Việt Nam có đóng góp thực chất và trách nhiệm tại Hội đồng Nhân quyền
Chính trị - Ngày đăng : 05:41, 05/04/2023
Khóa họp lần thứ 52 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, diễn ra từ ngày 27/2 đến ngày 4/4, là khóa họp đầu tiên của Việt Nam trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.
Phóng viên TTXVN tại Geneva đã có cuộc phỏng vấn với Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc về đóng góp của Việt Nam tại khóa họp lần này.
- Xin Đại sứ có thể cho biết những đóng góp chính của Việt Nam tại khóa họp lần thứ 52 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc?
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai: Đoàn Việt Nam tham dự Khóa họp lần thứ 52 Hội đồng Nhân quyền do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dẫn đầu, đã tích cực tham dự ngay từ đầu khóa họp. Ngày 27/2, phát biểu tại phiên họp cấp cao ngay sau khai mạc khóa họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã nêu bật nhiều thông điệp mạnh mẽ về cam kết, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong phát triển đất nước, bảo đảm quyền con người; kêu gọi các nước thông hiểu và tôn trọng các đặc thù về lịch sử, hệ thống chính trị, văn hóa, xã hội của nhau, thúc đẩy hợp tác và đối thoại, tiếp cận các quyền con người một cách tổng thể.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đưa ra sáng kiến về việc kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) bằng một văn kiện của Hội đồng Nhân quyền nhằm khẳng định lại và tăng cường các nỗ lực, cũng như hành động nhằm đạt được những mục tiêu và giá trị lớn, bao trùm của tuyên ngôn và tuyên bố trên và cam kết chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người cho tất cả mọi người.
Tiếp theo phiên cấp cao, Ðoàn Việt Nam tích cực tham dự suốt tiến trình Khóa họp lần thứ 52 Hội đồng Nhân quyền diễn ra trong hơn một tháng từ ngày 27/2-4/4, với khối lượng công việc lớn và thời lượng dài kỷ lục, bao gồm: phiên họp cấp cao (từ ngày 27/2-2/3); 9 phiên thảo luận chuyên đề (về đánh giá 5 năm triển khai Chiến lược của Liên hợp quốc về thanh niên và phương hướng cho thời gian tới, án tử hình, kỷ niệm 35 năm Tuyên ngôn về quyền phát triển, Quỹ tự nguyện nhằm triển khai các khuyến nghị theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR), quyền trẻ em trong môi trường số); hàng loạt các phiên thảo luận, đối thoại với khoảng 45 Thủ tục đặc biệt và các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc; các phiên thảo luận, đối thoại về tình hình nhân quyền tại các nước cụ thể như Afghanistan, Myanmar, CHDCND Triều Tiên, Syria, Ethiopia, Venezuela...
Tại khóa họp, Đoàn Việt Nam cùng các đoàn các nước tham dự hàng loạt cuộc thảo luận về khoảng 80 báo cáo, nhiều tham vấn không chính thức về 43 dự thảo nghị quyết chuyên đề, xem xét thông qua các báo cáo Kiểm điểm định kỳ phổ quát của 14 nước và thông qua quyết định bổ nhiệm 10 nhân sự cho các Thủ tục đặc biệt.
Trong tiến trình khóa họp, đóng góp mang tính dấu ấn nổi bật của Việt Nam là sáng kiến được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đưa ra ngay ngày mở đầu khóa họp về Nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna. Đoàn Việt Nam tham dự khóa họp phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao đã đề xuất, soạn thảo nội dung và tham vấn, thương lượng cùng với đoàn đại biểu của các nước để đi đến nhất trí nội dung dự thảo nghị quyết, vận động các nước đồng bảo trợ, ủng hộ nghị quyết. Ngày 3/4, Hội đồng Nhân quyền đã thông qua nghị quyết bằng đồng thuận, với đông đảo các nước tham gia đồng bảo trợ.
Ngoài phát biểu của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại phiên họp cấp cao và sáng kiến nghị quyết nêu trên, Đoàn Việt Nam đã tích cực phát biểu tại nhiều phiên họp khác như các phiên thảo luận về đảm bảo quyền nhà ở, quyền lương thực, quyền văn hóa, quyền phát triển, quyền trẻ em, đảm bảo quyền tiếp cận công bằng, bình đẳng, kịp thời, với giá cả hợp lý của tất cả các quốc gia đối với vaccine ngừa COVID-19...
