Giáo dục - Đào tạo

Dạy bơi trong trường học khó khăn vì đang tự..."bơi"

Thanh Hằng 11/04/2023 05:00

Liên tục trong thời gian qua xảy ra tình trạng đuối nước ở lứa tuổi học sinh, tuy nhiên việc triển khai môn bơi trong trường học, để trang bị cho học sinh kỹ năng phòng tránh đuối nước vẫn chưa được thực hiện hiệu quả.

Khó “phổ cập bơi”

Hiện tại huyện Đắk R’lấp có 7 bể bơi (cấp tiểu học có 5 bể bơi, cấp THCS có 2 bể bơi), trong số này, chỉ có một số bể bơi được vận hành thường xuyên. Một phần nguyên nhân là kinh phí hoạt động không bảo đảm và môn bơi vẫn chưa được dùng để đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Cô Nguyễn Thị Hiên, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh, xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) cho biết, năm 2021 nhà trường nhận bàn giao một bể bơi di động với trị giá khoảng 500 triệu đồng. Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên đến năm 2022, nhà trường mới bắt đầu tổ chức cho học sinh học bơi. Giáo viên dạy bơi cùng chính là giáo viên thể chất của trường.

day-boi-2(1).jpg
Bể bơi Trường THCS Lương Thế Vinh chỉ hoạt động cầm chừng một phần vì thiếu kinh phí.

Theo cô Hiên, việc trang bị bể bơi trong trường học có ý nghĩa rất lớn, góp phần phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ và tạo điều kiện cho học sinh có môi trường học tập đa dạng, hấp dẫn hơn. Thế nhưng trong quá trình triển khai môn bơi, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc huy động đóng góp của phụ huynh để mua sắm hóa chất, sinh phẩm, chi phí bảo trì, vệ sinh bể bơi…

“Nhà trường sử dụng nước giếng khoan nên phải dùng chế phẩm để xử lý nước trước khi cho học sinh học bơi, nhưng thời gian sử dụng nước chỉ được vài ngày là phải thay nước mới nên chi phí rất lớn. Hiện nay việc bơm nước, vệ sinh bể bơi, mua hóa chất… đều phải lấy từ chi phí chi thường xuyên hàng năm của nhà trường nên việc chi tiền cho hoạt động dạy bơi cũng có giới hạn. Trong khi đó, việc kêu gọi sự đóng góp của phụ huynh cũng gặp khó do không phải gia đình nào cũng đăng ký cho con em theo học bơi”, cô Hiên chia sẻ.

Mặt khác, việc triển khai môn bơi trong trường học gặp khó khăn còn xuất phát từ thực tế, môn bơi chưa được dùng để đánh giá kết quả học tập của học sinh. Mỗi năm học, học sinh chỉ có một vài tiết học bơi (chiếm một học phần nhỏ trong môn Giáo dục thể chất) nên không thể lấy điểm môn bơi thành điểm kiểm tra học kỳ, kiểm tra cuối năm cho học sinh.

Cần phụ huynh chung tay

Các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em liên tiếp xảy ra thời gian qua như tiếng chuông cảnh tỉnh, đòi hỏi toàn xã hội phải nhận thức đầy đủ, kịp thời và có các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ, đặc biệt là dạy bơi. Tuy nhiên, việc triển khai dạy bơi trong trường học hiện đang gặp nhiều khó khăn khiến công tác “phổ cập bơi” cho học sinh chưa đạt hiệu quả cao.

day-boi-1(1).jpg
Bể bơi Trường THCS Phan Đình Phùng hoạt động được nhờ sự đồng thuận của phụ huynh.

Trường THCS Phan Đình Phùng, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) là một trong số những đơn vị triển khai tốt việc dạy bơi cho học sinh trong trường. Để làm được điều này, sau khi được đầu tư lắp đặt một bể bơi, trường đã huy động sự đóng góp của phụ huynh để khoan giếng, làm sàn bơi, bảo đảm các điều kiện để bể bơi hoạt động.

Thầy Lê Trọng Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Đình Phùng chia sẻ: “Điều thuận lợi nhất của trường để triển khai dạy học môn bơi đó là sự ủng hộ của phụ huynh học sinh. Trong quá trình vận hành, từ nguồn đóng góp của phụ huynh (theo Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT và Nghị quyết 06/2021/NQ- HĐND), trường mới có kinh phí để duy trì hoạt động. Nhờ đó, qua một thời gian triển khai, nhiều học sinh đã biết bơi và có nhận thức về việc phòng chống tai nạn đuối nước”.

Tỉnh Đắk Nông có địa hình phức tạp, nhiều sông, suối, ao, hồ tự nhiên sâu nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em, học sinh. Trong khi đó, tình trạng trẻ em tự ý đi tắm khi không có người lớn giám sát còn diễn ra ở nhiều nơi.

Mặc dù tỉnh Đắk Nông liên tục có chỉ đạo về việc phòng chống tai nạn thương tích (trong đó có đuối nước) nhưng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.  Một số địa phương chưa có các sân vui chơi giải trí cho trẻ em, nên nhiều phụ huynh mong muốn, ngành Giáo dục tăng cường dạy môn bơi trong trường học để hạn chế tình trạng đuối nước.

Thầy Vũ Hữu Tịnh, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đắk R’lấp cho rằng: “Dạy bơi cho học sinh ngay từ bậc tiểu học là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống đuối nước. Do đó, giáo dục bơi cho học sinh trong trường tiểu học cần đặt ra một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, muốn triển khai hiệu quả chủ trương cần có sự đồng thuận cao từ các cấp địa phương, phụ huynh học sinh và nhà trường”.

Thanh Hằng