Việt Nam-Pháp: Mối quan hệ tích lũy quan trọng cả về lượng và chất
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 09:31, 12/04/2023
Tổng thống Emmanuel Macron đón và hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Cộng hòa Pháp (Paris, 27/3/2018). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về mối quan hệ đặc biệt này.
- Thưa Đại sứ, năm 2023 là năm đặc biệt quan trọng khi Việt Nam và Pháp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược. Xin Đại sứ đánh giá tổng thể về chặng đường nửa thế kỷ hợp tác này.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: 50 năm qua, quan hệ Việt Nam-Pháp đã phát triển hết sức mạnh mẽ, vừa phát huy được mối quan hệ hữu nghị truyền thống với những gắn kết sâu sắc về lịch sử, văn hóa và sự thân thiết, gần gũi giữa nhân dân hai nước, vừa đưa những mối hợp tác đa dạng, đa lĩnh vực giữa hai nước ngày càng thắt chặt và phát triển toàn diện, đồng thời tạo thêm những mối gắn kết mới hiệu quả và thiết thực.
Hai nước ngày nay trở thành những đối tác đồng hành tin cậy của nhau. Pháp luôn là một trong các đối tác hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu cũng như trên thế giới.
Pháp coi trọng vị trí của Việt Nam tại khu vực cũng như trong các chiến lược, chính sách mà Pháp đã và đang triển khai tại Đông Nam Á và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp từ khi được thiết lập cũng đã nhanh chóng phát huy nền tảng hợp tác song phương để có những bước triển khai cụ thể, đa dạng trên các lĩnh vực then chốt.
Hai nước duy trì nhiều cơ chế trao đổi thường xuyên về cả chính trị, kinh tế, quốc phòng. Hàng loạt các thỏa thuận, hiệp định được ký kết làm cơ sở pháp lý cho hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên.
Tần suất trao đổi đoàn cũng như tiếp xúc bên lề các hội nghị quốc tế giữa lãnh đạo cấp cao hai nước trong thời gian qua thể hiện quan hệ chính trị khăng khít giữa hai nước.
Hợp tác kinh tế cũng đạt nhiều dấu ấn. Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương vốn viện trợ chính thức (ODA) hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á với tổng số vốn cam kết lên đến 18,4 tỷ USD tính từ năm 1993.
Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng hơn 3 lần từ khoảng 1,6 tỷ USD vào năm 2009 lên 5,3 tỷ USD vào năm 2019. Đã và đang có hơn 300 doanh nghiệp Pháp hoạt động trong rất nhiều ngành, lĩnh vực tại Việt Nam, nhưng đồng thời cũng đang có những doanh nghiệp tiên phong của Việt Nam triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Pháp.
Hai nước có nhiều chương trình trao đổi và hợp tác đào tạo đại học và sau đại học phong phú, đa dạng với hàng trăm thỏa thuận đã được ký kết giữa các trường đại học và trung tâm nghiên cứu.
Hiện có khoảng 7.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Pháp. Hợp tác y tế đã trở thành lĩnh vực chủ chốt với số lượng 30 hội hợp tác y học Pháp-Việt tập hợp theo chuyên khoa hoặc theo địa bàn các địa phương, trao đổi hợp tác thường xuyên.
Quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai nước cũng được mở rộng với sự tham gia của 24 địa phương của Pháp và 33 tỉnh, thành của Việt Nam và Hội nghị lần thứ 12 được tổ chức tại Hà Nội từ 13-16/4/2023 là minh chứng cho sức sống của quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai nước.
- Theo Đại sứ, đâu là những điểm mạnh và điểm cần thúc đẩy hơn nữa trong mối quan hệ Pháp-Việt?
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Trong giai đoạn hiện nay, hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường quan hệ. Như trên đã thấy quan hệ Việt Nam-Pháp là một sự tích lũy quan trọng cả về lượng cũng như về chất. Hệ thống đối tác hết sức phong phú và trải đều trên tất cả các cấp, từ trung ương đến địa phương, từ bộ/ngành đến doanh nghiệp, từ hội đoàn đến các thiết chế văn hóa-giáo dục.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)
Những kết quả tích cực đạt được và những nội hàm phong phú cùng các nhận thức chung giữa hai nước về tầm nhìn của mối quan hệ thông qua mối quan hệ đối tác chiến lược đang là những nền tảng quan trọng cho các đối tác hai bên tiếp tục đưa các kết nối của mình phát triển sâu rộng hơn.
