Việt Nam cam kết chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 10:58, 05/04/2023
Một phiên họp của Liên hợp quốc tại New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Chiều 4/4, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), đã khai mạc Tuần lễ bom mìn nhân Ngày quốc tế Nhận thức và Hỗ trợ hành động bom mìn với chủ đề “Hành động mìn không thể chờ đợi” dưới sự chủ trì của bà Melissa Fleming, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách truyền thông.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Thiếu tướng Trần Trung Hòa, Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) cùng Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tham gia buổi lễ và có bài phát biểu với chủ đề “Thành tựu và những khó khăn thách thức của Việt Nam trong khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” tại Phiên thảo luận thứ 3.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Thiếu tướng Trần Trung Hòa nhấn mạnh: “Việt Nam là một trong số các quốc gia chịu hậu quả rất nặng nề về ảnh hưởng của bom mìn sau chiến tranh.
Hiện nay bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh nằm rải rác ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước với khoảng 5,6 triệu hecta, tương đương 17,71% diện tích đất tự nhiên, gây nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống của nhân dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
[Việt Nam rà phá bom mìn tiệm cận Tiêu chuẩn hành động mìn quốc tế]
Từ năm 1975 đến nay, đã có hơn 40.000 người Việt Nam bị chết và 60.000 người bị thương do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Trung bình mỗi năm bom mìn cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người và hơn 1.300 người phải mang thương tật suốt đời."
Với đường lối đối ngoại đúng đắn, Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, với tổng thể gồm các mối quan hệ đặc biệt, đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện.
Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng; tham gia tích cực vào các diễn đàn quốc tế do Liên hợp quốc tổ chức như Cơ quan Hành động Bom mìn Liên hợp quốc (UNMAS), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) và các tổ chức quốc tế như Trung tâm Rà phá bom mìn Nhân đạo quốc tế Geneva (GICHD), Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Trung tâm Hành động bom mìn ASEAN (ARMAC), qua đó trao đổi chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường năng lực trong thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh....
Với sự nỗ lực, cố gắng của chính phủ và nhân dân Việt Nam, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, 50 năm qua, kể từ khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết vào ngày 27/1/1973, Việt Nam đã triển khai khảo sát và rà phá được gần 2,5 triệu ha đất đai bị ô nhiễm bom mìn để phục vụ tái định cư, bảo đảm an toàn cho nhân dân và xây dựng công trình kinh tế.
Thành viên đội MAT 19 rà tìm các vật liệu nổ bằng máy chuyên dụng tại vùng cát huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Theo Thiếu tướng Trần Trung Hòa, trong hơn 10 năm thực hiện Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2010-2025 (Chương trình 504), Việt Nam đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần đem lại cuộc sống an toàn cho người dân và phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh của các địa phương; trong đó nổi bật là nhiều chủ trương, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng của Chính phủ Việt Nam về đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả chiến tranh được xây dựng và triển khai; Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh và các tiểu ban chuyên môn, VNMAC, Quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn và Nhóm Đối tác phát triển khắc phục hậu quả bom mìn (MAPG)...
Dù điều kiện còn khó khăn, nhưng Việt Nam luôn ưu tiên bố trí nguồn lực khá lớn cho khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Nhiều dự án về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh do chính phủ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Na Uy, Đức, Australia, các tổ chức của Liên hợp quốc như UNDP, UNICEF... và tổ chức phi chính phủ nước ngoài như NPA, MAG, IC, Golden West, Peace Tree, CRS… thực hiện đã thành công ở Việt Nam
Thời gian tới, Việt Nam cam kết tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, nhất là xây dựng Pháp lệnh Khắc phục hậu quả bom mìn; tham gia tích cực vào hoạt động xây dựng Tiêu chuẩn quốc tế và hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển, xây dựng các quy trình hoạt động chuẩn trong khảo sát và rà phá bom mìn, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để qua đó đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả bom mìn.
Đồng thời, Việt Nam tiếp tục triển khai các hoạt động khảo sát, rà phá bom mìn, tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn cho nhân dân và hỗ trợ nạn nhân bom mìn để từng bước khắc phục ảnh hưởng của bom mìn sau chiến tranh.
Bên lề các hoạt động diễn ra tại Liên hợp quốc, Tổng Giám đốc VNMAC sẽ có các cuộc gặp song phương với bà Izumi Nakamitsu, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc và bà Ilene Cohn, Giám đốc Cơ quan hành động mìn quốc tế để thảo luận các hoạt động hợp tác về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam trong thời gian tới./.