Trong các phát biểu, Đoàn Việt Nam đề cao chủ trương nhất quán, nỗ lực và thành tựu trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; khẳng định Việt Nam cam kết phát triển bền vững vì lợi ích của người dân; nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết bất bình đẳng, bảo vệ những người dễ bị tổn thương; kêu gọi giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu; khẳng định cam kết của Việt Nam tăng cường hợp tác một cách xây dựng với các quốc gia, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền, Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế của Hội đồng Nhân quyền nhằm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền cho tất cả mọi người trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, các điều ước quốc tế về quyền con người, bảo đảm chủ quyền quốc gia và các nguyên tắc khách quan, công bằng, đối thoại xây dựng và hợp tác.
Bên cạnh đó, cùng với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Đoàn Việt Nam cũng đã có một số phát biểu chung về các chủ đề ASEAN cùng quan tâm, chia sẻ như quyền phát triển, hợp tác kỹ thuật và xây dựng năng lực, UPR.
Liên quan đến chủ đề biến đổi khí hậu và quyền con người thuộc ưu tiên của Việt Nam và các nước, Việt Nam cùng hai nước Bangladesh và Philippines - Nhóm nòng cốt về biến đổi khí hậu và quyền con người, đã soạn thảo và đưa ra Phát biểu chung về biến đổi khí hậu và quyền con người tại khóa họp này, cũng thu hút đông đảo các nước tham gia đồng bảo trợ.
Ngoài ra, Đoàn Việt Nam đã tích cực tiếp xúc, trao đổi, tham vấn với các đoàn đại biểu của các nước, đồng bảo trợ một số sáng kiến trên tinh thần đối thoại và hợp tác; thực hiện nhiệm vụ của thành viên Hội đồng Nhân quyền trong việc tham vấn, bỏ phiếu thông qua 43 dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền.
- Xin Đại sứ chia sẻ về sáng kiến của Việt Nam nhân kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA), cũng như ý nghĩa của sáng kiến này đối với các nước nói chung và Việt Nam nói riêng?
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai: Nghị quyết này tập trung vào tầm quan trọng của hai văn kiện và nhiều nội dung tích cực của tuyên ngôn và tuyên bố nêu trên như nhắc lại các nguyên tắc chính về quyền con người của hai văn kiện; phản ánh quan tâm rộng rãi của các nước trong việc kỷ niệm hai văn kiện; nâng cao vị thế, vai trò, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế nhân quyền Liên hợp quốc; nhấn mạnh vai trò hàng đầu của các quốc gia trong bảo đảm quyền con người; ghi nhận sự tham gia của phụ nữ, vai trò của hợp tác và đoàn kết quốc tế, tôn trọng sự đa dạng, bao trùm... trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người nói chung và trong tham gia công việc của Hội đồng Nhân quyền nói riêng.
Nghị quyết này cũng đề nghị Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc triển khai chương trình hoạt động kỷ niệm tuyên ngôn và tuyên bố nêu trên, trong đó có Sự kiện cấp cao của Liên hợp quốc về quyền con người vào tháng 12 và có Báo cáo về các hoạt động kỷ niệm lên Khóa họp 56 Hội đồng Nhân quyền vào đầu năm tới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham dự Khóa họp lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. (Ảnh: TTXVN phát)
Có thể nói, nghị quyết này là một dấu ấn nổi bật của Việt Nam tại khóa họp đầu tiên trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, thể hiện đóng góp thực chất, trách nhiệm của Việt Nam vào công việc của Hội đồng Nhân quyền.
Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva đã trực tiếp triển khai soạn thảo, tham vấn, thương lượng dự thảo nghị quyết, sau khi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nêu sáng kiến tại khóa họp.
Ngày 3/4 vừa qua, Hội đồng Nhân quyền đã thông qua nghị quyết bằng đồng thuận, với sự tham gia đồng bảo trợ nghị quyết của 98 nước (tính đến cuối giờ chiều ngày 3/4, theo giờ Geneva), bao gồm 14 nước đồng tác giả (Việt Nam, Áo, Bangladesh, Bỉ, Bolivia, Brazil, Chile, Costa Rica, Fiji, Ấn Độ, Panama, Romania, Nam Phi và Tây Ban Nha), 34 nước thành viên Hội đồng Nhân quyền, cả các nước phương Tây và nhiều nước đang phát triển từ cả 5 nhóm khu vực, trong đó có hầu hết các nước ASEAN.