Các chính sách đối ngoại của hai nước cũng đang có điểm giao thoa quan trọng. Pháp tiếp tục là nước nòng cốt tại châu Âu, tích cực triển khai chính sách năng động và toàn diện hướng tới khu vực ở châu Á-Thái Bình Dương.
Liên minh châu Âu (EU), một khuôn khổ hành động quan trọng của Pháp, cũng ngày càng quan tâm và có nhiều biện pháp mạnh mẽ để tăng cường sự hiện diện cũng như các mối quan hệ đối tác tại đây.
Vị thế địa kinh tế, địa chính trị của Việt Nam đang được nâng cao, Việt Nam có chỗ đứng đáng kể trong ASEAN và trong các cơ chế hợp tác tại châu Á-Thái Bình Dương.
Với chính sách hội nhập chủ động, tích cực và với các thành tựu phát triển, tiềm năng tăng trưởng, vị trí địa kinh tế rất hấp dẫn, Việt Nam đang là điểm sáng thu hút các đối tác. Nền kinh tế Việt Nam và Pháp có tính bổ sung cho nhau cao.
Bên cạnh những thuận lợi đó, những năm dịch bệnh rồi sau đó là các biến động địa chính trị và khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, khu vực hiện nay đang tác động không nhỏ đến nguồn lực và chính sách.
Sự chuyển dịch mạnh mẽ và các vấn đề đặt ra cho chuỗi cung ứng cũng đang đòi hỏi các doanh nghiệp, đối tác phải thi hành các chiến lược thích ứng khác nhau.
Đứng trước những thách thức mới đặt ra trong bối cảnh cả hai nước đều đang tập trung nỗ lực phục hồi kinh tế đi đôi với đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng và phát triển của mình, các đối tác hai bên cần nỗ lực và có các biện pháp nhanh chóng để có hướng đi đáp ứng được các yêu cầu mới của cả Việt Nam và Pháp đang đặt ra ngày càng khẩn trương hơn và đa dạng hơn.
- Theo Đại sứ, Việt Nam và Pháp cần làm gì để phát huy thế mạnh và khắc phục các hạn chế?
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Nhiệm vụ đặt ra là các cơ quan chức năng và các đối tác của hai bên làm thế nào để phát huy được những kết quả và nền tảng quan hệ đã đạt được cũng như triển khai một cách hiệu quả các định hướng mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra, nhằm đưa hợp tác Việt Nam-Pháp ngày càng đi vào chiều sâu, ngày càng chặt chẽ hơn và nhất là đáp ứng được yêu cầu của cả hai nước trong giai đoạn phát triển hiện nay.
Các cơ chế điều phối hợp tác giữa hai bên cũng cần hoạt động hiệu quả hơn để có thể định hướng và hỗ trợ các đối tác hai bên mở rộng hợp tác và thực hiện tốt các chương trình, dự án liên quan. Trên nhiều lĩnh vực then chốt cần có những chương trình và kế hoạch rất cụ thể.
Về đầu tư, cần có giải pháp để thu hút các doanh nghiệp Pháp đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực thế mạnh và phù hợp với định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam như công nghệ cao, các lĩnh vực kinh tế và chuyển đổi số, y tế và dược phẩm, công nghiệp truyền thống như sản xuất xe hơi, chế tạo lốp xe, bảo dưỡng máy bay dân dụng, khí phụ trợ; năng lượng tái tạo, xây dựng hạ tầng, giao thông công cộng, sân bay, cảng biển, phát triển nông nghiệp chất lượng cao và chế biến lương thực thực phẩm, các ngành liên quan đến môi trường.
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đang tạo cơ hội lớn cho hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Pháp.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động đổi mới sản xuất để đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng, theo kịp xu hướng phát triển của thị trường châu Âu và Pháp.
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn-ga Hà Nội) vay vốn ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) và Chính phủ Pháp (DGT), được công ty Systra của Pháp tư vấn thiết kế. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Các doanh nghiệp Pháp cũng cần các chiến lược bài bản hơn, dành nhiều nguồn lực hơn để phát huy được sự hiện diện tại thị trường Việt Nam và tranh thủ thị trường Việt Nam để vươn ra khu vực.
