Thái Lan, Lào, Myanmar hợp tác xử lý ô nhiễm khói bụi xuyên biên giới

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 10:57, 08/04/2023

Nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm khói bụi xuyên biên giới đang đe dọa tới sức khỏe của người dân, Chính phủ ba nước Thái Lan, Lào và Myanmar đang có kế hoạch chung tay cùng tìm giải pháp để nhanh chóng giải quyết vấn đề này.
Đám cháy rừng ở Vườn quốc gia Khao Laem, tỉnh Nakhon Nayok, Thái Lan. (Ảnh: Reuters)
Đám cháy rừng ở Vườn quốc gia Khao Laem, tỉnh Nakhon Nayok, Thái Lan. (Ảnh: Reuters)

Ngày 7/4, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã có cuộc hội đàm trực tuyến với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và nhà lãnh đạo Myanmar Min Aung Hlaing để trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong việc xử lý khói bụi xuyên biên giới và đưa ra hướng tiếp cận hiệu quả nhằm giải quyết vấn đề.

Tại cuộc họp, ông Prayut khẳng định tất cả các nước liên quan đều nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cần hợp tác chặt chẽ trong bối cảnh ô nhiễm khói bụi đang đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe người dân ba nước. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta cần hợp lực hỗ trợ lẫn nhau nhằm giải quyết vấn đề”.

Thủ tướng Thái Lan đã đưa ra đề xuất về Chiến lược Bầu trời sạch làm cơ chế để để giải quyết vấn đề ô nhiễm khói bụi. Theo đó, mỗi quốc gia cần cam kết giảm thiểu các điểm nóng theo Kế hoạch hành động Chiang Rai mà năm quốc gia trong khu vực Tiểu vùng sông Mekong đã phê chuẩn năm 2017. Đây là kế hoạch được các nước Tiểu vùng sông Mekong đặt ưu tiên nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm khói bụi xuyên biên giới.

Thủ tướng Thái Lan kêu gọi tất cả các quốc gia liên quan cần tận dụng các cơ chế song phương liên quan ở tất cả các cấp. Thái Lan sẽ nỗ lực thúc đẩy hợp tác xử lý ô nhiễm khói bụi xuyên biên giới thông qua các cơ chế song phương ở cấp độ địa phương với Lào và Myanmar. Thái Lan cũng sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận tại Hội nghị cấp cao ASEAN, dự kiến sẽ được tổ chức tại Indonesia vào tháng tới.

Ông Prayut cho rằng, các quốc gia cần tăng cường trao đổi thông tin và kinh nghiệm và cần có biện pháp pháp lý để kiểm soát và kiềm chế các nguồn gây ra khói bụi xuyên biên giới. Theo ông, chính phủ các nước nên hỗ trợ người nông dân loại bỏ rác nông nghiệp và xây dựng các nhà máy điện áp dụng mô hình Sinh học - Tuần hoàn - Xanh (BCG) để biến các loại rác này thành phân bón và điện. Thái Lan ủng hộ việc tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác trong các mạng lưới giám sát chất lượng không khí tại các quốc gia trong tiểu vùng. Từ đó, tăng cường hiệu quả của việc dự báo chất lượng không khí và đưa ra các cảnh báo.

Theo ông Prayut, việc giải quyết ô nhiễm khói bụi hiện đang được Thái Lan coi là một ưu tiên quốc gia với các cuộc họp được tổ chức hằng năm để thảo luận các biện pháp ngăn chặn cháy rừng và ô nhiễm khói bụi. Ông cho biết Chính phủ Thái Lan đã vạch ra một kế hoạch hành động để kiềm chế các nguồn phát thải bụi mịn PM2.5 từ khí thải và các nhà máy cũng như nạn đốt rơm rạ trong nông nghiệp. Năm 2022, Thái Lan đã giảm được 61% số điểm nóng ở khu vực miền bắc nước này và 27% lượng bụi mịn PM2.5 trong không khí. Thái Lan cũng thường xuyên báo cáo cho Ban Thư ký ASEAN các thông tin cập nhật về nỗ lực của mình trong việc giảm các điểm nóng.

Về phần mình, Thủ tướng Lào cũng nhất trí với đề xuất về hợp tác và tổ chức cuộc họp ở cấp ASEAN để thảo luận về vấn đề ô nhiễm khói bụi xuyên biên giới cũng. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc giáo dục người dân về tác động của cháy rừng và các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Myanmar Min Aung Hlaing cho rằng sự hợp tác giữa các quốc gia ASEAN sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững trong khu vực.

NAM ĐÔNG