài, trên cơ sở đó nắm bắt tiếp cận các thị trường khó nhưng còn rất nhiều tiềm năng, như Trung Đông, châu Phi, Trung và Nam Mỹ.

Lãnh đạo các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp tham dự buổi gặp mặt cũng đã nêu lên một số khó khăn vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải, cùng các đề xuất tháo gỡ. Trong đó, mong muốn các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trở thành địa chỉ tin cậy tiếp nhận, sàng lọc thông tin, cầu nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác sở tại, quốc tế; tìm kiếm, giới thiệu cho doanh nghiệp các nhà nhập khẩu, hệ thống lưu thông, phân phối các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam tại thị trường sở tại…

Sau buổi làm việc, các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp đã tiếp tục có những cuộc trao đổi cụ thể về các vấn đề cần thúc đẩy, hợp tác trong thời gian tới.

MINH DŨNG