Đầu tư vào giới trẻ, vào hợp tác giáo dục-đào tạo, tận dụng và phát huy khả năng sáng tạo của nguồn lực trẻ, giàu trí thức là cần thiết và nên là hướng phát triển của cả hai nước Việt Nam và Pháp.
Giới trẻ hai nước hiện nay, trong đó có các trí thức trẻ trong cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, đang có những tìm tòi, đổi mới hình thức giao lưu để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tạo sức hấp dẫn mới, ý tưởng mới để từ đó phát triển thành các chương trình, dự án hợp tác.
Hai nước cần khuyến khích, tạo động lực để giới trẻ đổi mới cách tiếp cận và triển khai hợp tác cũng như đặt niềm tin vào họ để đưa quan hệ hai bên gắn kết một cách toàn diện, đáp ứng được lợi ích của hai nước trong một thế giới đang có những chuyển biến nhanh chóng.
- Đại sứ nhận định ra sao về triển vọng và cơ hội hợp tác song phương trong thời gian tới?
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Có thể nói chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội để đưa hợp tác Việt Nam-Pháp lên tầm cao mới trong những năm tới và những thập kỷ tới. Chúng ta đã có 5 thập kỷ hết sức sống động của quan hệ ngoại giao Việt-Pháp và 1 thập kỷ đầy năng động của đối tác chiến lược giữa hai nước.
Sự quyết tâm của lãnh đạo, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, sự tích cực của các đối tác trên mọi lĩnh vực đang cho chúng ta niềm tin vào sự phát triển sâu rộng và hiệu quả của quan hệ Việt Nam-Pháp trong tương lai.
Mối quan hệ đó sẽ giúp cả hai nước tiếp tục xây dựng sức mạnh và chỗ đứng của mình trong một thế giới đang có nhiều biến động nhưng rất cần các mối hợp tác tăng cường để cùng ứng phó với các thách thức chung về phát triển và ổn định.
Hai nước cũng hoàn toàn có thể phát huy hợp tác để góp phần làm trụ đỡ cho quan hệ giữa hai châu lục Á và Âu, giữa ASEAN và EU với những tiềm năng còn chưa khai thác hết, góp phần xây dựng một thế giới hợp tác và hòa bình.
- Trân trọng cảm ơn Đại sứ./.
Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam ra sân bay Gia Lâm đón Tổng Bí thư Georges Marchais dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp sang thăm Việt Nam (Hà Nội, 10/11/1973). (Ảnh: TTXVN)
Sáng 12/11/1973, Tổng Bí thư Georges Marchais cùng Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp đến xem xác máy bay B.52 của Mỹ bị quân và dân Hà Nội bắn rơi đêm 26/12/1972. (Ảnh: TTXVN)
Trong 2 ngày 13-14/11/1973, Tổng Bí thư Georges Marchais cùng Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp thăm khu vực Vĩnh Linh. (Ảnh: TTXVN)
Chiều 25/4/1977, tại Paris, Thủ tướng Pháp Raymond Barre mở tiệc chiêu đãi trọng thể Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm chính thức Cộng hòa Pháp. (Ảnh: Thế Trung/TTXVN)
Ngày 27/4/1977, tại Bộ Ngoại giao Pháp, Bộ trưởng phụ trách công tác Dầu mỏ và Khí đốt Đinh Đức Thiện và Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Louis de Guiringaud ký các Hiệp định hợp tác kinh tế và công nghiệp, Hiệp định hợp tác văn hóa, khoa học và kỹ thuật giữa Việt Nam - Pháp. Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Pháp Raymond Barre chứng kiến lễ ký. (Ảnh: Thế Trung/ TTXVN)
Ngày 6/12/1978, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Michel Combal trình quốc thư lên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ. (Ảnh: Thế Trung/TTXVN)
Sáng 22/8/1985, tại Hải Phòng, ông Patrick Amiot, đại diện lâm thời Cộng hòa Pháp tại Việt Nam thay mặt Chính phủ Pháp trao tượng trưng 5110 tấn bột mì của Chính phủ Pháp giúp nhân dân Việt Nam. Ông Phạm Xuân Hương, đại diện Bộ lương thực tiếp nhận. (Ảnh: Nguyễn Thụ/TTXVN)
Ngày 7/12/1988, tại Phủ Chủ tịch, đồng chí Đỗ Mười, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch HĐBT tiếp thân mật đồng chí Gaston Plissonnier, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Pháp. (Ảnh: Kim Hùng/TTXVN)
Ngày 7/12/1988, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp tiếp thân mật đồng chí Gaston Plissonnier, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Pháp. (Ảnh: Kim Hùng/TTXVN)
Chiều 10/2/1992, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand đến thăm hầm De Castrie ở Điện Biên Phủ trong chuyến thăm hữu nghị Việt Nam. (Ảnh: Trung Dung/TTXVN)
Đồng chí Hồng Hà, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương hội đàm với đồng chí Gaston Plissonnier, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp thăm Việt Nam (Hà Nội, 24/2/1992). (Ảnh: Xuân Lâm /TTXVN)
