---- Kinh tế
Lê Dung 06/04/2022 08:14

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp đang dần phục hồi. Tuy nhiên, thị trường lại phát sinh nhiều trở ngại, buộc doanh nghiệp xuất khẩu phải linh hoạt tìm các giải pháp thích ứng kịp thời.

Gồng mình với hàng tồn kho

Là đơn vị tham gia xuất khẩu trực tiếp, mỗi tháng, Công ty TNHH Thái Thịnh (Đắk Song) xuất khẩu từ 150-200 tấn chanh dây qua thị trường các nước như: Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Do tình hình chiến sự phức tạp giữa Nga - Ukraina, nên lượng hàng hoá xuất khẩu đi các nước của Công ty bị trễ hơn so với trước. Hiện tượng tàu vận chuyển bị đình trệ hầu như diễn ra thường xuyên, gây trở ngại cho việc xuất hàng.

Chính vì thế, lượng hàng lưu kho tại Công ty hiện còn rất nhiều. Cụ thể, Công ty hiện đang tồn khoảng 4 container, tương đương với 100 tấn hàng thành phẩm xuất đi Đài Loan, Trung Quốc.

094707img_8087.jpg
Sản xuất chanh dây xuất khẩu tại Công ty TNHH Thái Thịnh (Đắk Song)

Riêng thị trường Nga, hàng hoá của Công ty phải đi qua 1 cung đường của nước khác mới tới nơi. "Hàng tồn kho lớn khiến nguồn vốn bị ứ đọng. Công ty cũng thiếu kho trữ đông để bảo quản sản phẩm”, ông Nguyễn Hàm Thái, Giám đốc Công ty TNHH Thái Thịnh chia sẻ.

Năm 2022, Nhà máy Tinh bột sắn Đắk Song (Đắk Song) có kế hoạch sản xuất được khoảng 7.000 tấn sản phẩm. Lượng sản phẩm này dự kiến cung ứng cho thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ sản phẩm của nhà máy đang gặp nhiều khó khăn. Các cửa khẩu phía Trung Quốc thực hiện đóng cả 2 tháng trời. Do đó, hàng hoá sản xuất ra nhiều, nhưng không tiêu thụ được.

095011img_6214.jpg
Nhà máy tinh bột sắn Đắk Song (Đắk Song) đang tồn kho khoảng 3.000 tấn sản phẩm

Hiện nhà máy đang còn tồn dư khoảng 3.000 tấn tinh bột sắn. Hoạt động tại nhà máy cũng vì thế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Công suất sản xuất của nhà máy hiện chỉ duy trì 1/2 so với trước. Sản lượng cũng giảm còn hơn một nửa so với kế hoạch.

Nắm vững các thông lệ quốc tế

Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, ngành Công thương sẽ tiếp tục triển khai các nội dung trong Kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu hàng chủ lực tỉnh Đắk Nông.

Trong đó, đơn vị sẽ tổ chức, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, các sự kiện có quy mô quốc tế. Từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tìm kiếm đối tác xuất khẩu.

Ngành Công thương cũng thường xuyên theo dõi tình hình và thông báo các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh về việc Trung Quốc tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý tại cửa khẩu biên giới. Qua đó giúp các doanh nghiệp chủ động các phương án kinh doanh, xuất, nhập khẩu.

Theo Sở Công thương, quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh thực hiện đạt 258 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 22% kế hoạch năm. Những mặt hàng xuất khẩu tăng cao như: tiêu đen đạt 34 triệu USD, tăng 113,8%; ván MDF, ván dán đạt 7,7 triệu USD, tăng 165,5%; sản phẩm alumin đạt 80,7 triệu USD, tăng 116,35%; các sản phẩm khác đạt 43,55 triệu USD, tăng 15,8%; điều nhân đạt 36,9 triệu USD, tăng 1,3%.

Mặt khác, để giúp các doanh nghiệp nắm vững các thông lệ quốc tế, trong tháng 5 tới, đơn vị sẽ tổ chức phổ biến tuyên truyền rộng rãi về các sự kiện hội nhập kinh tế quốc tế như: EVFTA, CPTTP, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP, các quy định về rào cản thương mại…

Theo ông Lê Minh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương), trong tháng 5, ngành sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác khuyến công.

Thông qua hoạt động này, ngành Công thương hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Hoạt động tại các cửa khẩu Đắk Per (Đắk Mil), Bu Prăng (Tuy Đức) sẽ được duy trì thường xuyên, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục thông quan hàng hóa, không để ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu cũng như sản xuất, kinh doanh.

094435img_7629.jpg
Ông Lê Minh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Đắk Nông
"Các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động nghiên cứu, cập nhật những yêu cầu, điều kiện của thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp cũng cần sẵn sàng các điều kiện để chuyển sang xuất khẩu chính ngạch như: tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng…"

094529thai-thinh.still005-1-.jpg
Ông Nguyễn Hàm Thái, Giám đốc Công ty TNHH Thái Thịnh, Đắk Song, Đắk Nông

"Trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, việc đầu tư kho trữ đông lạnh trong giai đoạn hiện nay vừa là giải pháp cấp bách, nhưng cũng là định hướng lâu dài. Hiện tại, số lượng hàng lưu kho rất nhiều. Công ty sẽ lắp đặt thêm 2 kho trữ đông nữa để bảo quản hàng hoá. Công ty cũng tăng công suất sản xuất một số sản phẩm mới như bơ, sầu riêng, xoài, mít...”

094551pgd-nha-may-tinh-bot-san.jpg
Ông Bùi Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Đắk Song, Đắk Song, Đắk Nông

“Thời gian này, nhà máy đang tranh thủ mọi nguồn lực để tìm kiếm, xây dựng vùng nguyên liệu, cung ứng cho hoạt động sản xuất khi thị trường đi vào ổn định. Trong đó, nhà máy sẽ cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con khi có nhu cầu phát triển cây sắn trên địa bàn. Nhà máy đang phối hợp với các đối tác để tiếp tục có giải pháp thông thương hàng hoá một cách thuận tiện và nhanh nhất”.

Lê Dung