Rủi ro tiềm tàng với kinh tế toàn cầu

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 07:49, 07/04/2023

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, căng thẳng địa chính trị và hệ lụy là sự phân mảnh nền kinh tế thế giới sẽ làm tăng rủi ro về ổn định tài chính. Kinh tế toàn cầu bất ổn, các nền kinh tế lớn hoạt động kém hiệu quả, lạm phát cao và đầu tư giảm mạnh cũng là những yếu tố kiềm chế đà tăng trưởng của nhiều khu vực.
Logo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Washington, Hoa Kỳ, ngày 4/9/2018. (Ảnh: Reuters)
Logo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Washington, Hoa Kỳ, ngày 4/9/2018. (Ảnh: Reuters)

Trong báo cáo chuẩn bị cho Hội nghị mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra trong tuần tới, các chuyên gia của IMF đánh giá rằng, nguy cơ đe dọa sự ổn định đang lan tới các kênh tài chính. Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng trên thế giới trong tình trạng bất ổn, chủ đề ổn định tài chính sẽ nổi trội tại các cuộc thảo luận trong khuôn khổ hội nghị sắp tới.

IMF từ lâu đã cảnh báo về tình trạng gia tăng chi phí, xung đột kinh tế và giảm GDP có liên quan tình trạng phân mảnh kinh tế toàn cầu theo các khối địa chính trị. Điều này có thể dẫn tới cạnh tranh giữa các hệ thống công nghệ và giảm trao đổi thương mại.

Trong báo cáo mới nhất, IMF nhấn mạnh nguy cơ gia tăng căng thẳng dẫn tới tình trạng thoái vốn nước ngoài, trong đó có các khoản đầu tư trực tiếp, với nguy cơ đặc biệt cao tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.

Trong báo cáo mới nhất, IMF nhấn mạnh nguy cơ gia tăng căng thẳng dẫn tới tình trạng thoái vốn nước ngoài, trong đó có các khoản đầu tư trực tiếp, với nguy cơ đặc biệt cao tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.

IMF thậm chí cho rằng, tình trạng hỗn loạn trong hệ thống ngân hàng gần đây ở Mỹ và châu Âu có thể lan sang các tổ chức phi ngân hàng quan trọng, như quỹ hưu trí, làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lạm phát của các ngân hàng trung ương. Theo các nhà kinh tế của IMF, rủi ro trong ngành ngân hàng có thể gia tăng trong những tháng tới trong bối cảnh chính sách tiền tệ tiếp tục được thắt chặt trên toàn cầu và lan sang khu vực phi ngân hàng, hiện nắm giữ gần một nửa tổng tài sản tài chính toàn cầu.

Tác động từ bất ổn trong hệ thống tài chính toàn cầu thể hiện rõ nhất ở khu vực tập trung các nước đang phát triển. WB dự báo, tăng trưởng kinh tế ở châu Phi cận Sahara sẽ chậm lại, xuống 3,1% trong năm 2023, từ mức 3,6% của năm 2022.

Theo WB, khó khăn về nợ vẫn tăng cao ở 22 quốc gia trong khu vực và lạm phát tiếp tục ở mức tương đối cao, trung bình 7,5% trong năm 2023, cao hơn mục tiêu kiềm chế mà hầu hết các quốc gia đề ra. Tốc độ tăng trưởng đầu tư tại khu vực này đã suy giảm rõ ràng, từ 6,8% trong giai đoạn 2010-2013, còn 1,6% vào năm 2021.

WB nâng nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 của khu vực Mỹ Latin và Caribe, lên mức 1,4%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với mức dự báo hồi tháng 1/2023. Các nền kinh tế trong khu vực này đã phục hồi trở lại mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tuy nhiên tăng trưởng vẫn ở mức quá thấp để có thể đạt được những tiến bộ đáng kể trong cuộc chiến chống đói nghèo, thúc đẩy hội nhập và xoa dịu căng thẳng xã hội.

Khu vực này có nhiều hạn chế trong việc thúc đẩy đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ. Trong những năm qua, Mỹ Latin chỉ đầu tư trung bình 3,5% GDP vào cơ sở hạ tầng, trong khi tại châu Á hoặc châu Phi, tỷ lệ này là 7%.

Triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á có phần tươi sáng hơn, khi được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo sẽ đạt mức 4,8% trong năm 2023, cao hơn mức dự báo 4,6% đưa ra hồi tháng 12/2022. ADB nêu rõ, triển vọng kinh tế của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á được cải thiện đáng kể nhờ quá trình mở cửa nhanh chóng của Trung Quốc sau đại dịch Covid-19.

Để phản ứng kịp thời trong những tình huống xấu, IMF khuyến cáo các đơn vị quản lý nên kiểm tra mức độ chịu áp lực và tìm hiểu rõ hơn về những tác động của tình trạng gia tăng căng thẳng địa chính trị đối với hệ thống tài chính.

Các nhà hoạch định chính sách cần tăng cường cơ chế ứng phó khủng hoảng, thông qua các hệ thống dự phòng tín dụng từ các thể chế quốc tế như IMF. Các nền kinh tế phụ thuộc tài chính nước ngoài nên tăng cường dự phòng cho các khoản dự trữ ngoại hối, vốn và thanh khoản tại các thể chế tài chính.

TUỆ MINH