Tổng Bí thư Đỗ Mười tiếp Tổng thống Pháp Francois Mitterrand thăm hữu nghị Việt Nam (Hà Nội, 9/2/1993). (Ảnh: Kim Hùng/TTXVN)
Tổng thống Francois Mitterrand tiếp Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ 23 đến 28/6/1993 (Paris, 25/6/1993). ( Ảnh: Minh Đạo/TTXVN)h
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước Đỗ Quốc Sam và Bộ trưởng Tài chính Pháp Edmond Alphandéry ký Nghị định thư tài chính 1993 giữa 2 chính phủ hai nước, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải (Paris, 8/11/1993). (Ảnh: Kim Hùng/TTXVN)
Ngày 10/5/1995, Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm phân xưởng lắp ráp máy bay của hãng chế tạo máy bay lên thẳng Eurocopter tại thành phố Marseille, trong chuyến thăm chính thức Cộng hoà Pháp. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Tổng Bí thư Đỗ Mười tiếp Tổng thống Pháp Jacques Chirac thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Pháp ngữ tại Hà Nội (12/11/1997). (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Tổng thống Jacques Chirac tiếp Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức Cộng hoà Pháp (Paris, 1/4/1998). (Ảnh: Kim Hùng/TTXVN)
Tổng thống Jacques Chirac hội đàm với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ 21/5 đến 25/5/2000. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Đại diện Tập đoàn Airbus tặng Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mô hình chiếc máy bay A340 khi Tổng Bí thư và đoàn Việt Nam đến thăm trụ sở Tập đoàn ở thành phố Toulouse, trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ 21/5 đến 25/5/2000. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Ngày 28/10/2002, tại Điện Élysée ở thủ đô Paris, Tổng thống Pháp Jacques Chirac trao tặng Huân chương Bắc Đẩu bội tinh hạng Nhất của Nhà nước Pháp cho Chủ tịch nước Trần Đức Lương. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Chủ tịch nước Trần Đức Lương chủ trì Lễ đón Tổng thống Pháp Jacques Chirac thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Á-Âu lần thứ 5 (ASEM 5), từ ngày 6-8/10/2004. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Tổng thống Pháp Jacques Chirac gặp gỡ học sinh, sinh viên biết tiếng Pháp tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội), trong chuyến thăm chính thức Việt Nam (7/10/2004). (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Tổng thống Jacques Chirac đón Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm chính thức Cộng hòa Pháp (Paris, 7/6/2005). (Ảnh: Xuân Tuân/TTXVN)
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Đại sứ quán Pháp ký kết khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 1 triệu Euro của Pháp giúp Việt Nam thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật “Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tăng cường năng lực quản lý, giám sát cho lĩnh vực tài chính vi mô tại Việt Nam (Hà Nội, 13/12/2011). (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Lễ đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Cộng hoà Pháp từ 24-26/9/2013 được tổ chức trọng thể tại Điện Invalides (Paris, 24/9/2013). (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Trong chuyến thăm chính thức Cộng hoà Pháp từ ngày 24-26/9/2013, ngày 25/9, tại Paris, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Jean-Marc Ayrault ký Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Chuyên gia Pháp và bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chẩn đoán hình ảnh của người bệnh trong khuôn khổ khóa đào tạo “Tăng cường năng lực chẩn đoán, điều trị bệnh lý tĩnh mạch và các bệnh về tĩnh mạch (Hà Nội, 21/11/2013). (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Lễ ký kết Thỏa thuận thu xếp tài chính mua máy bay giữa Hãng hàng không VietjetAir và Ngân hàng BNP Paribas của Pháp (Thành phố Hồ Chí Minh, 23/12/2013). (Nguồn: TTXVN phát)
