Tình trạng vỡ nợ của các quốc gia tăng đáng kể từ năm 2020
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 20:10, 12/04/2023
Người dân xếp hàng chờ mua dầu hỏa tại Colombo (Sri Lanka) hồi năm ngoái. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo báo cáo mới nhất của cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, tình trạng vỡ nợ của các quốc gia đã tăng đáng kể từ năm 2020 đến nay, trong đó gánh nặng nợ liên tục gia tăng và các trường hợp khẩn cấp bất ngờ là nhân tố then chốt khiến tỷ lệ vỡ nợ tăng.
Báo cáo cho biết từ năm 2020 đến quý 1 năm 2023 đã xảy ra 14 vụ vỡ nợ liên quan đến 9 quốc gia bao gồm Belarus, Liban¸ Ghana, Sri Lanka, Zambia, Argentina, Ecuador, Suriname và Ukraine. Trước đó, giai đoạn từ 2000-2019 chỉ xảy ra 19 vụ vỡ nợ liên quan đến 13 quốc gia.
Fitch Ratings nhấn mạnh các quốc gia vỡ nợ từ năm 2020 đến nay tốn nhiều thời gian hơn để tái cấu trúc nợ, thời gian vỡ nợ kéo dài của những nước này trung bình là 107 ngày, cao hơn 35 ngày so với mức trung bình của năm 2020. Có 5 quốc gia chưa trả được nợ và 13 nước thị trường mới nổi bị xếp hạng tín nhiệm mức CCC+ hoặc thấp hơn.
Theo báo cáo, môi trường tài chính và kinh tế vĩ mô toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là đối với các quốc gia bị xếp hạng tín nhiệm thấp. Nhiều quốc gia có chủ quyền bị xếp hạng tín nhiệm mức CCC+ đồng nghĩa nguy cơ vỡ nợ cao.
Vào đầu năm nay, đánh giá xếp hạng tín nhiệm trung bình của các nước thị trường mới nổi rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử là BB-. Tổng cộng 13 quốc gia bị xếp hạng tín nhiệm ở mức CCC+ hoặc thấp hơn, chiếm 16% các nước thị trường mới nổi, trong đó Argentina ở mức C, El Salvador và Ukraine ở mức CC, Ethiopia và Pakistan mức CCC-, Congo, Mozambique và Tunisia CCC+.
Fitch Ratings chỉ rõ gánh nặng nợ của chính phủ liên tục tăng trong 10 năm qua, trong đó đồng USD mạnh lên đã gây cú sốc nghiêm trọng đối với các nước thị trường mới nổi vay mượn nhiều ngoại tệ.
Trong số các quốc gia được xếp hạng tín nhiệm, tỷ lệ nợ trung bình của chính phủ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng đều đặn từ 31% năm 2008 lên 48% trước COVID-19 và tăng mạnh lên 60% vào cuối năm 2020, sau đó giảm xuống còn 56% vào cuối năm 2022, liên quan đến lạm phát.
Điều này phần nào phản ánh các quốc gia có nền tảng tín dụng tương đối yếu đã dựa vào thị trường trái phiếu châu Âu và Trung Quốc để vay nhiều hơn trong những năm gần đây.
Bên cạnh nợ chính phủ liên tục tăng trong 10 năm qua, các quốc gia có sức bền tương đối thấp rất khó ứng phó với một loạt tình huống bất ngờ, bao gồm cú sốc nghiêm trọng do đại dịch COVID-19, tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với giá thực phẩm và năng lượng, lạm phát toàn cầu và chính sách tiền tệ thắt chặt đột ngột./.