Trong số 43 nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền thông qua, một số nghị quyết có những nội dung mà các nước, nhóm nước còn nhiều quan điểm khác biệt, thậm chí mâu thuẫn, nhiều ý kiến đề nghị chỉnh sửa dự thảo nghị quyết nên không đạt được đồng thuận và Hội đồng Nhân quyền đã phải tiến hành bỏ phiếu để thông qua.
Với nội dung nêu trên, việc nghị quyết do Việt Nam đề xuất, soạn thảo được thông qua bằng đồng thuận, có sự đồng bảo trợ của đông đảo các nước như vậy cho thấy nghị quyết thể hiện sự quan tâm và ưu tiên chung của các nước và cộng đồng quốc tế, thu hút được sự hưởng ứng, tham gia ủng hộ của đông đảo các nước, được sự đánh giá cao của các bên.
Việc Việt Nam đề xuất nghị quyết này tại Hội đồng Nhân quyền rất kịp thời, đáp ứng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế về kỷ niệm và đề cao UDHR và VDPA, hai văn kiện quan trọng về quyền con người là nền tảng của khuôn khổ các công ước quốc tế, các cơ chế, đối thoại và hợp tác ở các cấp độ quốc tế, khu vực và quốc gia về quyền con người.
Nghị quyết này sẽ giúp tăng cường hơn nữa nỗ lực và hành động của các quốc gia và cộng đồng quốc tế trong hiện thực hóa các mục tiêu, tôn chỉ, cam kết hành động đề ra tại hai văn kiện trên, góp phần nâng cao vai trò của Hội đồng Nhân quyền, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cho mọi người, thông qua đối thoại và hợp tác, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.
Ðây cũng là kết quả của những nỗ lực chủ động, sáng tạo và triển khai bài bản của Bộ Ngoại giao, Phái đoàn Việt Nam tại Geneva trong việc đưa ra sáng kiến Nghị quyết, soạn thảo nội dung, cũng như nỗ lực của Ðoàn Việt Nam trực tiếp tham vấn, vận động, thương lượng với đoàn của các nước tại Geneva để đi đến nhất trí về nội dung dự thảo nghị quyết bao gồm những nội dung tích cực, cân bằng sự quan tâm của các nước, trong bối cảnh các nước và các nhóm nước còn có quan điểm khác nhau trên các vấn đề cụ thể về quyền con người. Bên cạnh đó, sự phối hợp của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần tích cực trong việc vận động các nước ủng hộ nghị quyết.
Việc Việt Nam đề xuất, soạn thảo và thương lượng nghị quyết này vừa là cụ thể hóa trách nhiệm, nỗ lực và ưu tiên của Việt Nam trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, đồng thời cũng là hiện thực hóa chính sách đối ngoại chủ động, tích cực, có trách nhiệm tham gia giải quyết các vấn đề quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.
- Đại sứ có thể chia sẻ một số công việc mà các nước được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền cần làm trong các khóa họp diễn ra tại Trụ sở Văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva?
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai: Hội đồng Nhân quyền được thành lập năm 2006, là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống Liên hợp quốc. Hội đồng Nhân quyền là cơ quan liên chính phủ của Liên hợp quốc, gồm 47 nước thành viên, đại diện cân bằng theo 5 khu vực địa lý trên thế giới.
Hoạt động của Hội đồng Nhân quyền trực tiếp thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người cơ bản như quyền lương thực, quyền sức khỏe, quyền được sống trong hòa bình..., gắn với các vấn đề thuộc quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế như phát triển bền vững, bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, trẻ em, bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Vì vậy, trong các khóa họp diễn ra tại Trụ sở Văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva, các nước được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền cần tham gia xây dựng chương trình của các khóa họp, thảo luận, phát biểu tại các phiên họp về nhiều chủ đề khác nhau, thúc đẩy sáng kiến, xây dựng dự thảo các văn kiện như tuyên bố chung, nghị quyết và quyết định của Hội đồng Nhân quyền; thực hiện các quyền dành cho các thành viên Hội đồng Nhân quyền trong quyết định các vấn đề lớn của cơ quan này như quyết định bổ nhiệm nhân sự cho các Thủ tục đặc biệt, xem xét, thông qua báo cáo quốc gia Rà soát Ðịnh kỳ phổ quát của các nước, tiến hành tham vấn và bỏ phiếu về việc thông qua các dự thảo nghị quyết và quyết định của Hội đồng Nhân quyền.
- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ./.