[Ảnh] 3 năm trước, thế giới trong vòng "phong tỏa"
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 11:39, 10/04/2023
Quận Manhattan (New York, Mỹ) vốn sầm uất trở nên vắng vẻ chưa từng có. Ảnh chụp một tuyến phố tại Manhattan, ngày 15/3/2020. (Ảnh: Reuters) |
Cách đây 3 năm, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ của trang từ điển nổi tiếng thế giới Collins đã lựa chọn từ "lockdown" (tạm dịch là “phong tỏa” hoặc “đóng cửa”) làm từ khóa tiêu biểu nhất của năm 2020.
Theo định nghĩa của từ điển Collins, từ khóa “phong tỏa” đã phản ánh trải nghiệm chung của hàng tỷ người dân trên thế giới khi Covid-19 lây lan với tốc độ chóng mặt, khiến chính phủ các quốc gia phải ban bố lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
Dưới đây là hình ảnh được ghi nhận tại một số quốc gia trong thời gian triển khai lệnh phong tỏa 3 năm trước:
Quận Manhattan (New York, Mỹ) vốn sầm uất trở nên vắng vẻ chưa từng có. Ảnh chụp một tuyến phố tại Manhattan, ngày 15/3/2020. (Ảnh: Reuters) |
Hashim, một nhân viên thiết yếu trong ngành chăm sóc sức khỏe, chào con gái của anh qua cánh cửa đóng kín. Vào thời điểm tháng 4/2020, anh phải duy trì khoảng cách với gia đình trong lúc dịch Covid-19 bùng phát tại New Rochelle (New York, Mỹ). |
Hàng trăm cư dân, những người bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra, chờ trong ô-tô để đến lượt nhận hàng tạp hóa từ Ngân hàng Thực phẩm San Antonio ở San Antonio (Texas, Mỹ), ngày 17/4/2020. (Ảnh: Reuters) |
Gấu Teddy được đặt trong các bàn tại nhà hàng Jaso Bakery (Mexico City, Mexico) để duy trì khoảng cách giữa các khách hàng, ngày 23/7/2020. (Ảnh: Reuters) |
Người dân tham gia lớp tập yoga ngoài trời tại Toronto (Canada), ngày 21/6/2020. (Ảnh: Reuters) |
Huấn luyện viên cá nhân Flo Dowler hướng dẫn cư dân của Đại lộ Napier trong một lớp rèn luyện sức khỏe ở Fulham (West London, Anh), ngày 11/5/2020. (Ảnh: Reuters) |
Người phụ nữ tại Sassenheim (Hà Lan) làm việc từ xa trong thời gian giãn cách xã hội. (Ảnh: Reuters) |
Hành khách đứng đúng vào các dấu chân được vẽ sẵn để bảo đảm giãn cách xã hội trong nhà ga ở Nice (Pháp), ngày 11/5/2020. (Ảnh: Reuters) |
Su Sevda Uzun nhảy múa từ sân thượng của nhà bạn cô với sự đồng hành của các nhạc sĩ Hakan Kaya và Alper Kalayciklioglu. Đây là một trong những buổi biểu diễn mà họ tổ chức thường xuyên cho những người hàng xóm trong bối cảnh Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), ngày 13/4/2020. (Ảnh: Reuters) |
Hai cha con được khử trùng trước khi vào trường mẫu giáo ở Tehran (Iran), ngày 19/10/2020. (Ảnh: WANA) |
Một nhân viên đang đánh dấu chỗ ngồi nhằm thực hiện giãn cách xã hội tại một rạp chiếu phim ở Jakarta (Indonesia), ngày 21/10/2020. (Ảnh: Reuters) |
Hòm phiếu cũ được tái sử dụng thành vách ngăn trong các lớp học tại tỉnh Pathum Thani (Thái Lan), ngày 1/7/2020. (Ảnh: Reuters) |
Tấm chắn acrylic được lắp đặt trong một hộp đêm tại Tokyo (Nhật Bản) như một biện pháp giãn cách xã hội. (Ảnh: Reuters) |
Nhân viên đeo tấm chắn và khẩu trang khi ngân hàng tại Bangkok (Thái Lan) chuẩn bị mở cửa trở lại vào ngày 14/5/2020. (Ảnh: Reuters) |
Hình người được đặt trên khán đài tại sân bóng chày Munhak (Incheon, Hàn Quốc), trong trận đấu giữa SK Wyverns và the Hanwha Eagles, ngày 5/5/2020. (Ảnh: Reuters) |
Ngồi trong nhà tại thủ đô Manila (Philippines), sinh viên John Sorba (20 tuổi) tham gia lớp học trực tuyến ngày 6/10/2020. (Ảnh: Reuters) |
Bé Phúc An chào đời ngày 1/4/2020, tại một bệnh viện ở Thủ đô Hà Nội. Trước khi đi tiêm vaccine ngày 13/4/2020, em được đeo tấm chắn để ngăn chặn Covid-19 tấn công. (Ảnh: Reuters) |
Ngày 6/4 vừa qua, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, WHO dự kiến dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp toàn cầu về Covid-19 trong năm nay.
Theo ông Ghebreyesus, tại cuộc họp trong tháng 5 tới, ủy ban chuyên gia về tình trạng dịch Covid-19 sẽ xác định thời điểm chấm dứt coi Covid-19 là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế, vốn được áp dụng hơn 3 năm qua.
Theo thống kê của Worldometers, tính đến ngày 10/4, thế giới đã ghi nhận gần 685 triệu ca mắc Covid-19, trong đó 657,7 triệu người đã hồi phục và 6,8 triệu người đã qua đời.