Pháp luật

Quảng trường trung tâm Gia Nghĩa chờ... đất để thi công 

Lê Phước 05/04/2023 05:00

Dự án Quảng trường trung tâm TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) cần khối đất rất lớn để san lấp mặt bằng. Trong khi, Đắk Nông chưa có mỏ đất xây dựng nào được cấp phép. Do đó, Dự án trọng điểm này đang phải dừng thi công mặt bằng vì thiếu... đất.

“Tự ứng” trước nguyên liệu

Quảng trường Trung tâm thành phố Gia Nghĩa là dự án trọng điểm của tỉnh Đắk Nông. Dự án này được khởi công từ cuối năm 2022, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông (BQLDA) làm chủ đầu tư. Tổng Công ty xây dựng số 1 là đơn vị thi công Dự án.

Căn cứ vào hồ sơ thiết kế, quảng trường cần khoảng 350.000m3 vật liệu để san lấp mặt bằng. Từ khi khởi công tới cuối tháng 3/2023, chủ đầu tư đã đưa khoảng 70.000 m3 đất từ các dự án khác về san lấp quảng trường.

anh-1-quang-truong-1-.jpg
San lấp mặt bằng nhộn nhịp trên công trường Dự án Quảng trường (Ảnh chụp tháng 2/2023)

Những nơi được lấy đất đưa về quảng trường là Dự án nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông; Dự án Trường Cao đẳng cộng đồng tỉnh Đắk Nông; Dự án Khu tái định cư Đắk Nur B. Đây đều là những dự án lớn, do BQLDA làm chủ đầu tư.

Theo BQLDA, hầu hết các dự án do đơn vị làm chủ đầu tư đều tận dụng lại lượng đất dự trữ từ các dự án khác. Việc điều phối đất từ các dự án khác về quảng trường sẽ tăng tính hiệu quả thực hiện dự án, tiết kiệm chi phí.

Đầu tháng 1/2023, BQLDA đã có văn bản xin ý kiến của UBND tỉnh về việc điều tiết, tận dụng đất từ các dự án khác để thi công quảng trường. Đơn vị này cho rằng, việc tận dụng này được pháp luật cho phép.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc BQLDA cho rằng, các dự án lớn do đơn vị làm chủ đầu tư đều đã được khảo sát, tính toán khối lượng đất dôi dư.

Cụ thể, Dự án nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông dư khoảng 22.000m3; Dự án Trường Cao đẳng cộng đồng Đắk Nông dư khoảng 150.000m3; Dự án Khu tái định cư Đắk Nur B dư khoảng 450.000m3.

BQLDA cho rằng, nguồn đất từ các dự án đã được xem xét, xác định trữ lượng, yếu tố kỹ thuật, tính chất cơ lý. Đơn vị đã chủ động xây dựng hồ sơ thiết kế, tính toán phí bảo vệ môi trường và đánh giá là đủ điều kiện để tận dụng lại.

anh-2-1-.jpg
Nhiều khối lượng đất đào đắp quảng trường được lấy từ Dự án nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Đắk Nông

Trong điều kiện Đắk Nông chưa có mỏ đất, BQLDA đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông cho khai thác tận dụng lại khối lượng đất từ các dự án trên. BQLDA cam kết sẽ hoàn thiện các hồ sơ và đóng phí môi trường theo quy định.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, thời tiết Đắk Nông có đặc thù 2 mùa mưa nắng rõ rệt. Nếu không tranh thủ được mùa khô để san lấp mặt bằng, dự án sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong mùa mưa. Do đó, BQLDA phải vừa xin phép, vừa tiến hành khai thác đất san lấp mặt bằng.

Bị “tuýt còi”

Từ tháng 1 - 3/2023, BQLDA đã có nhiều văn bản đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông cấp giấy phép khai thác đất dôi dư. UBND tỉnh Đắk Nông đã giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn BQLDA hoàn thiện hồ sơ. Nhưng sau nhiều tháng, BQLDA vẫn chưa được cấp giấy phép nào.

Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, BQLDA đã chỉ đạo các đơn vị đưa đất từ Dự án nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông và Dự án Trường Cao đẳng cộng đồng về bồi đắp quảng trường.

Khi các phương tiện vận chuyển đất trên đường đã bị lực lượng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Nông kiểm tra, bắt giữ vì không đủ cơ sở pháp lý.

Sau khi sự việc xảy ra, BQLDA đã dừng việc đưa đất từ các dự án khác về quảng trường. Việc đào đắp bị dừng khoảng 1 tháng gần đây, có nguy cơ ảnh hưởng tới tiến độ dự án quảng trường.

