Tik Tok xuất hiện nhiều nội dung độc hại, chống phá Đảng, Nhà nước
Chính sách - Ngày đăng : 20:14, 06/04/2023
Chiều 6/4, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo cung cấp thông tin hoạt động 3 tháng đầu năm 2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới. Những nội dung như chuẩn hóa thông tin di động, “rác” viễn thông, an toàn thông tin... đang được báo chí và dư luận quan tâm đã được lãnh đạo các đơn vị của Bộ cung cấp thông tin và giải đáp.
Các nội dung trên TikTok gây nghiện và liên tục tạo ra các xu hướng (trend) độc hại
Tại buổi họp báo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố nhiều hành vi vi phạm của các nền tảng xuyên biên giới tại Việt Nam.
Trước đây, Bộ đã chỉ ra các hành vi vi phạm của Facebook, Youtube, Google. Từ năm 2019 đến nay, xuất hiện thêm nền tảng mạng xã hội mới là TikTok với nhiều hành vi vi phạm pháp luật.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông ) cho biết, trước đây nền tảng TikTok có nội dung thuần túy về giải trí. Nhưng từ năm 2022 trở lại đây, trên nền tảng TikTok xuất hiện nhiều nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.
Cùng với đó, nhiều nội dung độc hại được phát triển mạnh mẽ trên TikTok, gây ảnh hưởng đến trẻ em Việt Nam.
“Các nội dung trên TikTok gây nghiện và liên tục tạo ra các xu hướng (trend) độc hại. Các nội dung độc hại trên TikTok cũng rất dễ tạo thành trend, từ đó ảnh hưởng xấu đến giới trẻ và người dùng”, ông Tự Do nhấn mạnh.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiến hành kiểm tra đối với TikTok
Nêu và phân tích những vi phạm trên TikTok, đặc biệt những nguy hại về nội dung xấu, độc, xuyên tạc trên TikTok, ông Lê Quang Tự Do cho biết, hệ lụy của những sai phạm trên TikTok đã tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội.
Bên cạnh đó, nền tảng này đã khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc.
Trước thực trạng trên, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, thông tin vi phạm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiến hành kiểm tra đối với TikTok (dự kiến vào tháng 5/2023), nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật của nền tảng này trong quá trình hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam.
1,67 triệu thuê bao không thực hiện chuẩn hóa đã bị tạm dừng dịch vụ một chiều
Trong tháng 3/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm thuê bao phát triển mới, thuê bao được chuẩn hoá có thông tin thuê bao đúng quy định, đáp ứng mục tiêu tất cả các thuê bao đang hoạt động phải có thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác, trùng khớp.
Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 31/3/2023, đã có 2,17 triệu thuê bao chuẩn hóa thông tin sau khi nhận thông báo.
Lượng thuê bao đã cập nhật thông tin chiếm 56,5% trên tổng số 3,84 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hiện cả nước có 1,67 triệu thuê bao (chiếm 43,5%) không thực hiện chuẩn hóa theo thông báo đã bị tạm dừng dịch vụ một chiều.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, kể từ ngày 1/4 đến nay, đã có khoảng 256.000 thuê bao (chiếm 13,5% các thuê bao bị khóa một chiều) đến chuẩn hóa để mở lại dịch vụ.
Đến 15/4, các thuê bao không tiến hành chuẩn hóa lại sẽ bị khóa 2 chiều. Đến 15/5, nếu không cập nhật thông tin, các thuê bao này sẽ bị nhà mạng thu hồi số.
Đại diện Cục Viễn thông đánh giá, hoạt động chuẩn hóa thông tin thuê bao đã nhận được sự ủng hộ của người dùng. Người sử dụng giờ đây đã ý thức được việc số điện thoại đăng ký thông tin chính chủ là cực kỳ quan trọng.
Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn người sử dụng thực hiện việc gửi tin nhắn với cú pháp TTTB tới đầu số 1414 (miễn phí) để tự kiểm tra nhằm kịp thời cập nhật thông tin thuê bao của mình. Sự phối hợp của người dùng sẽ góp phần hạn chế dịch vụ tin nhắn rác, cuộc gọi rác và xây dựng môi trường tiêu dùng thông minh, an toàn.
Cũng tại họp báo, bà Hoàng Thị Phương Lựu, Phó Chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin về việc phát hiện các trạm phát sóng BTS giả phát tán tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo, tin nhắn giả mạo, bị phát hiện và chuyển cơ quan chức năng điều tra xử lý trong tháng 3/2023.
Các đối tượng xấu lợi dụng các trạm phát sóng giả đã thực hiện phát tán thông tin với mục đích lừa đảo người dân tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai, Quảng Nam và Thanh Hóa.
Ngoài ra, đại diện các đơn vị cũng cung cấp thông tin về tình hình an toàn thông tin trong tháng 3/2023, tra cứu thông tin tên miền để phòng ngừa các hành vi lừa đảo trên không gian mạng.
Xử lý triệt để “rác” viễn thông
Trong tháng 4/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục chuẩn bị các nội dung của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị về Phát triển dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia; báo cáo Thủ tướng về phương án chuyển hướng hỗ trợ thiết bị cho các học sinh, sinh viên hộ nghèo tiếp cận thông tin từ Chương trình “Sóng và máy tính cho em”…
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng kế hoạch giải pháp chỉ đạo điều phối doanh nghiệp viễn thông xử lý triệt để “rác” viễn thông; Triển khai Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023; Tổ chức Hội nghị hướng dẫn triển khai và đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia; Triển khai chấm điểm chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương năm 2022…
Trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chấn chỉnh, xử lý báo hóa tạp chí, báo hóa trang tin điện tử tổng hợp, báo hóa mạng xã hội và biểu hiện tư nhân hóa báo chí, đồng thời, triển khai kế hoạch tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trong tháng 4/2023…
Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tháng 3/2023, doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông ước đạt: 325.565 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với tháng 2/2023. Lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 3/2023 ước đạt 845.577 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ. Tỷ lệ doanh thu ước đạt 20% so với kế hoạch năm.
Ngành Thông tin và Truyền thông đã nộp ngân sách nhà nước ước đạt 8.872 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với tháng 2/2023. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong quý I/2023 là 13,6%, tăng 3,99% so với thời điểm cuối năm 2022. Tỷ trọng kinh tế số trong GDP quý I/2023 là 14,62%./.