Du khách Pháp đi xích lô tham quan thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Hội nghị trao đổi chuyên môn về Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Pháp (Hà Nội, 19/11/2015). (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Pháp luôn coi giáo dục-đào tạo là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động hợp tác tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào việc giảng dạy và phát triển tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực ở bậc đại học, sau đại học trong nhiều lĩnh vực, như quản lý kinh tế, ngân hàng, tài chính, luật, công nghệ mới… Ảnh: Nghiên cứu khoa học tại Phòng thí nghiệm của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (còn được gọi là Đại học Việt Pháp). (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Tháng 10/2010, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội do Pháp tài trợ (còn được gọi là Đại học Việt Pháp) đã khai giảng khóa học đầu tiên. Đây là một trong bốn trường đại học đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đón và hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Pháp Claude Bartolone thăm chính thức Việt Nam (Hà Nội, 18/3/2016). (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Công ty trách nhiệm hữu hạn Neo Optical (vốn đầu tư của Pháp) ở thị trấn Neo, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang chuyên gia công sản phẩm trong lĩnh vực kính mắt xuất khẩu, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch chủ trì lễ đón Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian thăm chính thức Việt Nam (Hà Nội, 6/6/2016). (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Tổng thống Pháp Francois Hollande đi bộ tham quan phố cổ Hà Nội trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, chiều 6/9/2016. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Tổng thống Pháp Francois Hollande gặp gỡ du khách quốc tế tại khu vực phố cổ Hà Nội trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, chiều 6/9/2016. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì lễ đón Tổng thống Pháp Francois Hollande thăm chính thức Việt Nam từ ngày 5-7/9/2016. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Đoàn đại biểu Quỹ Urgo Foundation (Tập đoàn URGO của Pháp) thăm các bệnh nhi mắc bệnh lý EB (Ly thượng bì bóng nước) tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh, 6/9/2016). (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)
Novotel Phu Quoc Resort chính thức khai trương từ 18/1/2016 và trở thành khách sạn có thương hiệu quốc tế lớn nhất trên “Đảo Ngọc” Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, đồng thời cũng là khách sạn lớn nhất trong hệ thống do Tập đoàn Accor (Pháp) quản lý tại Việt Nam. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Học sinh Trường Quốc tế Pháp Alexandre Yersin (quận Long Biên, Hà Nội) tặng Thủ tướng Pháp Édouard Philippe chiếc áo thể thao nhân dịp Thủ tướng đến thăm và cắt băng khánh thành trường ngày 3/11/2018. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều 3/11/2018, Thủ tướng Pháp Édouard Philippe đến thăm khu di tích Đồi A1 tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng Pháp Édouard Philippe thăm ao cá Bác Hồ tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (2/11/2018). (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái và Giám đốc Cơ quan Phòng chống tham nhũng Pháp Charles Duchanie ký kết thoả thuận hợp tác (Hà Nội, 15/1/2018). (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Pháp Francois de Rugy chứng kiến lễ ký Hợp đồng sửa chữa, đại tu động cơ giữa Việt Nam Airlines với Air France và Công ty Kỹ thuật máy bay Air France Industry, trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp (Paris, 26/3/2018). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp bà Raymonde Dien - đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, một biểu tượng của tinh thần chống cuộc chiến phi nghĩa do thực dân Pháp tiến hành ở Việt Nam, tại Tòa thị chính Choisy Le Roi nhân chuyến thăm chính thức Cộng hoà Pháp, ngày 26/3/2018. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng thống Emmanuel Macron đón và hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Cộng hòa Pháp (Paris, 27/3/2018). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Ngày 1/6/2018, đoàn tàu của Hải quân Pháp gồm tàu chỉ huy và tàu đổ bộ Dixmude với tổng số 713 sỹ quan, thủy thủ cập cảng Sài Gòn, thực hiện chuyến thăm 5 ngày tới Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Ngày 19/11/2018, Tổng Lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh Vincent Floreani trao nhãn hiệu Label France Education “về chất lượng giảng dạy tiếng Pháp trong chương trình song ngữ tiếng Pháp cho đại diện Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai. (Ảnh: TTXVN phát)
Trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, sáng 31/3/2019, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến đặt hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, trồng cây lưu niệm và thăm không gian Hồ Chí Minh tại Công viên Montreau, thành phố Montreuil, thủ đô Paris. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Nhà máy chế tạo và sản xuất máy bay Airbus trong chuyến thăm chính thức Cộng hoà Pháp (Toulouse, 3/4/2019). (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Ngày 5/5/2019, Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) khánh thành nhà máy xe du lịch cao cấp và ra mắt mẫu xe đa dụng châu Âu thương hiệu Peugeot Traveller (Pháp). (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)
Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa hai nước (Paris, 17/9/2018). (Ảnh: Toàn Trí/TTXVN)
Ngày 12/12/2020, Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (THACO) chính thức công bố hợp tác chiến lược sản xuất kinh doanh xe máy Peugeot và giới thiệu mẫu xe máy Peugeot Django. Đồng thời, giới thiệu mẫu xe SUV Peugeot 2008 hoàn toàn mới. Đây là sự kiện đánh dấu 210 năm thương hiệu Peugeot của Pháp và 100 năm tạo dấu ấn thương hiệu này tại Việt Nam. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn-ga Hà Nội) vay vốn ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) và Chính phủ Pháp (DGT), được công ty Systra của Pháp tư vấn thiết kế. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tiếp nhận tượng trưng 672.000 liều vaccine AstraZeneca do Chính phủ và nhân dân Pháp ủng hộ (Hà Nội, 14/9/2021). (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Chiều 3/11/2021, trong chuyến thăm chính thức Cộng hoà Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Không gian Hồ Chí Minh tại Bảo tàng lịch sử Sống Montreuil ở Công viên Montreau, thành phố Montreuil, Paris. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Tổng thống Emmanuel Macron đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Cộng hoà Pháp (Paris, 4/11/2021). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giới thiệu trái cây Việt Nam với khách hàng tham dự sự kiện Tuần hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị Carrefour của Pháp, ngày 4/11/2021. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn-ga Hà Nội) vay vốn ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) và Chính phủ Pháp (DGT), được công ty Systra của Pháp tư vấn thiết kế. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Xuân Nam và Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam Herve Conan ký kết Thỏa ước tín dụng cho khoản vay ưu đãi không bảo lãnh Chính phủ trị giá 80 triệu euro cho Dự án lưới điện phân phối miền Nam do Tổng Công ty Điện lực miền Nam làm chủ đầu tư. (Ảnh: TTXVN)
Cup Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam tại Pháp (FVCTVNF) được tổ chức tại thành phố Montévrain, cách thủ đô Paris 40km về phía Đông với sự tham dự của nhiều võ sinh nước sở tại (14/15/5/2022). (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)
Sản phẩm gạo mang thương hiệu Cơm Vietnam được giới thiệu tới người tiêu dùng Pháp qua hệ thống phân phối Carrefour và E.Leclerc từ đầu tháng 9/2022. Đây là những bước tiến đầu tiên, "dài" và đầy tiềm năng cho gạo Việt Nam khẳng định thương hiệu của mình trên trường thế giới. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)
Không gian sách tiếng Pháp là một phần của các chương trình hỗ trợ tăng cường tri thức bằng tiếng Pháp và tiếp cận với kiến thức và nội dung văn hóa, được thực hiện bởi Vụ Tiếng Pháp và Đa dạng Văn hóa Pháp ngữ (DLC) của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ. Dự án được triển khai từ năm 2020 đến năm 2022, tại Hà Nội và 8 tỉnh/thành phố. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)
Cảng Quốc tế Gemalink (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là cảng nước sâu duy nhất khu vực Cái Mép-Thị Vải, do Công ty Cổ phần Gemadept (Việt Nam) góp 75% và Tập đoàn CMA-CGM (Pháp) góp 25% vốn đầu tư. Giai đoạn 1 cảng được chính thức khởi công xây dựng từ tháng 2/2019 trên diện tích 33ha với tổng mức đầu tư là 330 triệu USD. (Ảnh: TTXVN phát)
Tọa lạc bên bờ Tây sông Hàn thơ mộng, liền kề với trung tâm hành chính của Đà Nẵng, khách sạn Novotel Đà Nẵng là điểm đến lý tưởng cho các doanh nhân lẫn du khách. Đây là khách sạn đầu tiên đạt tiêu chuẩn quốc tế của thành phố, dưới sự quản lý bởi tập đoàn Accor danh tiếng của Pháp. (Ảnh: TTXVN)