Anh Đinh Văn Đức, đại diện Tổng Công ty xây dựng số 1, chia sẻ: Việc đưa đất từ dự án bệnh viện ra quảng trường phải dừng vì vướng pháp lý. Điều này sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới tiến độ dự án quảng trường, dự án bệnh viện và phát sinh các chi phí liên quan.

anh-3-benh-vien-1-.jpg
Tập kết đất tại dự án bệnh viện để chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho quảng trường trung tâm Gia Nghĩa

Theo Giám đốc BQLDA Nguyễn Văn Nghĩa, Luật Khoáng sản yêu cầu phải được cấp phép thì mới được khai thác. Với tính chất cấp bách của dự án quảng trường, BQLDA đã đề nghị vừa cho khai thác, vừa làm thủ tục.

“Chúng tôi đề nghị tỉnh cho phép linh hoạt để bảo đảm tiến độ dự án nói riêng, giải ngân vốn đầu tư công nói chung. Tuy nhiên, đề nghị này không được các sở, ngành đề cập trong báo cáo để sớm xử lý. Do đó, chúng tôi phải tạm dừng đến khi cấp phép thì mới tiếp tục khai thác đất đào đắp”, ông Nghĩa cho hay.

Chậm tháo gỡ

Dự án quảng trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với bộ mặt đô thị Gia Nghĩa nói riêng, tỉnh Đắk Nông nói chung. Việc xây dựng quảng trường càng có ý nghĩa hơn khi Đắk Nông chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thành lập (1/1/2004 - 1/1/2024).

Khu vực xây dựng quảng trường nằm ở một vị trí có địa hình thấp. Khối lượng vật liệu cần để đào đắp là rất lớn và đã được đưa vào hồ sơ thiết kế. Nhưng khi triển khai ngoài thực tế, dễ thấy có nhiều vướng mắc mà cơ quan liên quan đã không lường trước được.

Tháng 1/2023, tức là sau khi Dự án quảng trường khởi công, chủ đầu tư mới có kiến nghị UBND tỉnh cho phép khai thác đất dôi dư từ các dự án khác.

Khi bị lực lượng Cảnh sát môi trường bắt giữ xe, đầu tháng 3/2023, chủ đầu tư tiếp tục kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Đến ngày 30/3, UBND tỉnh Đắk Nông mới cấp được 1 giấy phép cho BQLDA được khai thác đất dôi dư tại Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh để san lấp quảng trường.

Trong giấy phép được cấp, BQLDA được khai thác hơn 22.000m3 đất tại diện tích 1,08ha tại Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông.

So với tổng khối lượng đất cần để đắp quảng trường (khoảng 350.000m3), với 22.000m3 đất được cấp phép là rất khiêm tốn (chiếm khoảng hơn 6%).

anh-4-dang-do-1-.jpg
Công tác san lấp đất tại Dự án Quảng trường trung tâm Gia Nghĩa dang dở vì bị dừng gần 1 tháng nay

Theo Phó Giám đốc Sở TN-MT Võ Văn Minh, việc khai thác đất dôi dư để đào đắp thì phải xin cấp phép. Đối với dự án quảng trường, BQLDA đã gửi hồ sơ xin cấp phép ở 3 dự án.

Nhưng hiện Sở TN-MT mới tham mưu UBND tỉnh cấp được 1 giấy phép. Các dự án còn lại, Sở TN-MT đang làm việc với các sở, ngành liên quan để kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh nếu đủ điều kiện.

Ông Minh phân tích, đất dùng để san lấp được xem là vật liệu xây dựng thông thường, thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh.

Muốn khai thác đất từ dự án này sang dự án khác, chủ đầu tư phải làm đầy đủ hồ sơ thủ tục theo Luật Khoáng sản. Quy trình cấp phép khai thác đất cũng giống như khai thác cát, đá… nên mất khá nhiều thời gian.

Hiện nay, Đắk Nông chưa có mỏ đất nào được cấp giấy phép khai thác đất làm vật liệu xây dựng thông thường. Ngoài Dự án quảng trường, Đắk Nông đã và đang triển khai nhiều dự án lớn khác, cần khối lượng đào đắp lớn.

Sở TN-MT đang phối hợp với Sở KH-ĐT cùng các huyện, thành phố quy hoạch các mỏ đất để tích hợp vào quy hoạch chung của Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

"Với 103 mỏ đất và trữ lượng 6,9 triệu m3 được quy hoạch, chúng tôi tin rằng, khối lượng này bảo đảm cho các công trình, dự án đến năm 2030 và những năm tiếp theo”, ông Minh thông tin.

Lê Phước